Chuyện về nữ kiểm lâm địa bàn

15:58, 30/07/2019

Với đặc thù công việc phụ trách bảo vệ, phát triển rừng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa khá vất vả, nên trong suy nghĩ của nhiều người, cán bộ kiểm lâm địa bàn chỉ toàn nam. Nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh, vẫn có những nữ kiểm lâm và điều đáng nói là họ còn được biết đến là tấm gương sáng trong ngành. Chị Vũ Thị Bắc Hải (sinh năm 1966) nữ kiểm lâm đầu tiên của Chi cục Kiểm lâm huyện Đại Từ là một cán bộ như thế.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chị Vũ Thị Bắc Hải về công tác tại Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ ở vị trí công chức văn phòng. Sau 5 năm công tác, do lực lượng kiểm lâm địa bàn của Hạt mỏng, địa bàn rộng nên chị được phân công phụ trách công tác bảo vệ và phát triển rừng của 3 xã Phú Cường, Tân Linh, Hoàng Nông, quản lý trên 2.500ha rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, do chưa có người làm thay công việc văn phòng nên chị kiêm luôn công việc văn phòng của Hạt. Khi mới nhận nhiệm vụ phụ trách địa bàn, do cơ quan chỉ được cấp 2 chiếc xe máy nên chị thường xuyên đi xe đạp hàng chục cây số để đến địa bàn. Thời điểm đó, chị rất lo lắng bởi địa bàn xa, đường đi lại khó khăn, hoạt động khai thác rừng trái phép diễn ra rất phức tạp.

 Xác định phải luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, chị nhanh chóng làm quen với chính quyền, người dân khu vực địa bàn được giao, thực hiện kiểm đếm, nắm bắt thông tin rồi tham mưu cho lãnh đạo Hạt về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn chị phụ trách đạt kết quả tốt, được cấp trên ghi nhận. Hiện nay, chị đang phụ trách quản lý trên 1.300ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 4 xã, thị trấn: Khôi Kỳ, Bình Thuận, Hùng Sơn, Tiên Hội. Công việc của chị đã thuận lợi hơn rất nhiều do đường đi lại dễ dàng, nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng nâng cao.

Trải qua thời gian 30 năm phụ trách địa bàn, chị Hải chia sẻ: Bản thân có rất nhiều kỷ niệm khi gắn bó với nghề, nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Giữa đêm, nhận được tin báo xảy ra hỏa hoạn tại địa bàn mình phụ trách, tôi lập tức báo cáo cấp trên và triển khai phương án chữa cháy. Do khu vực hỏa hoạn ở trên núi cao nên khi đến nơi, tôi đã thấm mệt. Nhưng với quyết tâm không để đám cháy lan rộng, tôi cùng các đồng nghiệp đã dốc hết sức chữa cháy. Sau khi đám cháy được khống chế, ai nấy đều đầm đìa mồ hôi, ngồi bệt xuống đất và nở nụ cười vì đã cứu được cánh rừng. Nụ cười đó mãi sau này tôi vẫn không quên. Tôi cũng nhớ những lần đối mặt với lâm tặc. Tôi là nữ nên lâm tặc coi đó là điểm yếu của đội, tìm cách đe dọa. Tuy nhiên, tôi luôn nỗ lực để bố trí công việc phù hợp, cũng như tìm cách giải quyết mọi tình huống phát sinh. Tôi đã phối hợp với các đồng nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy lùi bọn chúng, thu giữ nhiều phương tiện phá rừng, vận chuyển gỗ.

Ông Hà Văn Mùi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Từ chia sẻ: Cả tỉnh hiện có 3 nữ kiểm lâm địa bàn, trong đó có 2 người đang công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ. Do đặc thù địa bàn rộng, nhiều đồi núi mà lực lượng kiểm lâm mỏng nên kiểm lâm địa bàn rất vất vả. Lúc đầu, khi phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn là nữ, lãnh đạo Hạt cũng trăn trở lắm, nhưng qua thời gian công tác, thấy yên tâm, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam giới. Thậm chí, các nữ kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền còn có phần xuất sắc hơn, tiến độ công việc và nhiệm vụ được phân công luôn đảm bảo. Trong 30 năm công tác, chị Hải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan và được đồng nghiệp trong Hạt yêu mến.

Với những đóng góp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, chị Hải đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng 2 Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn; đã có thành tích xuất sắc trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.