Trong chuyến công tác mới đây tại huyện Định Hóa, chúng tôi nghe bà con kể nhiều về ông Bùi Văn Hanh, người được nhân dân thôn Văn Lương 2, xã Trung Lương tín nhiệm bầu làm trưởng thôn 10 năm liên tục. Không chỉ là một trưởng thôn năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, ông Hanh còn là tấm gương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Chúng tôi đến thôn Văn Lương 2 khi cơn mưa rào vừa ngớt. Dù là buổi trưa, cộng thêm trời mưa gió nhưng Trưởng thôn Bùi Văn Hanh vẫn đạp xe đến từng gia đình trong thôn vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công để chuẩn bị mở rộng và đổ bê tông thêm 2km đường trục chính của thôn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hanh cho biết: Năm 2015 và năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong thôn đã hiến đất, đóng góp tiền của mở rộng và bê tông hóa được hơn 3km đường trục chính của thôn. Năm nay, thôn tiếp tục được phân bổ nguồn xi măng hỗ trợ nên chúng tôi đang tích cực vận động nhân dân thực hiện bê tông hóa nốt 2km đường trục chính còn lại. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, đến nay, 100% gia đình trong thôn đã nhất trí hiến đất với tổng diện tích gần 3ha và sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công lao động khi thôn triển khai đổ bê tông tuyến đường.
Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi được biết, Trưởng thôn Bùi Văn Hanh quê gốc ở Thái Bình. Năm 1997, ông cùng vợ con đến thôn Văn Lương 2 khai hoang, lập nghiệp. Với bản chất thật thà, chịu khó, nhiệt tình với công việc chung nên ông được bà con rất quý mến. Năm 2009, ông được bà con bầu làm Trưởng thôn và từ đó đến nay vẫn luôn được nhân dân tín nhiệm. Nhắc đến ông Hanh, người dân trong thôn đều dành cho ông tình cảm đặc biệt. Bởi lẽ những đổi thay tích cực của thôn Văn Lương 2 trong những năm qua có một phần đóng góp không nhỏ của người trưởng thôn gương mẫu, luôn tận tâm với công việc và hết lòng với nhân dân.
Trước đây, Văn Lương 2 là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Lương. Đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô và khai thác rừng tự nhiên. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chiếm gần 70%. Năm 2009, sau khi được bà con bầu làm trưởng thôn, ông Hanh luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây. Nhận thấy địa phương có gần 100ha đất rừng nhưng bấy lâu nay bà con vẫn bỏ hoang hoặc để cây cối mọc tự nhiên, giá trị kinh tế thu được chẳng đáng là bao, ông Hanh đã vận động bà con trồng cây keo lai và cây quế trên đất rừng sản xuất. Nhờ ông nỗ lực vận động và trồng trước để bà con thấy hiệu quả, đến nay, thôn Văn Lương 2 đã trồng được gần 100ha rừng, trong đó có trên 20ha cây quế, còn lại là keo lai.
Những năm gần đây, người dân thôn Văn Lương 2 không chỉ tập trung trồng rừng mà còn phát triển thêm nghề trồng và chế biến chè. Đầu những năm 2000, Trưởng thôn Bùi Văn Hanh là người đầu tiên đưa cây chè cành về trồng thí điểm tại thôn. Sau đó, nhận thấy cây chè cành phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, lại có giá trị kinh tế cao, ông Hanh đã vận động bà con trong thôn phá bỏ diện tích chè trung du để thay thế bằng các giống chè cành cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, hướng dẫn bà con chuyển đổi những diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng chè cành. Hiện nay, thôn Văn Lương 2 đã trồng mới và trồng thay thế trên 15ha chè cành với các giống: Long Vân, Kim Tuyên, LDP1, TRI 777… So với giống chè trung du trước đây, cây chè lai cho năng suất và sản lượng cao hơn khoảng 1,5 lần, giá bán sản phẩm chè khô cũng cao hơn từ 50-70 nghìn đồng/kg.
Với sự nỗ lực không ngừng của Trưởng thôn Bùi Văn Hanh sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bà con, những năm gần đây, đời sống của nhân dân thôn Văn Lương 2 đã có nhiều khởi sắc. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua số liệu về tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm từ 70% xuống chỉ còn 13% trong vòng 10 năm (từ 2009 đến nay). Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó, bà con cũng có điều kiện để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, người dân trong thôn tự nguyện hiến trên 4ha đất, đóng góp trên 300 triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, kênh mương và đường giao thông của thôn. Những đóng góp của ông Hanh đã được nhân dân và chính quyền địa phương ghi nhận. Đó là niềm vui, niềm động viên rất lớn để ông tiếp tục hoàn thành tốt công việc “vác tù và” của mình.