Ông Nguyễn Đức Cường, xóm 8 là đảng viên làm kinh tế giỏi ở xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên). Ông chia sẻ: Tôi tham gia làm dịch vụ, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả. Điều tôi hướng tới là có cơ hội giúp đỡ những người dân hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi suy nghĩ, phấn đấu như vậy vì bản thân là một đảng viên.
Hai từ đảng viên được một lão nông ở tuổi “Thất thấp cổ lai hy” cất lên, có gì đó thiêng liêng, thành kính và như để nhắc nhớ mọi người giữ gìn chuẩn mực đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên. Ông kể: Tháng 4-1976, tôi được kết nạp vào Đảng khi phục vụ trong quân đội… Ông dừng lời, hướng đôi mắt nhìn lên những vạt đồi, núi xanh mướt sau mấy trận mưa đầu tháng 6. Kỷ niệm thời trẻ trai ùa về làm gương mặt ông tươi tắn hơn. Ông nhập ngũ tháng 5-1971, sau 2 tháng tham gia huấn luyện ở Đông Anh (Hà Nội) thì được biên chế vào Đại đội 8, Tiểu đoàn 120, Trung đoàn Phòng không 210. Trong chiến đấu, đơn vị lập nhiều chiến công, góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cuối năm 1976, ông ra quân, trở về với Làng Hà, nay là xóm 8, nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Ông tự hào: Hơn 5 năm trong quân ngũ, tôi được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; Bộ Tư lệnh tặng 2 Bằng khen, 4 Giấy khen về thành tích dũng cảm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là đại biểu tham dự Đại hội Chiến sĩ quyết thắng của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức năm 1973.
Về cuộc sống đời thường, ông không gặp nhiều may mắn. Nhưng khó khăn, thử thách tôi luyện cho người cựu chiến binh này một đức sống trong sáng, không vụ lợi và luôn biết yêu thương. Ông kể: Lập gia đình, nhưng phải 5 năm sau vợ chồng tôi mới có con. Vợ tôi, bà Nguyễn Thị Hòa phải uống hết vài gánh thuốc nam, thuốc bắc; mấy vốc thuốc tây tôi mới được làm bố. Để cả nhà không bị đói, tôi dắt vợ con vào dìa núi này dựng lán ở, hằng ngày lầm lụi khai phá đất trồng ngô, sắn lấy lương thực... Không phụ công người, những mùa tra hạt đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống ổn định, các con nhỏ hết khóc vì bát cơm không phải độn đầy sắn, ngô. Thấy một số gia đình trong vùng không đủ lương thực, ông cho vay ăn đợi vụ không lấy lãi. Rồi một ngày ông nhận thấy mình sở hữu nhiều đất, mà sức không làm xuể, nên gọi bà con lân cận đến bán lại, chỉ lấy một ít tiền để 2 bên cùng thỏa mãn. Ông đã bán hàng chục nghìn m2 đất không phải để lấy vốn làm ăn, mà vì suy nghĩ giúp bà con có đất sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Cũng có lúc vợ ông trách: Đất đai là cái gốc cho nông dân sinh kế, sao lại bán để giúp người? Ông thủng thẳng: Giúp người là để tạo phước nghiệp cho con cháu, bản thân mình cũng được sống thanh thản. Hơn nữa, tôi là một đảng viên, thấy người ta thiếu khó, mình giúp được mà không làm thì có tội lớn lắm… Là nói như thế, vì cuộc sống của gia đình ông bấy giờ chẳng dư dả nhiều. Năm 1993, thấy người dân trong vùng có nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng, phân bón, nông sản sau thu hoạch, ông xoay sang mua xe công nông làm dịch vụ vận tải, rồi bỏ vốn xây lò đốt vôi. Vừa làm chủ, vừa làm công, ông làm việc quần quật nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ người thiếu khó hơn mình bằng cách lấy giá cước vận chuyển; giá bán vôi thấp hơn so với cơ sở sản xuất khác. Ông kể: Đứng trước khó khăn chưa bao giờ tôi phàn nàn, mà tìm hướng giải quyết. Như việc anh con cả của tôi khi học hết phổ thông, xin bố ở nhà nối nghiệp chạy xe công nông. Tôi động viên cháu là phải tiếp tục học, ở nhà cũng làm được người tốt nhưng học hành đầy đủ sẽ có điều kiện làm người tốt hơn, cống hiến cho xã hội nhiều hơn.
Trở lại chuyện làm giàu: Từ hơn 15 năm trước, ông bỏ việc cầm vô lăng, bỏ luôn cả đốt lò vôi vì ô nhiễm môi trường để chuyển sang làm dịch vụ cung ứng phân bón và bán hàng tạp hoá. Ông trải lòng: Khách hàng của tôi là nông dân ở Phúc Hà, Phấn Mễ, Tân Long, Quan Triều, Quyết Thắng… Toàn bà con lân cận nên tôi chấp nhận bỏ tiền cục để thu về tiền lẻ. Trong vùng còn có nhiều hộ nghèo, vào mùa vụ tôi giúp ứng trước phân bón; vào năm học mới tôi bán chịu quần áo… Nhiều nhà lỡ bữa, tôi bán chịu đồ ăn… vẫn với giá bình dân. Có người thắc mắc, tôi bảo: Mình là đảng viên, cho dân vay lấy lãi là có tội nặng lắm.
Ông Trương Bá Hiền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã Phúc Hà cho biết: Là người làm kinh tế giỏi, song ông Cường luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông còn là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh xã gần 20 năm; Bí thư Chi bộ xóm 13 năm và hiện tham gia Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn T.P Thái Nguyên. Còn ông Nguyễn Xuân Báo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ: Cùng lúc đảm nhiệm nhiều công việc, nhưng ông Cường luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào. Từ 2 năm nay, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng bể bơi phục vụ người dân trong vùng, chủ yếu là trẻ em. Để có bể bơi rộng gần 400m2 này, ông Cường đã bạt một góc đồi, chuyển đi hàng nghìn m3 đất đá các loại. Rồi nhờ chuyên gia thiết kế xây dựng bể bơi đạt yêu cầu chất lượng về diện tích, độ sâu của các mực nước khác nhau trong bể, điều kiện vệ sinh môi trường… Ông cho biết: Hằng ngày đọc báo, xem ti vi thấy thường xuyên xảy ra các vụ việc đuối nước thương tâm, nên tôi quyết định bỏ vốn xây dựng bể bơi, với mong muốn các cháu học bơi, để khi không không may ngã xuống hố trũng, sẽ tự thoát hiểm hoặc có thể cứu được người khác không bị chết đuối.
Tháng 6, kỳ nghỉ hè bắt đầu, nhiều trẻ em trong vùng đến nhà ông Cường học bơi. Ông rất vui vì mình đang làm một công việc hữu ích cho mình, và cho xã hội.