Khi được đề nghị viết về mình, ban đầu bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ đã từ chối, phải thuyết phục rằng viết nhằm lan tỏa, nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội, bà mới đồng ý chia sẻ. Bà nói: Tôi làm từ thiện không phải để nổi tiếng, hay để bản thân nhận lại điều gì, mà đơn giản, quan niệm sống của tôi là: Sống để cho đi.
Thoạt nhìn, ít ai nghĩ bà Hạnh đã ngoài 50 tuổi. Dáng vẻ nhanh nhẹn, tháo vát, với đôi mắt sáng, khuôn miệng luôn trực sẵn nụ cười tươi, có lẽ vì thế nên nhìn bà trẻ hơn nhiều so với tuổi. Vẻ tươi tắn, lạc quan, cộng với cách nói chuyện pha chút hài hước, lôi cuốn chắc chắn không ai là không cảm thấy vui khi tiếp xúc với bà. Qua trò chuyện, chúng tôi cảm nhận đằng sau sự vui tươi của bà là sự những trăn trở, khát khao được cống hiến, được làm nhiều việc thiện, mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội, cho những hoàn cảnh khó khăn.
Bà tâm sự: Lúc nhỏ, tôi đã trải qua cuộc sống vất vả, nên tôi hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Từ đó bản thân luôn tự nhủ, giúp được ai điều gì tôi đều cố gắng giúp, dù là việc nhỏ nhất, bởi tôi nghĩ, đôi khi chỉ cần những việc làm hết sức bình thường, nhưng với những người đang gặp khó khăn cơ nhỡ thì lại là cả bầu trời hy vọng, là động lực lớn để họ vượt qua sóng gió...
Vốn là cử nhân ngành văn hóa, sau khi tốt nghiệp, bà Hạnh về huyện công tác và đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, cho đến năm 2012, khi được điều chuyển làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, bà mới như tìm được niềm đam mê của mình. Bởi chính ở đây đã cho bà được tìm hiểu, gần gũi với những mảnh đời kém may mắn, biết đến những hoàn cảnh khó khăn cùng cực, từ đó nhen lên ngọn lửa khao khát được cống hiến, được đem sức mình để giúp đỡ những người còn khó khăn. Cũng chính ở đây đã cho bà điều kiện thuận lợi để thỏa mãn đam mê làm việc thiện. Gần 10 năm làm chủ tịch Hội, bà không chỉ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, mà luôn có nhiều cách làm sáng tạo để vận động, kêu gọi sự tham gia đóng góp của cộng đồng cùng bà làm từ thiện.
Có mặt tại Cửa hàng xăng dầu Hòa Oanh, thuộc xã Yên Lãng, chúng tôi thấy một hòm từ thiện được đặt ngay phía ngoài, nhiều người dân đến mua xăng xong bỏ những đồng tiền lẻ vào hòm. Chị Phạm Thị Oanh, chủ cửa hàng cho biết: Sau gần 4 tháng, hòm từ thiện này đã quyên góp được hơn 7 triệu đồng, số tiền này đã được sử dụng để giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Đây là một trong những cách vận động quỹ mà bà Hạnh nghĩ ra. Từ hiệu quả của hòm từ thiện ở xã Yên Lãng, bà Hạnh đã triển khai thêm nhiều hòm từ thiện đặt ở các điểm khác nhau để có nguồn kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mỗi hòm từ thiện đều gắn với những hoàn cảnh khó khăn nhất định. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Hội đã gắn được hàng nghìn địa chỉ nhân đạo, giúp đỡ hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Bên cạnh hòm từ thiện, bà Hạnh còn có sáng kiến trong đổi mới phương thức vận động nguồn lực gắn với địa chỉ nhân đạo thông qua mô hình Câu lạc bộ bóng đá FC36 thiện nguyện huyện Đại Từ và mang lại hiệu quả tốt. Đến nay, đã tổ chức được 36 trận bóng đá giao lưu, thu được trên 73 triệu đồng, gắn với 32 địa chỉ nhân đạo là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Từ đó đã tạo được sức lan tỏa, thu hút được nhiều người dân tham gia, ủng hộ, đặc biệt là đội ngũ đoàn viên, thanh niên huyện. Ngoài ra, bà còn triển khai thực hiện nhiều mô hình từ thiện như: Cắt tóc từ thiện, khám bệnh từ thiện… Qua các mô hình này nhằm lan tỏa những yêu thương bằng những việc làm nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn.
Với tấm lòng lương thiện, sự năng nổ, nhiệt huyết của mình, thời gian qua, không có hoạt động từ thiện nào của huyện mà thiếu vắng dấu chân của bà. Trong những năm qua, bà đã cùng các tổ chức hội cơ sở và những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi nơi tặng được trên 11.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, các đối tượng chính sách, tàn tật, trẻ mồ côi, người mắc bệnh hiểm nghèo…; trợ giúp, tổ chức gắn 860 địa chỉ nhân đạo trị giá trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa nhà cho 14 nhà trị giá 80 triệu đồng, làm 43 nhà nhân đạo trị giá 595 triệu đồng; vận động các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng trên 11.000 xuất quà hộ nghèo trị giá trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ bệnh nhân nghèo trên 14.000 suất ăn miễn phí; cắt tóc miễn phí cho trên 3.500 học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe lăn cho 458 người tàn tật với trị giá 255 triệu đồng…
Nhờ sự nỗ lực, quan tâm của bà Hạnh, biết bao hoàn cảnh đã được sẻ chia những khó khăn, bao gia đình được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên. Với bà, đấy chính là hạnh phúc, hạnh phúc thực sự là khi ta được sẻ chia, được lan tỏa những yêu thương để làm cho người khác hạnh phúc.