Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, năm 2003, chồng bà - người trụ cột chính của gia đình qua đời do bị bệnh hiểm nghèo, bỏ lại mình bà với 3 con nhỏ. Thế nhưng, với lòng quyết tâm, nỗ lực, bà đã vượt qua mọi khó khăn để nuôi con ăn học, làm kinh tế. Đến nay, bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định từ hơn 1ha chè cành. Người chúng tôi muốn nói đến là bà Lê Thị Thái, sinh năm 1968, ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Năm 1987, bà Thái lập gia đình với ông Nguyễn Sỹ Diện, sinh năm 1964. Sau 9 năm chung sống, ông bà có với nhau 3 người con (2 trai, 1 gái), lần lượt sinh năm 1988, 1991 và 1996. Cuộc sống của 2 vợ chồng bà Thái và 3 đứa con chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ việc ông bà đi hái chè thuê nên vô cùng khó khăn. Đã vậy, năm 2003, ông Diện bị mắc bệnh hiểm nghèo và mất trong năm, để lại mình bà Thái với 3 đứa con nhỏ.
Khó khăn chồng chất khó khăn, bà Thái tưởng mình như không thể tiếp tục sống nhưng nhìn con thơ dại, bà quyết tâm phải sống, kiếm tiền nuôi con. Với diện tích đất đồi sẵn có, bà đã khai hoang, cải tạo để trồng chè. Thời điểm ấy, để có tiền nuôi con ăn học, ban ngày bà đi đóng bầu chè và hái chè thuê, đến tối về mới có thời gian thắp điện đào rạch chè. Dần dà, cả quả đồi chỉ có lau sậy mọc, rộng hơn 1ha trong nhiều năm đã được phủ kín bằng cây chè.
Giống chè bà Thái đưa vào trồng lúc đó hoàn toàn là chè cành lai LDP1 nên cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, với diện tích chè của gia đình, mỗi lứa, bà thu được hơn 3 tạ chè búp khô, với giá bán bình quân 200 nghìn đồng/kg, cho thu 60 triệu đồng, trừ các chi phí (về phân bón, công thu hái...), thu lãi khoảng 40 triệu đồng/lứa. Do chăm sóc tốt nên mỗi năm, diện tích chè của gia đình bà Thái cho thu từ 7-8 lứa, trừ các chi phí, bà để dành được gần 300 triệu đồng/năm.
Cuộc sống ngày một đủ đầy, các con của bà Thái cũng đã trưởng thành và lập gia đình riêng. Ngôi nhà tranh vách đất trước đây của bà nay đã được thay thế bằng nhà xây khang trang, rộng rãi. Hiện nay, ngoài trồng chè, bà Thái còn nuôi hơn 100 con gà, vịt, trồng các loại cây ăn quả để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nói về những ngày tháng khó khăn trước đây, bà Thái rưng rưng: Tôi không nhớ là bao nhiêu năm liên tục sau khi chồng tôi mất, Tết năm nào bà con hàng xóm cũng góp tiền, của để giúp mẹ con chúng tôi ăn Tết. Không chỉ vậy, bà con biết cuộc sống khó khăn nên có việc gì làm thuê là gọi tôi đi cùng để kiếm thêm thu nhập. Ở xóm có chương trình gì như tập huấn, hỗ trợ cây, con giống, gia đình tôi cũng được ưu tiên tham gia, hỗ trợ. Chính những hành động ấy là động lực để mẹ con chúng tôi nỗ lực phấn đấu vươn lên...
Nhận xét về bà Thái, ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng xóm 5, thị trấn Sông Cầu cho biết: Nghị lực, đảm đang, lương thiện là những nhận xét của bà con trong xóm về chị Thái. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị ấy vẫn nghị lực vượt qua, nuôi 3 con ngoan ngoãn, trưởng thành. Gia đình chị cũng là một trong những gia đình tiêu biểu ở xóm, tự nguyện xin thoát nghèo từ năm 2013, sau hơn 10 năm thuộc diện hộ nghèo của xóm. Năm ngoái, gia đình chị đã tự nguyện đối ứng gần 100 triệu đồng để làm tuyến đường bê tông trong xóm với chiều dài gần 500m, mục đích không chỉ để phục vụ gia đình đi lại mà còn giúp hơn 10 hộ dân ở xóm thuận tiện trong việc vào nương chè để chăm sóc, thu hái. Về tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, chị Thái luôn gương mẫu, chấp hành tốt. Đây là tấm gương tiêu biểu đáng để nhiều người học tập và noi theo.