“Điểm tựa” của xóm núi

14:23, 05/10/2021

Tham gia nhiều công việc “không đồng”, công sức của ông bỏ ra luôn được chính quyền, bà con ghi nhận. Ông được ví như “linh hồn” của xóm núi. Ông là Triệu Văn Hà, dân tộc Dao, xóm Kim Sơn, xã Kim Phượng (Định Hóa).

Trong ngôi nhà thoáng rộng của ông, tôi nghe ông Hà kể về thời ấu thơ khốn khó của mình. Cậu học trò người Dao chịu bao nỗi cơ cực, bần hàn, cùng bố mẹ du canh, du cư mà quanh năm vẫn đói.

Thấm thía cuộc sống vất vả, cậu bé người Dao đã quyết tâm theo học con chữ tại Trường Vùng cao Việt Bắc. Năm 1978, ông Hà làm việc tại Ty Nông nghiệp Thái Nguyên (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT); năm 1986, ông về huyện Định Hóa công tác, đến năm 2010 thì nghỉ hưu.

Với quan niệm “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc” và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, 11 năm qua, ông Hà tham gia nhiều công việc của xã, xóm.

Hiện ông là Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa; Trưởng Ban Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa; Phó Ban Thanh tra nhân dân xã Kim Phượng; Người có uy tín trong cộng đồng; Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi xóm Kim Sơn. Đến giờ, ông Hà cũng không thể định lượng được công việc mình làm trong những năm qua, chỉ biết sớm tối khi người dân cần là ông đến giải quyết.

- Gia đình anh T. chỉ vì mấy sào đất ruộng của ông cha mà sứt mẻ tình cảm, tôi đến kiên trì phân tích lẽ phải, giúp họ hiểu luật pháp hơn nên giải quyết được mâu thuẫn. Hay, gia đình chị H., anh C. luôn xảy ra cãi vã, tôi tìm cách khuyên bảo, nay họ đã thuận hòa với nhau. - Ông Hà chia sẻ.

- Vậy ông làm thế nào để thuyết phục được người ta?

- Phải phân tích thấu tình đạt lý, làm sao cho họ thấy được lẽ phải, lời nói nhã nhặn không “đao to, búa lớn”. Người nào không hiểu thì mình phải giải thích cặn kẽ nhiều lần.

Năm 2014, huyện Định Hóa xây dựng Đề án trồng cây quế, trước khi thực hiện, huyện trưng cầu, xin ý kiến của nhân dân.Với vai trò Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, ông Hà đã có ý kiến rằng, người dân tham gia trồng quế cần được hỗ trợ về cây giống, vật tư. Điều này đã được huyện tiếp thu, mỗi năm huyện trích khoảng 2 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ người dân mua cây giống, tạo “đòn bẩy” giúp người dân trong huyện “sống khỏe” nhờ vào trồng quế.

Hay năm 2018, một doanh nghiệp liên danh với Trung Quốc có ý định xây dựng nhà máy khai thác, chế biến luyện kim màu tại xóm Kim Sơn, ông Hà thấy không khả thi vì nếu xây dựng nhà máy thì môi trường sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Ông kiên trì phản biện tại các cuộc tiếp xúc cử tri do HĐND tỉnh, huyện tổ chức tại địa phương. Ông viết cả thư gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn được giải quyết, sau đó UBND tỉnh đã ra thông báo về việc dừng xây dựng nhà máy.

Ông Hà đúc kết: Để làm được nhiều việc khiến dân tin và ủng hộ, mình phải làm những việc có lợi cho dân, phải có kiến thức, sự hiểu biết, sống trong sáng, trách nhiệm, thấy sai phải đấu tranh, thấy đúng phải bảo vệ. Chỉ riêng việc tích lũy kiến thức cũng phải học cả đời. Ví như tôi, tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng vẫn thường xuyên vào mạng đọc báo, xem tin tức, không hôm nào tôi bỏ qua chương trình thời sự, đặc biệt Báo Thái Nguyên thì đọc hằng ngày, sau đó cất giữ ai cần lại cho mượn.

Tôi cùng ông Hà đến nhà ông Nguyễn Đăng Dũng, Bí thư Chi bộ xóm Kim Sơn. Trên đường, người dân chào ông Hà thân mật như người trong họ. Trong câu chuyện, ông Dũng phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Xóm Kim Sơn giờ đã khác trước rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng khá lên; tình làng, nghĩa xóm gắn bó keo sơn. Xóm có 107 hộ, 425 nhân khẩu, nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, cận nghèo… Có được kết quả này là nhờ công lao đóng góp không nhỏ của ông Hà.

Không những được nhân dân tin yêu, công lao của ông Hà còn được ghi nhận qua những tấm giấy khen, bằng khen treo kín tường nhà. Ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen là Người có uy tín xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước (năm 2019); Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2020.