Mặc dù kinh tế còn gặp khó khăn, nhưng gia đình ông Hạ Văn Vinh, sinh năm 1966, người dân tộc Tày, xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương) vẫn tự nguyện hiến trên 2.000m² đất để làm tuyến đường liên xóm.
Gia đình ông Hạ Văn Vinh hiện đang sống trong căn nhà mái lá tạm bợ, rộng chừng 40m². Ông vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên phải nghỉ học giữa chừng để bươn chải, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Năm 1986, ông dùng số tiền dành dụm được mua được 3ha tại xóm Đồng Phủ 2, sau đó khai hoang được thêm 2ha đất đồi. Mặc dù diện tích đất nhiều nhưng phần lớn bỏ hoang, nên nhiều năm liền, kinh tế của gia đình ông Vinh chỉ trông vào 10 sào ruộng, năm nào khô hạn thì không đủ ăn.
Đến năm 1992, thấy nhiều người cùng xã trồng chè có thu nhập khá nên gia đình ông quyết định trồng 8 sào chè. Ban đầu, vì không có tiền mua cây giống, vợ chồng ông phải đi đào những cây chè mọc dại trên rừng về trồng. Sau 3 năm, chè bắt đầu cho thu hoạch, lúc đó gia đình ông mới không còn thiếu đói. Đến nay, gia đình ông có thu nhập trên dưới 30 triệu đồng mỗi năm từ cây chè và cũng đã có 4ha keo đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Năm 2013, gia đình ông Vinh là hộ cận nghèo, kinh tế còn gặp khó khăn, nhưng khi biết Nhà nước có chủ trương mở rộng và làm đường bê tông đi qua đất nhà mình, ông và gia đình đã không so đo, ngần ngại hiến trên 2.000m2 đất.
Ông Hạ Văn Vinh chia sẻ: Đường vào xóm trước đây là đường đất, đi lại rất khó khăn, vào ngày mưa đường trơn trượt, rất dễ ngã, nhất là các cháu nhỏ đến trường; nông sản của bà con làm ra không có người vào thu mua. Vì thế, khi biết Nhà nước có chủ trương làm đường đi qua trên diện tích đất của gia đình, vợ chồng con cái tôi sau khi bàn bạc, thống nhất đã đồng ý, ủng hộ. Tôi thấy, việc xây dựng tuyến đường là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, đáp ứng mong mỏi bấy lâu của người dân. Nếu tính ra tiền thì nó thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống còn nhiều vất vả của gia đình tôi. Song, tôi nghĩ, việc hiến đất làm đường bê tông sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa trở nên dễ dàng hơn thì kinh tế của xóm và của gia đình mới phát triển được.
Ông Nông Thanh Thiều, Trưởng xóm Đồng Phủ 2, cho biết: Mặc dù hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng gia đình ông vẫn tự nguyện hiến diện tích đất nhiều nhất xã. Không những thế, gia đình ông còn chặt đi khoảng 300 cây keo 3 năm tuổi, 1 sào chè đang cho thu hoạch. Gia đình ông Vinh cũng rất gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy đinh của địa phương. Việc hiến đất của gia đình ông Vinh thật đáng trân trọng và biểu dương…