Phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, ông Lê Hữu Hợi (71 tuổi) là thương binh, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) chưa bao giờ cho phép mình lùi bước trước khó khăn. Với sự quyết tâm đó, ông trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Ông Hợi quê gốc ở Hưng Yên, 14 tuổi cùng cha mẹ lên Thái Nguyên theo chính sách di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1968, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tại Chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Năm 1974, ông xuất ngũ trở về địa phương với mức thương tật trên 41% và nhiều di chứng do từng chiến đấu, sinh hoạt trong những cánh rừng bị rải chất độc da cam.
Về nhà, ông bắt tay vào khai hoang đất đồi bãi để trồng những loại cây đem lại giá trị kinh tế như chè, cây ăn quả. Song hướng phát triển kinh tế của ông là tập trung nuôi lợn thương phẩm. Sau một thời gian chăn nuôi nhỏ lẻ, ông đã tích lũy cho mình kinh nghiệm và nguồn vốn. Ông xuống Ba Vì, (Hà Nội) học tập mô hình trang trại nuôi lợn thịt. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư để phát triển đàn lợn của mình thành mô hình trang trại. Ông xây dựng hệ thống chuồng trại kiến cố với 3 dãy chuồng, mái lợp tôn, quạt gió, máng ăn, khu xử lý nước thải… và nuôi tổng cộng gần 600 con lợn, trong đó có khoảng 30 con lợn nái mẹ. Trung bình mỗi năm, số lợn này sinh sản khoảng trên 500 con lợn giống. Toàn bộ số lợn giống sau khi sinh sản ông Hợi đều giữ lại nuôi. Ông Hợi cho biết: Lúc đó ít người chăn nên nuôi lợn được giá, tôi thấy ham lắm. Hằng tháng, trang trại xuất ra thị trường khoảng 10 tấn lợn hơi, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Niềm vui chưa được bao lâu, gần 2 năm sau đó dịch lợn tai xanh bùng phát khiến ông bị chết hàng trăm con lợn, thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Thất bại không làm ông nản lòng mà ngược lại ông lại học được nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn thú y do địa phương tổ chức và áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào việc nuôi, trồng. Đến năm 2017, giá lợn khủng hoảng trên cả nước, gia đình ông cũng không tránh khỏi và bị lỗ mất gần 1 tỷ đồng. Hỏi về việc thất bại thế sao ông không chuyển hướng? Ông nói: Mình ngã ở đâu, sẽ đứng lên ở đó, hơn nữa bao nhiêu năm gây dựng mới được cơ ngơi thế này, giống như ngồi trên lưng cọp, vì vậy không thể bỏ được. Dù thất bại, song kinh tế gia đình tôi khá giả lên nhờ nuôi lợn. Với suy nghĩ lạc quan đó cộng với bình tĩnh, tích lũy và nghiên cứu diễn biến thị trường nên gia đình ông vẫn nhanh chóng tháo gỡ vượt qua khó khăn.
Hiện nay trang trại của ông duy trì trên 300 con lợn bột và gần 50 con lợn nái. Do được chăm sóc, vệ sinh hàng ngày nên đàn lợn béo mập, sạch sẽ. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông xuất được 20 tấn lợn, thu về khoảng gần 700 triệu đồng. Năm nay, giá lợn tăng mạnh nhưng không vì thế mà ông tái đàn ồ ạt. Bên cạnh chăn nuôi, với 200 gốc bưởi Diễn và 4.000m2 diện tích chè giâm cành, mỗi năm cũng mang về thêm cho ông nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Tạ Huy Dương, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phú Xuyên cho hay: Ông Hợi là tấm gương tiêu biểu về sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình hội viên cựu chiến binh và da cam vươn lên thoát nghèo bằng cách cho vay vốn không lấy lãi, mua chịu cám, con giống, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi… Ông cũng động viên con cháu tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Gia đình ông từng được nhận bằng khen của UBND tỉnh có thành tích xuất sắc trong phong trào đền ơn đáp nghĩa và hiến đất làm đường.