Dám nghĩ, dám làm và tiên phong tìm hướng đi mới, anh Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1988), ở xóm 13, xã Tân Linh (Đại Từ) không chỉ thu được thành công cho riêng mình mà còn truyền cảm hứng, mang đến những thay đổi tích cực cho những thanh niên địa phương.
Nhiều người dân ở xã Tân Linh có thể kể “vanh vách” về hành trình khởi nghiệp của anh chàng Quảng “thỏ”. Sở dĩ có cái tên này vì anh là Quảng người tiên phong chăn nuôi thỏ và đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Tân Linh hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi thỏ và các dịch vụ liên quan.
Trước đây, anh Quảng từng làm việc tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương khá. Nhưng với khát khao làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, năm 2014, anh đã từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi thỏ. Đến năm 2015, để đáp ứng nhu cầu thu mua thỏ với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn về xuất xứ giống và thú y của đối tác, anh đã vận động những người trẻ ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi thành lập HTX Thanh niên Tân Linh.
Với sự năng động và nhạy bén của “thủ lĩnh” Nguyễn Văn Quảng, HTX đã dần mở rộng quy mô với hơn 40 thành viên (chủ yếu là đoàn viên, thanh niên), tổng đàn thỏ trên 25 nghìn con, trong đó có hơn 5.000 thỏ nái. Mỗi tháng, HTX xuất bán hàng nghìn con thỏ thương phẩm cho thị trường, tạo thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/tháng/thành viên.
Tuy nhiên, những việc làm của anh Quảng làm được không là hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn, đó là sự thay đổi, nhận thức mới của nhiều thanh niên nông thôn. Anh Nguyễn Ngọc Đạt, thành viên HTX Thanh niên Tân Linh chia sẻ: Tôi từng bôn ba với đủ thứ nghề nhưng thu nhập không ổn định. Từ sự động viên của anh Quảng, tôi trở về địa phương lập nghiệp và tham gia HTX. Được chia sẻ, giúp đỡ từ vốn, con giống đến kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm nên cuộc sống của gia đình tôi đã dần ổn định. Giờ đây, tôi quyết tâm bám trụ và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trong suy nghĩ của anh Quảng, bất cứ ai tiên phong trong một lĩnh vực nào đó sẽ luôn gặp khó khăn nhưng đồng thời mở ra nhiều cơ hội nếu quyết tâm, kiên trì để vượt qua. Anh cũng luôn tâm niệm mục tiêu mình đặt ra phải rõ ràng và kiên định thực hiện điều đó. Tháng 8-2019, anh Quảng tiếp tục có bước tiến mới trên con đường lập nghiệp khi khởi sự thành lập HTX Nông nghiệp Xây dựng Đông Bắc (HTX Đông Bắc). HTX do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp, chế biến thực phẩm. Đây là một trong những HTX đầu tiên của huyện Đại Từ có cơ sở giết mổ động vật và chế biến thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xây dựng theo quy hoạch, đề án của UBND tỉnh và huyện.
Anh Quảng cho rằng: Trong phân khúc chăn nuôi hiện nay, giết mổ và chế biến là khâu yếu nhưng mang lại giá trị lợi nhận cao. Khi đi sâu vào khâu này, sẽ chủ động được về thị trường và giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. HTX Đông Bắc được đầu tư 2,8 tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và khu chế biến. Công trình có tổng diện tích gần 900m2, công suất trung bình là 400 con gia súc, gia cầm/ngày. Cùng với đó là hệ thống máy móc hiện đại phục vụ việc giết mổ, chế biến thực phẩm. Các sản phẩm đã qua chế biến của HTX cung cấp cho thị trường như: Giò, chả, xúc xích, dăm bông… từ thịt gà, lợn, thỏ, bò, ngựa…
Về vùng nguyên liệu, HTX liên kết với các trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP trong và ngoài xã để đảm bảo cung ứng. Sau 2 năm hoạt động, hiện, HTX Đông Bắc cung cấp sản phẩm thường xuyên cho hơn 20 nhà hàng, quầy bán lẻ trên địa bàn huyện, doanh thu đạt trên 20 triệu đồng/ngày. Mới đây, HTX đã ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn bán trú của 7 trường mầm non. Ngoài lĩnh vực thực phẩm, HTX Đông Bắc còn mở rộng hoạt động sang thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thường xuyên cho hàng nghìn hộ dân tại 4 xã: Tân Linh, Phú Lạc, Phú Cường, Tiên Hội (Đại Từ).
“Luôn đổi mới để phát triển” chính là phương châm sống của anh và cũng là khẩu hiệu của HTX Đông Bắc. Anh Quảng cho biết, trong thời gian tới, bản thân sẽ tiếp tục mở rộng quy mô các HTX hiện tại theo hướng sản xuất sạch, chế biến sâu. Đồng thời, không ngừng đổi mới, tìm những hướng đi hiệu quả để kết nối những thanh niên, lao động địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.