Bằng nghị lực của bản thân, chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Hoan đã vượt qua khó khăn, đứng ra thành lập Cơ sở Tẩm quất người mù Hoàng Hoan, ở số nhà 733, đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên), tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Những năm qua, Cơ sở Hoàng Hoan được nhiều người biết đến trong việc xoa bóp, bấm huyệt, hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa và đau đầu, vai, gáy.
Anh Hoàng Văn Hoan, sinh năm 1989, ở xóm Trại 4, xã Bình Thuận (Đại Từ). Khi còn nhỏ, cậu bé Hoan khỏe mạnh, mắt sáng như bao đứa trẻ bình thường. Nhưng đến năm 14 tuổi, căn bệnh bong võng mạc đã khiến anh vĩnh viễn không thấy ánh sáng mặt trời. Anh Hoan kể: “Từ năm 2002 đến 2010, tôi trải qua 4 cuộc phẫu thuật mắt nhưng không chữa được bệnh. Và từ năm 2010 đến nay, tôi vĩnh viễn không nhìn được gì”. Tuy số phận đã không mỉm cười nhưng anh Hoàng Văn Hoan lại rất nghị lực. Anh bảo: “Tôi xác định người mắt sáng cố gắng 3, 4 thì mình phải cố gắng 9, 10 phần. Tôi phải làm việc có ích cho xã hội để báo hiếu bố mẹ và giờ là nuôi vợ, con nữa”.
Nghị lực đã giúp anh vượt qua mặc cảm số phận, lựa chọn công việc phù hợp với mình và quyết tâm theo nghề. Năm 2008, anh đi học chữ nổi Braille, học lớp quản lý của hội người mù. Năm 2009, anh tiếp tục học lớp xoa bóp, tẩm quất, bấm huyệt. Sau đó, anh làm việc tại nhiều cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở Hà Nội đến năm 2012 thì về Thái Nguyên mở cơ sở tẩm quất Hoàng Hoan. Để nâng cao tay nghề của mình, anh Hoan còn đi học thêm khóa học về tác động cột sống, các huyệt, dây thần kinh trên cơ thể do các y, bác sĩ Bệnh viện Y dược học cổ truyền Trung ương truyền dạy, đồng thời đi nhiều nơi, học hỏi những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Sau khi nắm vững kiến thức, anh vận dụng thực hành trên người bệnh.
Với kinh nghiệm hơn 7 năm trong nghề, hiện nay, anh Hoan có thể xoa bóp, bấm huyệt, hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, đau đầu, vai, gáy. Với những người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu hoặc có nhu cầu, anh đến tận nhà để điều trị. Anh Hoan tâm sự: “Cũng từng là người bệnh, trải qua bao cuộc phẫu thuật mắt trong nhiều năm liền nên tôi thấu hiểu lòng mong mỏi của những người bị đau mỏi và luôn dốc tâm chữa bệnh. Tôi thực sự hạnh phúc khi người bệnh thuyên giảm và cảm ơn sau mỗi đợt điều trị”.
Tay nghề của anh Hoan đã góp phần giúp Cơ sở Hoàng Hoan được nhiều người biết đến. Phần lớn khách hàng đến với Cơ sở là để xua tan mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, nhưng trong đó cũng có nhiều người đến để điều trị bệnh. Từ lượng khách hàng đều đặn, cơ sở đã tạo việc làm cho 5 người khiếm thị với thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Bùi Thị Hiền, sinh năm 1992, một trong những lao động tại cơ sở cho biết: Vì bị khiếm thị bẩm sinh nên tôi không tìm được công việc phù hợp. Đến năm 2013, tôi học nghề xoa bóp, bấm huyệt và được nhận vào cơ sở làm từ tháng 5-2014. Được làm việc ở đây, tôi rất vui vì có người cùng cảnh ngộ chia sẻ, lại có thu nhập ổn định không sống phụ thuộc vào gia đình. Một điều hạnh phúc là cũng từ công việc ở đây, tôi gặp được người đàn ông mắt sáng hiểu, chia sẻ và nên duyên vợ chồng. Tôi đã có một cháu nhỏ gần 4 tuổi.
Có một điều thú vị mà anh Hoàng Văn Hoan chia sẻ là những năm gần đây, lượng khách nữ đến điều trị tại Cơ sở ngày càng tăng. Trung bình một tháng, cơ sở có 700-800 khách thì gần 250 khách là nữ giới, chiếm trên 30%. Khách nữ đến đây có nhiều độ tuổi khác nhau từ hơn 20 tuổi đến hơn 60 tuổi. Các khách nữ phần lớn đều bị các bệnh về đau đầu, vai, gáy do làm việc công sở, hay làm nhiều giờ đồng hồ ở một tư thế liên tục, như các chị nhân viên Công ty Samsung Thái Nguyên.
Một trong những khách hàng nữ thường xuyên điều trị tại cơ sở cho biết: Tôi bị đau dây thần kinh tọa, đau vai, gáy đã gần 20 năm nay. Mấy năm gần đây, tôi còn bị thoái hóa đốt sống cổ nên cơ thể rất đau mỏi. Trước đây, tôi đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Từ khi đến Cơ sở Hoàng Hoan điều trị, tôi đã thấy bệnh tình thuyên giảm nhiều, không đau, mỏi nữa, cơ thể khỏe khoắn, công việc hiệu quả hơn.
Anh Hoan tâm sự: Một số chị lần đầu đến còn ngại ngần nhưng tôi động viên, bảo các chị đến đây đều là người bệnh, mình đi điều trị bệnh chứ không làm việc gì mờ ám, sai trái. Các chị đến điều trị, bệnh tình dần thuyên giảm nên đã giới thiệu thêm bạn đến Cơ sở. Cũng chính niềm vui của người bệnh đã mang lại hạnh phúc, giúp cho cuộc sống của chúng tôi bớt đi mặc cảm trong đường đời còn nhiều gian nan.