Người thương binh giàu nghị lực

09:40, 01/07/2019

Trở về sau cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cùng những mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể, người thương binh hạng 2/4 lại đối diện, chiến đấu với những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Bằng ý chí, nghị lực của một người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Quý Thái, ở tổ 13, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đã chiến thắng đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1969, chàng trai trẻ Nguyễn Quý Thái nhập ngũ và trực tiếp tham gia tại chiến trường Tây Nam Bộ. Trải qua những trận đánh ác liệt, anh từng 3 lần bị thương với 21 mảnh đạn găm vào ổ bụng và đùi. Năm 1975, xuất ngũ và trở về quê hương làm ăn, sinh sống nhưng di chứng của chiến tranh vẫn đè nặng lên đôi vai của người lính vừa bước ra khỏi chiến trường. Kinh tế gia đình khi đó chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cằn cỗi khiến anh Thái không khỏi trăn trở và suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo.

Ông Thái chia sẻ: Mỗi khi trái gió, trở trời, những vết thương tấy nhức, toàn thân đau ê ẩm. Khi khó khăn nhất, tôi luôn nhớ tới lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Những mảnh đạn trong người càng nhắc nhở tôi không có có khó khăn nào là không thể vượt qua được. Bằng mọi cố gắng, tôi gượng dậy để tạo lập cuộc sống cho chính bản thân mình.

Hai bàn tay trắng, vợ chồng ông miệt mài nhặt từng viên đá, viên sỏi, bỏ công, bỏ sức phát nương, làm rẫy, cải tạo đất hoang để làm tư liệu sản xuất. Từ túp lều tranh tạm bợ giữa vùng đồi núi hoang vu, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Thái bắt tay trồng sắn, khoai và chăn nuôi đủ loại. Khi đã giải quyết được cái ăn, ông bắt đầu tính đến chuyện mở rộng diện tích đất sản xuất, tìm hướng đi mới để làm giàu. Ông kể, khoảng những năm 1990, ông mạnh dạn chuyển đổi 12.000m2 đất để trồng dứa và trồng quất. Khi đó, việc trồng quất đã cho đem lại cho ông nguồn thu lớn, nhưng với cây dứa lại không đem lại kết quả khả quan. Thành công với cây quất mở ra hướng đi cho gia đình với việc trồng các loại cây ăn quả khác nhau. Hơn 30 năm chinh phục vùng đất gò đồi, gia đình ông hiện sở hữu trên 400 cây chanh, 200 cây bưởi, 100 cây quất và các loại cây ăn quả khác. 5 năm trước, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, ông đầu tư trồng thêm 1.000 cây đinh lăng tại vườn nhà. Nhờ tính toán kỹ càng trước khi làm, những cây đinh lăng đã phát triển xanh tốt. Sau đó, ông đã liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco để được bao tiêu sản phẩm lâu dài. Ngoài ra, ông còn có hơn 2.000m2 ao thả cá và nuôi ba ba; chăn nuôi gần 1.000 con gà lấy thịt. Với mô hình trang trại tổng hợp này, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng.

Ở tuổi 67, khi kinh tế gia đình được xem là khá giả, nhiều người đã yên tâm an dưỡng tuổi già, vui thú cùng con cháu, nhưng ông Thái vẫn cần mẫn, sáng tạo trong mọi việc. Khi tiếp xúc với ông, chúng tôi luôn cảm nhận được sự rắn rỏi, can trường. Ông tâm sự: Công việc dường như làm tôi quên đi mọi đau đớn do di chứng chiến tranh để lại. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, đã là một người lính Cụ Hồ, thì trên mặt trận nào cũng cần phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Rất lâu sau khi xuất ngũ, tôi mới trút bỏ được hoàn toàn những mảnh đạn trong người với bao lần phẫu thuật.

Giữa cuộc sống đời thường, ông luôn được đồng đội cũ và người dân trong vùng quý mến. Nhiều cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn được ông giúp đỡ bằng cách trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và cho vay vốn không lấy lãi để đầu tư sản xuất. Ông là một tấm gương điển hình về ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, xứng đáng để nhiều người học tập và noi theo.