Trong làng võ đối kháng Việt Nam, võ sĩ Bàng Thị Mai được nhiều bạn bè ví von là bông hồng đất thép. 10 năm tập luyện, thi đấu, chị giành được tổng số 39 huy chương (HC) tại các giải vô địch quốc gia và vô địch thế giới. Gồm 21 HC Vàng, 12 HC Bạc, 6 HC Đồng. Đặc biệt trong 2 năm (2020-2021), chị đều giành HC Vàng khi tham gia thi đấu tại 8 giải vô địch quốc gia và vô địch thế giới.
13 tuổi, chị đầu quân vào Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh, làm vận động viên bộ môn Wushu Tán thủ. Chỉ sau ít tháng tập luyện, chị được Ban Giám đốc Trung tâm cử tham gia thi đấu tại giải vô địch Wushu Tán thủ toàn quốc. Tuy còn non nớt về tuổi đời và kinh nghiệm thi đấu, nhưng ngay lần đầu đăng đài, so găng, chị đã vào đến chung cuộc, giành HC Bạc.
Huấn luyện viên Đỗ Thị Thúy kể: Được sự giới thiệu của cư dân địa phương, tôi tìm về xóm Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương). Lần đầu gặp, nhìn ánh mắt sắc khí, quyết đoán cùng cử chỉ nhanh nhẹn, tôi nhận ra ở Mai tiềm ẩn các tố chất đặc biệt về võ thuật. Nếu được đào tạo bài bản, chắc chắn Mai sẽ gặt hái được nhiều thành tích trong thi đấu. Cũng vì thế, tôi quyết tâm thuyết phục Mai và gia đình đi theo bộ môn này.
Bà Hoàng Thị Liêm, mẹ của Mai mộc mạc: Lúc đó Mai đang học lớp 7, nhưng thấy con quyết tâm theo cô Thúy học võ, tôi chỉ bảo: Con gái theo nghề đánh đấm là cực lắm. Con phải nghĩ thật kỹ rồi quyết định chưa muộn. Song con bé chỉ bẽn lẽn nói với bố mẹ độc câu: Con thích. Vậy là 10 năm nay cháu xa nhà, thỉnh thoảng mới về thăm, quà cho bố mẹ là HC, bằng khen, giấy chứng nhận thành tích thi đấu.
Do các bộ môn võ đối kháng thiếu vận động viên, nên ngoài Wushu Tán thủ, Mai được Trung tâm vận động tham gia tập luyện, thi đấu thêm các môn Muay, Kichboxing và Võ Cổ truyền. Mỗi môn võ lại đòi hỏi kỹ thuật đòn khác nhau, nhưng có điểm chung là cần một thể lực khỏe mạnh để tập luyện, quyết đoán trong thi đấu và phải biết nung nấu ý chí quyết thắng. Mai chia sẻ: Bài học đầu tiên cô Thúy dạy bảo là về những đấu trường khốc liệt, kham khổ, nghiệt ngã chứ không phải thảm trải đầy hoa như mộng mơ con gái.
Vì thiếu vận động viên, nên nhiều dịp chuẩn bị vào mùa giải, chị phải tập luyện với các võ sĩ là đàn ông. Chị chia sẻ: Họ có thể lực hơn tôi rất nhiều, nhưng bù lại tôi được luyện sức bật, sức bền, biết tấn, thủ phù hợp với từng trận so găng trên đài đấu…
Có lẽ hơn cả niềm đam mê võ thuật là ý thức tập luyện, thi đấu. Tôi nhận ra điều đó trong lúc trò chuyện với võ sĩ được mệnh danh “hoa hồng” đất thép. Không một ngày nghỉ tập, kể từ một đòn giản đơn đến động tác võ thuật phức tạp, chị đều tự nhủ không chủ quan, phải luyện thật nhuần nhuyễn để những phản xạ có điều kiện trở thành phản xạ bản năng, để “ứng vạn biến” trong thi đấu. Chính vì thế mà có những trận so găng, chị bị đối phương lấn lướt hết hiệp đầu. Nhưng ngay vào hiệp tiếp theo, chị làm chủ được đài đấu. Nhờ có phản xạ, phán đoán chính xác các tình huống ra đòn của đối thủ, trên cơ sở đó chị nhanh chóng tìm ra lối chơi thích hợp, dụ đối thủ vào thế trận bị động, đẩy vào thế bí rồi liên tiếp ra đòn chính xác, hiệu quả. Chính vì thế mà cả 4 bộ môn võ đối kháng: Wushu Tán thủ, Muay, Kichboxing và Võ Cổ truyền, võ sĩ Bàng Thị Mai đều gặt hái được HC.
Năm 2019, chị cùng tuyển quốc gia tham dự Giải vô địch Muay Châu Á tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là lần đấu đài quốc tế đầu tiên, chị giành HC Đồng. Kết quả thi đấu chưa toại nguyện, nhưng chị cũng khẳng định được khả năng, năng lực thi đấu của mình trên đấu trường quốc tế. Và điều đó đã được chị minh chứng bằng tấm HC Vàng tại Giải Vô địch Muay Thế giới năm 2021 tổ chức tại Thái Lan.
Sự nghiệp thi đấu của Bàng Thị Mai còn dài. Nhiều cơ hội được mở ra, nhưng đòi hỏi chị không ngừng nghỉ trên hành trình tập luyện, thi đấu. Chị tâm niệm: Tôi nguyện cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp thể thao Thái Nguyên. Tôi mong muốn có cơ hội được truyền cảm hứng tập luyện, kỹ năng thi đấu của mình cho các lớp võ sĩ kế cận của tỉnh.
Nhìn chị miệt mài trên thảm tập, tôi biết ánh vàng HC chị giành được phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những chấn thương cơ thể. Cũng khi ấy, tôi nhận ra một duyên dáng sơn nữ, đúng với cái tên “bông hồng” đất thép mà bạn bè làng võ đối kháng dành cho chị.