Không hẹn trước, chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Văn Thuận, ở xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), đúng dịp ông đang kê dọn bàn ghế, sửa sang lại gian phòng phía sau nhà và chuẩn bị giáo án để mở lại lớp dạy chữ Nôm Dao sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.
Năm nay 49 tuổi, ông Thuận thuộc lớp trẻ trong số những thầy cúng người Dao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, ông đã có nhiều năm theo học, sưu tầm sách chữ Nôm Dao và tiên phong truyền dạy lại cho mọi người, với mong muốn lưu giữ ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình.
Ông bảo: “Nếu chỉ tính về sách thì tôi giàu lắm, không đếm được là có tổng cộng bao nhiêu đầu sách ở trong nhà nữa.”
Bắt đầu học chữ Nôm Dao từ năm 1990, với 3 tháng liên tục để học thuộc lòng 214 bộ thủ trong bảng chữ viết, rồi tình yêu với ngôn ngữ dân tộc ngấm vào chàng trai trẻ Triệu Văn Thuận lúc nào không biết.
Những năm sau đó, ông dành nhiều thời gian đi các tỉnh, như: Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An… để sưu tầm những cuốn sách Dao cổ. Ai bán thì mua, không thì xin tham khảo và chép lại.
“Sách chữ Nôm Dao thường được các gia đình lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, nhưng số lượng người đọc được không nhiều. Những người hiểu đa phần là các thầy Tào hoặc người đã cao tuổi” - ông Thuận chia sẻ.
Năm 1999, ông tham gia lớp học bảo tồn nghi lễ và sau đó là nhiều đợt tập huấn của Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (Hà Nội).
Nhận thấy chữ Nôm Dao có nguy cơ mai một, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, từ năm 2018, ông Triệu Văn Thuận quyết định mở lớp dạy chữ.
Một lớp học thoáng mát được dựng lên ở khoảng đất phía sau nhà, có đủ bàn ghế và bảng; giáo án phục vụ giảng dạy do ông tự thiết kế trên cơ sở hướng dẫn từ “Mạng lưới bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Việt Nam.”
Đến nay, lớp học đã mở được 3 khoá với tổng số gần 70 học viên đủ lứa tuổi. Người già nhất hơn 50, trẻ nhất mới lên 10; người đi đoạn đường xa nhất đến lớp học là hơn 20km.
Ông Thuận chia sẻ: “Cái khó là việc bố trí thời gian lớp học, bởi mỗi người có công việc khác nhau. Lúc đầu tôi tổ chức cuối tuần, sau chuyển sang buổi tối. Khả năng tiếp thu của các học viên không đồng đều nên cũng phải kèm cặp từng người cho phù hợp. Tuy nhiên, cơ bản học viên rất hiếu học, tâm huyết với ngôn ngữ của dân tộc mình.”
Ngoài lớp học chữ cơ bản, ông Thuận còn mở một lớp chuyên sâu về bảo bảo tồn tín ngưỡng, phong tục.
Với vai trò là một thầy tào, ông Triệu Văn Thuận tích cực bảo tồn những nét văn hoá độc đáo, đồng thời tuyên truyền để bà con dần lược bỏ những hủ tục trong tín ngưỡng.
Ông kể: Trước đây, các nghi lễ của bà con có nhiều thủ tục lạc hậu, mang nặng tính phô trương, hình thức. Ví dụ như con gái lấy chồng thường thách cưới rất cao, cùng nhiều lễ vật phức tạp. Trai gái yêu nhau, hai gia đình phải đi xem thầy, nếu thầy phán không hợp sẽ ngăn cản chuyện hôn lễ. Đám tang thì kéo dài, rất tốn kém… Giờ thì những việc đó hầu như không còn. Trong các nghi lễ cúng, tôi thường lược bỏ những phần rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian để tiết kiệm kinh phí cho gia chủ, cũng nhắc nhở bà con dần quen với nếp sống mới.
Là thành viên của Đội văn nghệ dân gian tỉnh Thái Nguyên, ông Triệu Văn Thuận còn tích cực tham gia các buổi biểu diễn cấp sắc; trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hoá và đạt giải cao ở các liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Những ngày này, ông cùng các thành viên trong Đội đang háo hức chuẩn bị cho Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II được tỉnh Thái Nguyên đăng cai trong thời gian tới.