“Thủ lĩnh” nông dân miền sơn cước

09:55, 21/02/2022

Là một đảng viên - nông dân năng động nên anh Lý Văn Thư, ở xã Định Biên (Định Hóa), đã từng nuôi thử nhiều vật nuôi và sớm trở thành điển hình trong phát triển kinh tế ở xã. Đặc biệt là sau khi anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, phong trào phát triển kinh tế ở xã miền núi này càng đi lên; từ khi “bén duyên” với con ốc nhồi, anh đã phổ biến, giúp nhiều hộ nông dân khác cùng làm giàu.

Đến xã Định Biên những ngày tiết trời còn giá rét, chúng tôi được anh Thư dẫn ra đồng thăm những mảnh ruộng được phủ bạt, ủ lá cọ, anh khoe: Ở dưới đó là khối tài sản hàng chục triệu đồng đấy!

Vén tấm bạt, nhẹ nhàng vớt những con ốc từ dưới mặt nước, anh Thư bảo: Mùa lạnh, chúng tôi phải che chắn cẩn thận để tránh rét, ủ ấm cho ốc giống. Đến khi nắng ấm, chúng sẽ phát triển và sinh sôi rất nhanh. Vào mùa, 1kg ốc có giá 80 nghìn đồng tại ruộng, còn đầu vụ sinh sản, riêng trứng ốc có thể bán được với giá 800 nghìn đồng, thậm chí 1 triệu đồng/kg sau đó giảm dần còn khoảng 600 nghìn đồng/kg. Nhiều người chịu khó, ủ cẩn thận qua mùa Đông có thể thắng lớn từ việc bán ốc giống và trứng ốc, kế đó là ốc thương phẩm.

Anh Thư là người đầu tiên đưa con ốc nhồi về nuôi trên đồng ruộng Định Biên. Trước khi biết đến loài vật nuôi này, anh là một trong những người tiên phong làm kinh tế trang trại ở địa phương, với hàng trăm con lợn nái, 1 mẫu ao nuôi cá. Anh cũng từng cải tạo ao, ruộng nuôi thử lươn, chạch nhưng vì những loài này đòi hỏi kỹ thuật cao và chi phí khá lớn nên anh tạm dừng.

Là người con quê hương nên anh luôn trăn trở làm sao để gia đình và những người nông dân khác có cuộc sống ngày càng khấm khá. Anh luôn nghĩ, muốn người khác tin theo thì mình phải làm trước.

Bởi vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh tích cực tham gia các phong trào ở xóm trên các cương vị: Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Nông dân và có tới 6 năm làm Trưởng xóm.

Trong thời gian này, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp và luôn là người tích cực áp dụng tại gia đình, đồng thời “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho những hộ khác làm theo. Nhờ sự tích cực, năng động của mình, đến năm 2017, anh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Biên.

Từ đây, anh càng cơ hội tham gia các lớp tập huấn do các cấp hội tổ chức. Trong một chuyến tham gia đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh đến trao đổi, học hỏi tại Thanh Hóa, anh thấy nuôi ốc nhồi phù hợp với điều kiện của địa phương. Vậy là anh mạnh dạn cải tạo 3 sào ruộng lúa để nuôi ốc nhồi. Anh nhập 2 tạ giống (chi phí 40 triệu đồng) từ Hải Dương về vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật qua mạng Internet, sách, báo nên đàn ốc nhồi phát triển nhanh.

Sau 2 tháng, ốc bắt đầu đẻ trứng, từ số tiền bán trứng, anh Thư đã hồi vốn. Sau năm đầu tiên, anh thu lãi 50 triệu đồng. Hiện nay, với hơn 4 sào ruộng nuôi ốc nhồi, mỗi năm, anh thu về khoảng 120 triệu đồng tiền lãi từ việc bán ốc thương phẩm và trứng, trong khi anh vẫn giữ được lượng ốc giống mà không phải đầu tư cho các vụ sau.

Từ thành công của mình, anh Thư chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân trong xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu. Anh đã giúp trên 30 hộ trong xã cải tạo ruộng thụt cấy lúa cho năng suất thấp chuyển sang nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là các gia đình hội viên nông dân, như: Chị Hoàng Thị Thúy, Trần Thị Gấm, Ma Thị Thuyết, anh Trần Văn Loan… mỗi hộ nuôi từ 3 đến 8 sào, cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Trần Văn Loan, xóm Làng Quặng, phấn khởi nói: Được anh Thư hướng dẫn tận tình, năm 2019, tôi đã cải tạo 3 sào ruộng để nuôi ốc nhồi. Chỉ mất chi phí mua ốc giống ban đầu khoảng 50 triệu đồng, sau vài tháng, tôi đã thu đủ vốn từ việc bán trứng và ốc. Trung bình mỗi năm, tôi bán 3 lứa, thu về trên 100 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đang ủ khoảng 6 tạ ốc, nếu thời tiết thuận lợi vào đầu vụ tới, tôi sẽ “thắng lớn” từ việc bán trứng và ốc giống.

Nói về kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, anh Thư cho biết: Ruộng nuôi ốc không cần quá rộng, cần giữ được mực nước từ 40-50cm. Ốc nhồi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn cho ốc chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như hoa quả hư hỏng, bèo tấm, các loại rau, cỏ… nên chi phí thấp. Hiện, giá ốc nhồi thương phẩm bán tại ruộng khoảng 80.000 đồng/kg. Ốc nuôi được bán đến đâu thương lái đặt mua đến đó.

Anh Thư chia sẻ thêm: Để ốc nhồi đạt năng suất cao, người nuôi cần cho chúng ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng. Sau mỗi vụ nuôi ốc nhồi cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn sạch sẽ. Vào mùa Đông giá lạnh, ốc nhồi gần như không phát triển hoặc “ngủ đông”, chết. Vì vậy, người nuôi, nhất là nuôi ốc giống cần giữ ấm cho ốc bằng cách luôn duy trì mực nước sâu, phủ kín bèo tây trên mặt nước, hoặc phủ nilon, bạt, thậm chí thắp điện cho ốc tại ao nuôi.

Khi đã có nhiều hộ tham gia, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh đã đề xuất với Hội Nông dân tỉnh trích 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 10 hộ (mỗi hộ 40 triệu đồng) vay ưu đãi để đầu tư nuôi ốc nhồi. Từ mô hình nuôi ốc nhồi thành công, anh Thư tiếp tục thử nghiệm nuôi cá ruộng và đã có những kết quả bước đầu, được nhiều hộ hưởng ứng.

Thành công nối tiếp thành công, từ sự tích cực của anh và các hội viên, cuối năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Định Biên được thành lập với sự tham gia của 22 hội viên. Đến nay, số thành viên Hợp tác xã tăng lên 35 hộ, trong đó phần lớn là các hội viên nuôi ốc nhồi và nuôi cá ruộng, với tổng diện tích khoảng 6ha.

“Hợp tác xã đang xây dựng phương án và đề nghị được hỗ trợ kinh phí để các thành viên đầu tư cải tạo ruộng, ao, xây dựng bờ bao để nuôi ốc nhồi, cá ruộng. Sự hỗ trợ này sẽ là nguồn động viên và có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi.” - Anh Thư chia sẻ.