Luôn tâm niệm “còn sức khỏe là còn lao động” nên những năm qua, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1955) ở xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức (Phú Bình) đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu trong phong trào phát triển kinh tế và các hoạt động của địa phương. Với tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, ông là một trong những tấm gương người cao tuổi vượt khó làm giàu tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Về xóm Tân Thịnh, không khó để chúng tôi nhận ra cơ ngơi của ông Nguyễn Văn Bình, bởi nhìn từ xa, ngôi nhà 3 tầng khang trang, sạch đẹp của gia đình ông nổi bật giữa vườn cây với hàng trăm trụ thanh long. Tiếp chúng tôi bên chén trà nóng, ông Bình chia sẻ về cuộc sống và quá trình làm kinh tế của mình. Thời kỳ chiến tranh, ông Bình ở Trung đoàn 230, Sư đoàn 367 Quân chủng phòng không không quân, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Cam-pu-chia. Đến năm 1981, ông trở về địa phương với mức thương tật 21%. Với bản tính cần cù, chịu khó, ông tích cực học hỏi, tham gia trồng rừng, đưa những giống cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng. Năm 1990, khi Nhà nước triển khai dự án trồng rừng và hỗ trợ về cây giống, gia đình ông đã đăng ký trồng hàng trăm gốc keo lai, sau 5-7 năm đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng. Những năm sau đó, mặc dù không được hưởng hỗ trợ nhưng gia đình ông vẫn tiếp tục trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Đến nay, khu đồi rộng gần 1ha của gia đình ông đã được phủ kín gần 2 nghìn cây keo.
Năm 2004, ông Bình vay ngân hàng 20 triệu đồng để xây dựng trang trại nuôi 100 con lợn thịt. Luôn chú trọng đến chất lượng con giống, công tác thú y, vệ sinh môi trường nên việc chăn nuôi của gia đình ông phát triển ổn định, chưa lần nào để xảy ra dịch bệnh. Quy mô chăn nuôi được mở rộng qua từng năm, tùy thời điểm, có lúc lên gần 20 con nái và 200 con lợn thịt. Bên cạnh đó, ông Bình cũng lựa chọn giống cây ăn quả phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2012, ông trồng trên 200 gốc thanh long, 200 gốc chuối tiêu hồng trên khu vườn rộng hơn 11.000m2. Trung bình mỗi năm, nguồn thu từ 2 loại cây này là trên 120 triệu đồng. Mới đây, ông đã trồng thêm 300 gốc bưởi diễn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, ông Bình chia sẻ: Tôi đã sang tỉnh Vĩnh Phúc nhập giống về trồng, chi phí ban đầu là 20 triệu đồng cho 200 gốc thanh long. Qua mỗi năm, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng từ 2 loại cây ăn quả này. Dự kiến, vài năm tới bưởi cho thu hoạch, nguồn thu của gia đình sẽ tăng lên. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt và rừng, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được gần 1 tỷ đồng. Kinh tế gia đình dần ổn định, tôi mua xe con và xe tải 3,5 tấn phục vụ nhu cầu của gia đình và để con trai kinh doanh thêm dịch vụ vận tải hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tân Đức thông tin: Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Bình không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Trong cuộc sống đời thường, ông Bình luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia đóng góp, ủng hộ vào các phong trào, hoạt động…
Ghi nhận tinh thần tuổi cao gương sáng, Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh đã khen thưởng ông Bình do có thành tích xuất sắc trong phong trào Người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.