Năm 2010, khi mới 26 tuổi, Hoàng Văn Sỉnh đã được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Khe Cạn (từ năm 2020 sáp nhập thành xóm Khe Mong), xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Là người giàu nhiệt huyết, luôn hết lòng vì việc chung, Bí thư chi bộ người dân tộc Mông Hoảng Văn Sỉnh đã trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở vùng cao, được nhân dân tin yêu.
Tiên phong làm gương
Nhắc đến bản Khe Mong, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường vô cùng tự hào. Theo ông, cộng đồng người dân tộc Mông ở Khe Mong có cuộc sống ổn định hơn so với các bản người Mông trong xã là nhờ sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Sỉnh. Vừa làm, vừa học hỏi, có ý thức trau dồi kiến thức, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, người Bí thư chi bộ ấy “nói dân nghe, làm dân tin”.
Khi chúng tôi mong muốn anh Sỉnh chia sẻ về những bí quyết để “vực” bản Mông Khe Cạn, nay là Khe Mong vươn lên dựng xây cuộc sống mới, anh cho hay: Tuyên truyền chính là “chìa khóa” để mở ra cho người dân những tư duy mới, từ đó giúp bà con mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Câu trả lời chỉ ngắn gọn trong ngần ấy từ, nhưng để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả không phải là chuyện giản đơn khi nếp nghĩ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã “ăn sâu, bén rễ” trong tư duy của không ít hộ đồng bào dân dân tộc Mông nơi đây. Và hành trình thay đổi nhận thức “đồng bào mình” của anh Sỉnh cũng vô cùng gian nan.
Anh bảo: Người Mông mình hiền lắm! Bà con luôn có ý thức chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, giữ vững an ninh trật tự... Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, nhiều hộ dân trong bản chưa mạnh dạn phát triển kinh tế, chưa quan tâm đến việc học hành của con trẻ, một số hộ còn cho con cưới tảo hôn… Bởi vậy, muốn vận động người dân thì mình phải đi tiên phong.
Nói là làm, anh Sỉnh đã tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng cách đầu tư sản xuất chè. Khởi điểm dù gian nan khi năng suất chè đạt thấp, giá bán lên xuống thất thường nhưng với sự kiên trì, ham học hỏi, sau 3-4 năm đầu tư, hơn 1 mẫu chè của gia đình anh đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, anh còn tiên phong trồng ngô lai, lúa lai cho năng suất cao nên đảm bảo đủ lương thực quanh năm; mạnh dạn đầu tư trồng 2ha rừng keo lai (trong tổng số 5ha rừng hiện có), sau 6 năm cho thu khoảng 150 triệu đồng… Từ những kết quả mà anh Sỉnh đạt được, nhiều hộ dân trong bản đã tích cực làm theo và đạt được kết quả rất khả quan.
Từ sự vận động của anh Hoàng Văn Sỉnh và các đảng viên, năm 2015, khi tỉnh hỗ trợ làm đường bê tông theo Đề án 2037, nhiều hộ dân đã hiến đất, mở rộng đường vào khu vực Khe Cạn (Khe Mong).
Lời chân thật “ngấm” lâu
Là người ham học hỏi, luôn gần gũi bà con nên anh Sỉnh hiểu rằng, nhiều người dân trong bản vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để bà con chủ động vươn lên trong cuộc sống, anh giải thích với người dân rằng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các vùng dân tộc thiểu số nói chung, đến Khe Mong nói riêng.
Từ lời anh Sỉnh, đồng bào Khe Mong biết được rằng, từ những năm 2000 cho đến tận sau này, bản đã được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135 (làm đường, xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt..); các chính sách hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo và các chính sách về y tế, giáo dục… Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ trên 2 tỷ đồng để người dân Khe Mong làm đường bê tông phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đây chính là chiếc “cần câu” giúp cho bà con tạo được sinh kế dài lâu. Vì lẽ ấy, bà con phải biết “tận dụng” sự hỗ trợ này để vươn lên. Chỉ có sự chủ động, tích cực của mỗi gia đình mới mong thoát nghèo bền vững.
Lời “chân thật” được vận động ở mọi lúc, mọi nơi, khi trên nương ngô, lúc ở đồi chè, có khi lời nói tận đáy lòng ấy của vị Bí thư Chi bộ lại được bày tỏ trong các cuộc họp của bản, khi đến thăm nhà hàng xóm… Cuối cùng, “mưa dầm thấm lâu”, dần dân, người dân Khe Mong đã biết phát huy những lợi thế của địa phương, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả để vươn lên phát triển kinh tế.
Khoảng 5 năm nay, chất lượng cuộc sống của đồng bào được nâng lên. Bà con đã từ bỏ các tập quán canh tác lạc hậu và tích cực tham gia các lớp tập huấn, từ đó áp dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lúa, ngô, chè... Với 108 hộ dân, đến nay, số hộ nghèo ở bản vùng cao Khe Mong chỉ còn 11%, trong khi ở 4 bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số khác của xã Văn Lăng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới 80-90% thậm chí là gần 100%.
Không chỉ “khai thông” suy nghĩ người dân trong phát triển kinh tế, anh Sỉnh còn vận động bà con từ bỏ các tập tục lạc hậu. Hơn 10 năm trước, Khe Cạn (Khe Mong) vẫn còn có tình trạng tảo hôn. Nhiều đôi trẻ kết duyên chồng vợ khi mới 16-17 tuổi. Anh Sỉnh cho biết: Tôi cùng các đảng viên trong chi bộ đã họp bàn và thống nhất, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động ở một nhóm hộ. Theo đó, chúng tôi gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để phân tích việc tảo hôn sẽ gây ra những hậu quả như ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, tâm lý, tri thức và khả năng lao động của các em. Qua đó đã giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật và chấm dứt nạn tảo hôn.
Với nhiều nỗ lực của đồng chí Bí thư Chi bộ, hiện nay, tình trạng tảo hôn ở Khe Mong đã cơ bản không còn. Trẻ em được tạo mọi điều kiện để phát triển về cả thể chất, tinh thần; được đến trường học tập và theo đuổi ước mơ…
Những câu chuyện vì Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Sỉnh còn rất nhiều. Đó là những ngày anh cùng tổ giám sát tham gia làm đường giao thông của bản; là những khi anh vừa nói cười râm ran với bà con trên nương ngô, nương chè, vừa tranh thủ tuyên truyền vận động người dân từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Sự nỗ lực của anh Sỉnh được ghi nhận khi được nhận khen thưởng của các cấp, ngành. Đặc biệt, năm 2015, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng Khen; năm 2019, anh được tham gia báo cáo điển hình tại Đại hội dân tộc thiểu số tỉnh… Anh Sỉnh cho rằng, mình còn phải cố gắng rất nhiều để xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên và tình cảm yêu thương của bà con Khe Mong.