Người phụ nữ với khát vọng “chắp cánh” thương hiệu chè Văn Hán

14:17, 04/03/2020

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề làm chè truyền thống, chị Dương Thị Chang, xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) luôn khát vọng góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè địa phương. Chính vì vậy chị đang cùng các cộng sự của mình nỗ lực từng bước hiện thực hóa ước mơ: Đưa thương hiệu chè Văn Hán bay xa.  

Vốn có tình yêu với nghề làm chè, chị đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để chuyển đổi gần 1 mẫu chè trung du cằn cỗi, kém hiệu quả sang trồng chè cành giống mới, đầu tư thiết bị tưới tiêu, máy móc phục vụ chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc và chế biến chè, tìm hiểu thông tin trên mạng và đến các vùng chè có thương hiệu trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ những nỗ lực đó, chất lượng sản phẩm chè của gia đình chị dần được nâng lên, nhiều người tìm mua với giá cao hơn trước. Hiện tại, chị có 0,5 ha chè chất lượng cao, mỗi lứa cho thu hoạch từ 350kg chè búp khô, giá bán từ 200 - 350 nghìn đồng/kg (cao hơn trước 100 nghìn/kg). Trừ chi phí, mỗi năm chị thu nhập trên 300 triệu đồng.

Chị Chang tâm sự: “Văn Hán có khí hậu trong lành, mát mẻ, sẵn nguồn nước tưới từ các khe suối, chất đất rất phù hợp với cây chè. Song lâu nay, người dân vẫn thiếu kiến thức về trồng, chăm sóc, chế biến, nhất là từ khi đưa chè giống mới về trồng, cộng với việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên chưa tạo được thương hiệu, giá thành thấp. Gắn bó với cây chè từ nhỏ, chị Chang thấm được nỗi vất vả của bao người dân nơi đây khi một nắng hai sương bên đồi chè để làm ra sản phẩm chất lượng mà số tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Vì vậy, chị luôn đau đáu, trăn trở là làm sao để tạo nên thương hiệu chè Văn Hán. Nghĩ vậy, chị đã vận động các chị em làm chè lâu năm trong xóm thành lập Nhóm sở thích sản xuất chè an toàn do chị làm Trưởng nhóm. Chị tích cực chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất chè cho chị em, vận động thành viên tuân thủ các quy trình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; giới thiệu sản phẩm chè trên mạng xã hội, thông qua các hoạt động, sự kiện của xã, huyện. Nhờ thế, sản phẩm chè của nhóm ngày càng khẳng định được chất lượng, làm ra đến đâu bán hết tới đó, thu nhập nhiều chị em cũng được cải thiện. 

Sau 1 năm, Nhóm sở thích đi vào hoạt động, chị nhận thấy cần thiết phải thành lập hợp tác xã (HTX) để có tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng, đăng ký nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Với sự trợ giúp các cấp hội phụ nữ, tháng 10-2019, HTX Chè Văn Hán ra đời do chị làm Giám đốc. Hiện HTX có 8 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 3,6 ha. Mới thành lập nên HTX Chè Văn Hán còn nhiều lúng túng trong hoạt động. Song với niềm tin, sự kiên trì, chị Chang đã cùng với các thành viên trong HTX lập kế hoạch sản xuất, tham gia các khóa học về quản trị HTX, sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xuất bán được gần 50 tấn chè búp khô, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX tạo việc làm cho từ 5-10 lao động, với mức thu nhập từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày. Chị Bùi Thị Thanh, một thành viên trong Nhóm chia sẻ: Khi được chị Chang đề nghị thành lập HTX, chúng tôi thấy mơ hồ, lo lắng. Nhưng qua việc được tăng cường tập huấn kiến thức, thăm quan các mô hình, chia sẻ, hỗ trợ giữa các thành viên với nhau, giá bán chè tăng lên, chúng tôi càng thấy có trách nhiệm và động lực để cùng nhau “chắp cánh” cho thương hiệu chè Văn Hán.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, vận động hội viên sản xuất chế biến chè an toàn, chị Chang tích cực tham gia các hoạt động của hội phụ nữ cũng như các phong trào của địa phương, như: CLB “5 không 3 sạch” gắn với mô hình “10 chung 1”; thu gom rác thải, vỏ bao bì thực vật, hàng tháng tham gia quyét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tích cực thực hiện mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” giúp hội viên nghèo... Riêng chị Chang đã giúp đỡ được 2 hộ nghèo trong xóm thông qua việc chia sẻ kiến thức làm chè, hỗ trợ vốn…

Chị Nguyễn Thị Phong, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Văn Hán cho biết: “Sản phẩm chè Văn Hán được nhiều người ưa chuộng bởi có hương thơm, vị đậm đà, song đầu ra vẫn bấp bênh. Nguyên nhân một phần là do người dân chưa liên kết sản xuất, chưa xây dựng nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX để tạo thương hiệu. Chị Chang là người tiên phong trong thành lập mô hình kinh tế tập thể, do chị em phụ nữ làm chủ. Tuy khởi đầu còn nhiều khó khăn, song chúng tôi tin với sự năng động, dám nghĩ dám làm, sự kiên trì, nỗ lực của chị Chang cũng như các chị em trong HTX, mô hình sẽ sớm thành công, đưa thương hiệu chè Văn Hán bay xa”. Còn chị Chang vui vẻ khẳng định: “Thời gian tới, tôi cùng các thành viên tiếp tục quản lý tốt quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Đồng thời đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, giới thiệu quảng bá sản phẩm chè Văn Hán ra thị trường toàn quốc, để giá bán chè có thể tăng nhiều lần so với giá hiện tại”.