Không lựa chọn xa quê để lập nghiệp như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1989), ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ), quyết định khởi nghiệp bằng việc sản xuất giống chè ngay tại quê nhà. Ước mong đưa chè Hoàng Nông bay xa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương là động lực để anh phấn đấu không ngừng.
Anh Bằng tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã rất thích thú khi được quan sát cây trồng lớn lên từ bầu đất, nhú mầm, ra rễ… Lúc bấy giờ, gia đình tôi là cơ sở sản xuất cây giống duy nhất trong xã, trong khi nhu cầu mua cây giống của bà con rất lớn. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, kỹ thuật, năm 2010, tôi quyết định tự xây dựng cho mình một cơ sở sản xuất cây giống với giống cây chủ đạo là chè.
Những tưởng con đường khởi nghiệp của anh Bằng sẽ “trải hoa hồng” khi có sự hậu thuẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm của gia đình, thế nhưng 40 vạn cây giống bị chết quá nửa trong lần vào giống đầu tiên. Số còn lại cũng tiêu thụ chậm do cây phát triển không đồng đều.
Buồn và thất vọng, nhưng anh Bằng không nản chí. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, tham khảo thông tin trên truyền hình, sách, báo, nhờ sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp, anh dần nhận ra những “lỗ hổng” trong kiến thức của mình và quyết tâm làm lại từ đầu.
Sau quá trình tự học, tự trau dồi kiến thức, đến nay anh Bằng đã tự tin làm chủ vườn cây giống gần 3.600m2, bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 120-130 vạn cây giống, tỷ lệ cây sống đạt 95-98%, sinh trưởng khỏe mạnh sau khi tháo bầu.
Anh Bằng chia sẻ: Tháng 3 và tháng 11 Âm lịch là hai thời điểm chính để vào giống. Từ lúc cắm hom vào bầu đất đến khi cây ra 6-8 lá non là lúc thích hợp để đem đi trồng. Nghề làm cây giống phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu mưa quá nhiều cũng dễ làm cây bị nấm, bệnh, ra rễ chậm; sương muối cũng khiến cây dễ chết. Do vậy, tôi đã đầu tư lưới đen che chắn cho vườn ươm để tránh mưa, nắng gắt, giúp cây sinh trưởng thuận lợi hơn.
Bên cạnh các giống chè cành phổ biến trên thị trường như LDP1, TRI777, Bát Tiên, Phúc Thọ…, anh Bằng còn tìm hiểu, nhập về các hom giống mới, có năng suất, chất lượng cao để trồng thử nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con quanh vùng.
Mỗi năm, anh Bằng đề ra mục tiêu đưa 1-2 giống mới có chất lượng vào ươm và nhân rộng ra thị trường. Đơn cử như năm nay, anh đang nghiên cứu trồng thử nghiệm giống chè TRI5.0, giống chè đột biến của TRI777, có năng suất cao và vị ngọt hậu ổn định, ít đắng chát hơn so với giống cũ.
Ngoài cung cấp giống cho thị trường tại chỗ, anh Bằng còn mở rộng thị trường thông qua việc giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Nhờ vậy, đến nay nhiều khách hàng ở Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… cũng tìm mua cây giống của anh.
Cơ sở sản xuất thuận lợi đem lại doạnh thu trung bình mỗi năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Vui, ở xóm Đoàn Kết, cho biết: Tôi làm việc tại cơ sở cây giống của anh Bằng đến nay đã ngót chục năm. Những lúc nông nhàn, đây là công việc đem lại cho tôi thu nhập ổn định. Ngoài cắm hom, đóng bầu đất, đảo bầu,…, tôi còn được anh Bằng hướng dẫn thêm kỹ thuật chăm sóc chè. Nhờ vậy, hơn 1 mẫu chè cành của gia đình tôi lúc nào cũng trổ búp mơn mởn.
Với những nỗ lực của mình, anh Bằng vinh dự là 1 trong 4 đại diện thanh niên nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2021.
“Tôi nghĩ rằng, lập nghiệp ở đâu không quan trọng, nếu có quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời mong muốn giúp thêm nhiều bạn trẻ xây dựng các mô hình trồng chè an toàn, công nghệ cao…” - anh Bằng chia sẻ thêm.