Người “đánh thức” văn hóa dân gian ở Phú Đình

14:40, 13/03/2019

Là người dân tộc Kinh nhưng bà Dương Thị Hiên (sinh năm 1954), ở xóm Duyên Phú 2, xã Phú Đình (Định Hóa) lại bỏ công sức, thời gian khôi phục hát Sấng Cọ và nhảy Tắc Xình của người Sán Chí đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nhờ đó mà hát Sấng Cọ và nhảy Tắc Xình của người Sán Chí ở Phú Đình đã được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.

Bà Hiên có diện mạo trẻ hơn nhiều so với tuổi, nên thoạt nhìn nhiều người nghĩ bà có cuộc sống an nhàn. Nhưng bà lại có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bản thân bà bị mắc bệnh hẹp mạch vành tim, con gái bị nhiễm thể sắc từ khi mới sinh ra nên không được lành lặn như mọi người. Thay vì chán nản bà đã tìm cách vượt qua để sống lạc quan và làm những việc có ích cho xã hội. Bà Hiên kể lại: “Vốn thích sáng tác thơ, năm 1993, tôi tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật huyện. Từ đây, tôi tìm được tình yêu đối với văn hóa dân gian. Năm 2013, khi Hội Văn học Nghệ thuật có chủ trương đưa văn hóa dân gian về cơ sở, tôi đã suy nghĩ đến việc khôi phục và phát triển văn hóa của người Sán Chí là nhảy Tắc Xình và hát Sấng Cọ”. Được sinh ra và lớn lên giữa bản của người Sán Chí nên thuở bé mỗi buổi đi học về, bà lại được nghe dân bản hát Sấng Cọ và xem múa Tắc Xình. Bà còn nhớ như in hình ảnh những đôi nam, nữ trong trang phục dân tộc đứng ở hai bên bờ suối hát Sấng Cọ giao duyên. Nhiều cặp đôi sau đó đã nên vợ chồng và sống hạnh phúc. Lớn lên, bà thấy nét văn hóa này dần mai một, người biết hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình trong bản ngày càng ít đi, nhất là thế hệ trẻ.

Đó là lý do bà Hiên bắt tay vào ý tưởng khôi phục nét văn hóa này của người Sán Chí. Bà Hiên đã vào các bản người Sán Chí trong xã như: Nà Tẩm, Nà Tiển để tìm hiểu. Bà may mắn tìm lại được cụ Ninh Văn Lục, Dương Thị Chức, Phương Văn Sáng… là những người còn nhớ về hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình. Bà Hiên nói: “Khó khăn lúc đầu là rào cản văn hóa, bất đồng ngôn ngữ. Người Sán Chí không muốn dạy múa Tắc Xình cho người Kinh vì lo tôi sẽ “đánh cắp”. Tôi phải nhờ đến hội viên cũ từ thời mình làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đưa đến nhà giới thiệu và nhờ họ phiên dịch hộ”. Mặc dù vậy, có người vẫn không muốn truyền dạy hết các động tác, còn người muốn truyền dạy thì cố nhớ lắm cũng chỉ khôi phục được vài ba điệu múa Tắc Xình. Hơn 3 tháng, bà Hiên học được 5 động tác đầu, còn 4 động tác sau vẫn chưa tường tận. Không nản chí, bà Hiên tìm đến sự giúp đỡ của những người có uy tín trong bản, trong đó có  ông Trần Văn Lực, người có đam mê với Sấng Cọ nên khi bà Hiên nói về khôi phục văn hóa dân gian, ông đã nhiệt tình giúp đỡ. Từ đây, những già làng trong bản đã dần truyền lại hết động tác múa Tắc Xình cho bà Hiên. Không những vậy, bà còn cùng các cụ già khôi phục đủ lời bài hát “Sấng Cọ cho vụ làm rẫy” và sau này bà đã sáng tạo lồng ghép vào điệu nhảy Tắc Xình.

Cuối năm 2013, bà Hiên đề xuất với xã xin thành lập Câu lạc bộ (CLB) múa Tắc Xình do ông Trần Văn Lực làm chủ nhiệm. Đến năm 2016, bà Hiên tiếp tục đề xuất với xã và Hội Văn học Nghệ thuật huyện cho thành lập CLB Văn học - Nghệ thuật xã, lấy lực lượng nòng cốt là thành viên đội múa Tắc Xình (ban đầu chỉ với 15 thành viên nhưng đến nay đã lên đến hơn 40 người). Từ đó đến nay, CLB luôn sinh hoạt đều đặn, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, biểu diễn trong những dịp lễ hội. CLB còn tổ chức truyền dạy nhảy Tắc Xình và hát Sấng Cọ cho các cháu thiếu nhi trong xã. Vì thế, ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến và yêu thích loại hình nghệ thuật này.

Nhận xét về bà Hiên, ông Ma Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đình phấn khởi: Bà Hiên là người tâm huyết trong công việc nhưng cũng rất khiêm tốn. Nhờ có bà mà giá trị văn hóa dân gian của địa phương đã được khơi dậy, lan tỏa và trở thành niềm tự hào của người dân. Còn bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hóa nói: Không chỉ là hội viên tích cực đưa văn học nghệ thuật về với cơ sở, bà Hiên còn là người phụ nữ biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, CLB Văn học Nghệ thuật xã Phú Đình do bà Hiên làm người “đầu tàu” luôn giữ vững danh hiệu đơn vị thi đua xuất sắc.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bà Hiên không chỉ tham gia công tác ở một lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trước đây, bà có hơn 11 năm công tác trong Hội Phụ nữ xã Phú Đình; 11 năm làm Ủy viên Ủy ban MTTQ xã; 15 năm làm Trưởng ban MTTQ và Chi hội trưởng Khuyến học... Ở cương vị nào bà cũng luôn nỗ lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành nhiều lần biểu dương, khen thưởng.