Những truyền nhân của làng

08:10, 21/12/2018

Nhân dân gọi họ là nghệ nhân. Nhiều người trong số họ được Nhà nước vinh danh nghệ nhân. Nhưng trong đời thường, nhiều người gọi họ là những truyền nhân của làng. Vì suốt cuộc đời họ luôn tiếp nhận, gìn giữ, sáng tạo và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ mai sau những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Và dù trên đường đời còn nhiều khó nhọc, song họ không mảy may toan tính chuyện áo, cơm. Họ gạt đi mọi vướng bận cuộc đời để được hát, được múa và được truyền lại cho thế hệ trẻ từng câu ca, điệu múa hoặc một nét đẹp văn hoá truyền thống ngàn đời không mai một.

 

Ví như Rối Tày Thẩm Rộc và Ru Nghệ, một tiết mục trình diễn nghệ thuật không thể thiếu ở Lễ hội Lồng Tồng vào dịp đầu Xuân tại xã Phú Đình (Định Hoá). Nhân dân, du khách về dự hội háo hức trước các màn diễn ngộ nghĩnh, đời thường nhưng sâu nặng chất triết lý nhân sinh. Nhưng phía sau các ông rối ấy là những con người khéo léo, tài hoa và tâm huyết. Nghệ nhân Ma Văn Cười, xóm Ru Nghệ 2, xã Đồng Thịnh (Định Hoá) tự hào: Từ năm 2015, Rối Tày Thẩm Rộc - Ru Nghệ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Những tích rối ấy làm nên niềm tự hào cho một vùng đất, nên được lưu truyền, kế tục qua nhiều thế hệ. Mà ông Cười là một trong số những nghệ nhân của cuộc đời thường, từ lúc lẫm chẫm tập đi đã mon men ngồi bên chiếu rối. 12 tuổi đã chính thức tham gia biểu diễn cùng các “bậc chân truyền” và học cách chế tác quân rối, đạo cụ biểu diễn. Khi cụ thân sinh qua đời, ông được giao trách nhiệm làm chủ phường Rối, đồng thời là người chịu trách nhiệm gìn giữ lời giáo, các ông rối cũng như các đạo cụ phục vụ biểu diễn. Ông Cười cho biết: Rối Tày Thẩm Rộc - Ru Nghệ là hình thức trình diễn các tích trò mô phỏng hoạt động lao động sản xuất của người nông dân và các hiện tượng tự nhiên, bao gồm: Cày, cấy, câu cá, tắc kè, pu cấy… Để các ông rối hoạt động linh hoạt đều do các nghệ nhân đứng sau tấm mành điều khiển. Cùng với đó là lời giáo của ông chùm tạo không khí vui nhộn.

Hiện ông Cười là một trong những nghệ nhân đang nắm giữ các bí quyết, đồng thời truyền dạy bí quyết về chế tạo ông rối, kỹ năng biểu diễn nghệ thuật cho nhiều người thuộc giới trẻ đam mê rối cạn.

Cùng ở huyện Định Hoá, nghệ nhân Ma Đình Sung, xóm Đá Bay, xã Bình Yên được người dân trong vùng gọi là truyền nhân chế tác đàn tính. Cây đàn ông chế tác thể hiện được trường độ, âm vực có thể đạt tới 3 quãng tám, tức là loại đàn tốt nhất. Ông Sung kể: Năm 9 tuổi, tôi bập bẹ đến với các đường then cổ, then mới. Tôi hiểu hát then luôn được thực hiện trên nền nhạc của cây đàn tính. Cũng vì nhận thức được giá trị của cây đàn tính trong việc thực hiện nghi lễ, và các cuộc hát, nên tôi có ý nghĩ mình phải học cách làm đàn tính.

Nghĩ là làm, nhưng vì tự tìm tòi, nghiên cứu lại thiếu kinh nghiệm, nên ông làm ra được hàng chục cây đàn tính, song không có âm sắc. Khi đó, cụ thân sinh ra ông mới bắt đầu “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho ông cách chọn vật liệu, xử lý vật liệu để chế tác ra cây đàn, rồi đến cách cầm cưa, cầm nạm bào… Nhờ đức tính kiên trì, chịu lắng nghe, nên ông nhanh chóng tiếp nhận được những kiến thức cơ bản và làm ra được cây đàn như mong muốn. Từ hơn 30 năm nay, ông đã chế tác được hàng trăm cây đàn tính. Đàn chủ yếu mang cho, tặng bạn hát then. Điều ông lo ngại là nghề làm đàn bị thất truyền, nên ông luôn sẵn lòng đón nhận học trò để truyền lại những bí quyết làm cây đàn tính.

Trong “hành trình” đến với các truyền nhân của làng, điều bất ngờ là ở ngay T.P Thái Nguyên, chúng tôi gặp được nghệ nhân Ma Ngọc Chỏi, tổ 22, phường Quan Triều. Ông Chỏi là nghệ nhân hát then cổ và then cách tân. Ông chia sẻ: Cổ là những tích hát xưa, rất khó thực hiện. Còn tân là bài hát có lời mới được dựa trên lối hát cổ để trình diễn… Các học trò ưu tú của ông là Ma Đình Tuấn, Nông Thị Hằng cho biết: Thầy Chỏi là một kho tàng sống của nghệ thuật hát then và đàn tính. Thầy sống khiêm tốn, nhiệt tình, song luôn nghiêm khắc với “đám học trò” chúng tôi.

Như bao bé thơ con em đồng bào dân tộc Tày, ông Chỏi lớn lên cùng câu then, tiếng tính. Nhưng các cụ bảo ông là người có năng khiếu đặc biệt, nên không ngần ngại truyền dạy cho ông lời then, tiếng tính. Bởi thế, 16 tuổi ông được tham gia hát then tâm linh, then cổ như: “Kỳ yên giải hạn”, “Cầu tự”, “Cầu phúc”, “Then mùa xuân”, “Tứ quý”, “Then cúng mụ trẻ em”, “Then cổ cầu vồng”, “Nghi lễ cấp sắc Pụt”… Ông từng đoạt được nhiều huy chương tại các cuộc thi hát then từ cấp tỉnh đến toàn quốc.

Cùng ở T.P Thái Nguyên, nghệ nhân Nguyễn Tư Xin, xóm Thái Sơn 1, xã Quyết Thắng được nhiều người biết đến nhờ làm cây sáo Mông. Ông là người dân tộc Kinh, nhưng mê tiếng hát ru và cây sáo của người Mông, nên tự nghiên cứu và chế tác thành công cây sáo. Song cây sáo ông làm ra chưa có linh hồn, vì tiếng chưa tròn, ngọt, người Mông chưa thích nghe. Ông kể: Năm 1990, tôi có duyên nên gặp được cụ Sùng A Màng, nghệ nhân chế tác sáo Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Thấy tôi mê nhạc cụ dân tộc, nên cụ không ngần ngại truyền dạy cho tôi những bí kíp của nghề làm sáo. Nhờ cụ Sùng A Màng chỉ dạy cho các công đoạn chọn vật liệu là ông nứa, ống trúc; cách luộc ống bằng nước muối, nước vôi trong và kỹ thuật khoét lỗ, đặc biệt là việc chế tác lá đồng của sáo. Từ hơn 10 năm gần đây, tôi đã làm được gần 500 cây sáo để tặng cho người đam mê ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Hoà Bình.

Ông biết chơi gần 10 loại nhạc cụ khác nhau. Nhưng nhạc cụ ông thích nhất là cây sáo Mông. Cũng từ đam mê, ông tự chế tác ra rất nhiều kiểu sáo Mông khác nhau. Vật liệu chế tác sáo không chỉ bằng trúc, ông nứa, mà bằng cả những ống dẫn nước. Nhưng bằng vật liệu gì thì cây sáo ông làm cũng có linh hồn. Các bài tủ như: “Bài ca trong hang đá”, “Đêm trăng bản Mèo”, “Xuân về trên bản”… đã mang lại cho ông 7 huy chương các loại tại các hội diễn nghệ thuật toàn quốc, trong tỉnh và khu vực, trong đó có 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. Năm 1994, ông được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá quần chúng”. Anh Nguyễn Duy Phúc, học trò của ông Tư Xin cho biết: Sau nhiều năm theo thầy, tôi bắt đầu chế tác thành công cây sáo Mông. Và tôi biết thổi sáo Mông như một nghệ nhân của bản.

Về huyện Đồng Hỷ, chúng tôi gặp ông Lý Văn Thẩm, 88 tuổi, xóm Đèo Khế, xã Khe Mo. Ông Thẩm là nghệ nhân Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Nùng. Ông là đời thứ 7 trong gia đình làm thầy Tào. Ông kể: Năm 1960, tôi làm Lễ cấp sắc và được thầy Nông Văn Thổ trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn đi làm lễ. Sau 13 năm tôi nhận học trò đầu tiên và là thầy chính trong Lễ cấp sắc cho anh Nông Văn Sinh. Đến nay tôi đã cấp sắc cho 20 học trò. Ngoài ra, tôi còn làm các lễ dâng sao giải hạn; nghi lễ đám hiếu. Hiện, tôi đang lưu giữ nhiều cổ vật gia truyền là các bộ sách về cấp sắc, làm lễ sinh nhật, dâng sao giải hạn, đám hiếu và một số nhạc cụ gồm trống con, bộ thanh la, chụp chọe, lình tang, chuông con và dấu cổ đúc bằng đồng.

Được biết, Lễ cấp sắc là một việc lớn của đồng bào dân tộc Nùng. Sau khi cấp sắc gọi là thầy Tào. Theo quan niệm tín ngưỡng: Thầy Tào là người có khả năng giao tiếp với thần linh, luôn làm việc thiện, nên mọi việc trong nhà đều nhờ cậy thầy Tào làm lễ giúp.

Với ông La Ngọc Phẩm, xóm Đồng Danh, xã Yên Ninh (Phú Lương), nghệ nhân hát Sấng cọ của đồng bào dân tộc Cao Lan, Sán Chí. Khi thấy những điệu hát của dân tộc mình bị mai một, ông lo lắng đến một ngày nào đó, câu hát Sấng cọ - một nét đẹp văn hoá dân gian mang đậm hồn cốt của dân tộc mình sẽ không được cất trên môi người, nên cất công lặn lội đến các vùng có người dân tộc Cao Lan, Sán chí sinh sống trong xã, và các xã Yên Đổ, Phú Đô (Phú Lương), xã Phú Đình (Định hoá) để sưu tầm các loại sách hát Sấng cọ của Lưu Tam.

Ông kể: Năm 1990 tôi bắt đầu vận động bà con tham gia tập hát Sấng cọ. Khi đó những người cao tuổi ủng hộ ngay, còn người trẻ ngần ngại vì họ quen với hát tân nhạc. Một khó khăn nữa là nhiều người trẻ nói không sõi tiếng dân tộc mình, ngại nói, hát bằng tiếng dân tộc mình. Và tôi đã kiên trì truyền dạy. Rất mừng là chỉ sau một thời gian không dài, nhiều người trong xóm đã thuộc lời Sấng cọ. Tôi rất mừng là đến nay, câu hát Sấng cọ lại ngân nga trên môi người. Và trở thành “món khoái khẩu” được trình diễn phục vụ bà con vào ngày Tết đến, Xuân về.

Còn nhiều nữa những truyền nhân của làng. Tất cả họ đang lặng lẽ đóng góp công sức mình để gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền nét đẹp văn hoá độc đáo của dân tộc mình cho các thế hệ mai sau.