Người uy tín ở Chí Son

13:20, 18/10/2021

Sau hơn 32 năm làm Trưởng xóm, ông Hoàng Văn Hòa (dân tộc Sán Dìu) lại được bà con tin tưởng bầu làm Người có uy tín của xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Thời gian làm Trưởng xóm, bước chân ông đã đi khắp mảnh đất Chí Son để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xóm Chí Son có 100% số dân là người dân tộc Sán Dìu, đời sống còn nhiều khó khăn. Khi làm Trưởng xóm, ông Hoàng Văn Hòa đã đi đầu trong việc áp dụng các giống lúa lai như BTE1, J02, Thiên ưu 8… vào gieo cấy để tăng năng suất. Ngoài hơn 1 mẫu ruộng trồng lúa, ông trồng thêm 8 sào cây keo và cây ổi. Ông bảo: Mình phải là người tiên phong, nếu đạt hiệu quả, khi tuyên truyền người dân mới tin và làm theo.

Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch, ông cho hay: Năm nay, lúa được mùa, bà con ai cũng phấn khởi. Cả xóm Chí Son giờ có 40ha đất trồng lúa, 100ha đất trồng keo và gần 60ha trồng chè cùng các loại cây rau màu, cây ăn quả. Hiện, xóm có 219 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu thì chỉ còn 6 hộ nghèo, cận nghèo. Xóm phấn đấu năm nay sẽ giảm thêm 3 hộ nghèo.

Ông Hòa còn khiến các trưởng xóm khác phải nể phục khi luôn huy động được đầy đủ bà con tham gia các cuộc họp xóm, dù Chí Son là một trong những xóm đông dân nhất xã. Mỗi khi tiếng kẻng vang lên là bà con trong xóm rủ nhau đi họp không thiếu hộ dân nào. Ông bảo: Người ta cứ bảo nông dân có thời gian nông nhàn, nhưng giờ khác rồi, ngoài vụ lúa, bà con còn chăm sóc nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Bởi vậy, khi nào tổ chức họp xóm, tôi đều thông báo trước cho bà con ít nhất 2 ngày để bà con chủ động sắp xếp thời gian.

Từ năm 2010, 3km đường lầy lội, xuống cấp của xóm Chí Son đã được đổ bê tông. Ông Hòa nói: “Người dân biết đồng sức, đồng lòng, việc gì khó cũng sẽ xong”. Lời ông nói được người dân nghe theo và đã có hàng chục hộ dân hiến hàng chục nghìn m2 đất.

Ông cho biết: Xi măng do huyện đầu tư; tôi đứng ra xin Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên - doanh nghiệp đóng trên địa bàn xóm hỗ trợ thêm cát, sỏi; còn người dân đóng góp công lao động để làm đường. Đường đến chợ, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… được thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.

Bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, ông cũng đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối”, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân; chỉ đạo các cán bộ xóm, đoàn thể phối hợp với lực lượng Công an xã giữ vững an ninh trật tự... Ông còn là thành viên tích cực tham gia hòa giải các mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng; thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân.

Ông Hòa kể: Trước đây, ở xóm vẫn có một vài trường hợp mất đoàn kết, đánh nhau, nhưng giờ, nhờ sự tuyên truyền liên tục, hiệu quả nên ở Chí Son tuyệt nhiên không còn xảy ra tình trạng tranh chấp, cãi nhau… Hiện xóm có trên 80% số gia đình văn hóa, phấn đấu năm nay sẽ đạt trên 90% số gia đình văn hóa.

Trò chuyện với ông Hòa, chúng tôi nhận thấy ông vẫn luôn trăn trở khi ngôn ngữ của dân tộc Sán Dìu ở đất Chí Son đang dần bị mai một. Hiện nay, rất ít thế hệ con cháu trong xóm biết tiếng dân tộc. Bởi vậy, ông rất muốn tuyên truyền để bà con có ý thức lưu giữ ngôn ngữ của dân tộc mình. Riêng với gia đình mình, ông đã giáo dục 6 người con luôn giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc…

Giờ ông Hòa không làm Trưởng xóm nữa nhưng ông vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước những công việc của xóm, xứng đáng là tấm gương sáng, người có uy tín, góp phần từng ngày thay đổi diện mạo mảnh đất Chí Son.