Đôi tai nghe được lời báo Đảng

11:17, 14/06/2019

Gần 35 năm làm nghề viết báo, lên rừng, xuống biển đúng với nghĩa của nghề cầm bút, tôi viết về thân phận con người và những miền quê hương đất nước. Biết rằng những bài báo của mình sẽ chìm lặng vào dòng đời, nhưng một ngày tháng sáu của năm nay, có một người đã gọi điện cho tôi, nói: Tôi đã khóc khi nghe vợ đọc bài báo viết về mình, dù không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng đôi tai nghe được lời báo Đảng.

Tôi thật sự xúc động vì người mến bài báo mình viết lại là một người mù. Và dù biết họ không bao giờ đọc báo, nhưng tôi vẫn viết không chỉ bằng trách nhiệm, mà viết bằng tâm huyết, sẻ chia. Và tôi viết để khơi dậy tình người trong xã hội, với mong muốn sau khi bài báo được đăng tải, xã hội sẽ xuất hiện thêm những tấm lòng nhân ái.

Có một lần đi thực tế ở huyện Đồng Hỷ, trời mưa nhiều, đường đất lép nhép bùn đất, song ông Đinh Văn Tuynh, Chủ tịch Hội Người mù của huyện không ngần ngại, bảo: Hội viên của chúng tôi đang chờ anh… Trong lúc đội mưa lên đường, ông Tuynh chia sẻ: Hạnh phúc của người không nhìn thấy ánh sáng giản đơn lắm, như việc mỗi ngày đều có cơm ăn, áo mặc. Huyện Đồng Hỷ có hơn 180 người tham gia sinh hoạt Hội, trong đó có hơn 50 người bị mù hẳn, còn lại cơ bản không nhìn rõ…

Tôi lại nhớ cách đây không lâu, khi xem chương trình văn nghệ “Thắp sáng ước mơ” do các “ca sĩ” đội văn nghệ (Hội Người mù T.P Thái Nguyên) biểu diễn, nhiều khán giả đã lặng đi khi nghe tiếng hát của một cô bé mù. Sau đêm diễn, tôi tìm đến tổ 4, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), nơi em và các bạn ở trọ. Chủ nhân của câu hát đêm qua là Văn Thị Vân, quê ở xã Tân Khánh (Phú Bình), nạn nhân chất độc da cam. Vân bị gù, mù và què, luôn bị từng cơn đau đơn hành hạ thể xác. Vân bảo: Đêm qua cháu đã hát phục vụ bà con trong lúc cơ thể nhức buốt. Và cháu đã thường xuyên hát trong hoàn cảnh như thế… Tôi thấy nghẹn lại, một nỗi đau mơ hồ, Vân hát không phải để quên góp tiền mà hát vì nỗi đau chiến tranh. Cũng trong căn phòng không cần bật điện Vân ở, tôi gặp Nguyễn Thị Thu Trang, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Trang bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Ngồi cạnh Trang là Dương Thị Thu Hằng, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Hằng bị mắc chứng teo gai thị lực, từ năm 3 tuổi đã không nhìn thấy ánh sáng. Trong góc phòng là Hoàng Văn Tấn, quê Võ Nhai, bị mù bẩm sinh… Dù cuộc đời bị thiếu khuyết đôi mắt, nhưng các em là những con người giàu nghị lực, khao khát vươn lên và dám bước giữa cuộc đời bằng chính đôi chân của mình.

Tiếng hát của bé Vân gợi lại cho tôi về chuyến đi viết bài ở vùng quê A Nhì, xã Bảo Linh (Định Hóa). Hôm ấy, tiếng sáo véo von cất lên từ một ngõ nhỏ đã như chất men dẫn dụ, mời gọi tôi tìm đến. Chủ nhân của tiếng sáo ấy là nghệ nhân mù Nguyễn Văn Chu. Ông khoe: Gần 50 năm làm bạn với cây sáo, tôi có nhiều học trò, nên sau này bụng không còn hơi, tiếng sáo trúc - một nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, Nùng vẫn được cất lên… Ông dừng lời vẻ như cân nhắc điều gì đó, rồi như một thói quen, ông cầm cây sáo trúc, bảo: Để tôi thổi cho anh nghe làn điệu “Phong Sư”, “Nàng Ới”… nhé.

Vâng! Tôi lặng đi vì nghe tiếng sáo, rồi chợt nhận ra ở thế giới của người không có ánh sáng, luôn sôi động, chan chứa tình yêu thương con người. Và tôi đã viết bài về những người không thể đọc báo bằng niềm đam mê của mình.