Giản dị, cần mẫn với công việc là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc và trò chuyện với anh Lê Quốc Đạt, sinh năm 1985, kỹ thuật viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - PTNT). Phụ trách việc chăm sóc trại ngựa sinh sản, anh Đạt đã tìm tòi và đưa ra sáng kiến cải tiến máng uống thủ công thành máng uống tự động phục vụ chăn nuôi ngựa tập trung, góp phần làm lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm cho đơn vị.
Gần 13 năm gắn bó với công việc chăm sóc trại ngựa sinh sản, anh Đạt không quản ngại ngày đêm, luôn sát sao theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi. Anh nhận thấy, việc lấy nước thủ công và vệ sinh máng uống cho ngựa vừa mất nhiều thời gian, vừa lãng phí nguồn nước sạch.
Cụ thể, các máng uống của mỗi ô chuồng ngựa rất sâu (từ 30-35cm), tốn từ 20-30 lít nước. Hằng ngày, kỹ thuật viên bơm và lấy nước cho đầy các máng phải mất 3.000 lít nước (chưa tính số nước chảy ra ngoài) và phải đóng khoá từng máng khi đầy. Trong khi đó, lượng nước mà gia súc sử dụng được lại rất ít, chỉ khoảng 1/3 số lượng trong máng, còn lại thường vét bỏ hằng ngày.
Do đặc tính tiêu hóa của ngựa rất mẫn cảm với nguồn thức ăn, nước uống, dễ gây bệnh đau bụng, vì vậy không thể sử dụng lại nước uống cũ. Thêm vào đó, hệ thống máng uống cũ có lòng máng sâu nên việc lấy nước và vệ sinh vất vả, mất nhiều thời gian. Cùng với đó, hệ thống van khóa ở các máng sau một thời gian sử dụng dài đã bị gãy, hỏng nên lượng nước thất thoát nhiều ở téc, bể chứa.
Để khắc phục những bất cập trên, anh Đạt đã cùng các đồng nghiệp cắt bỏ toàn bộ hệ thống van khóa và tận dụng lại đường ống cung cấp nước cũ, dùng vữa xi măng để bít các kẽ đường ống, tránh rò rỉ và làm lại máng nước bằng 1/3 diện tích máng cũ; đồng thời, trát lòng máng dày 2cm theo hình lòng chảo để dễ dàng trong khâu vệ sinh.
Đường ống cung cấp nước được nối vào thùng nhựa điều tiết đặt ở đầu dãy chuồng, sau đó, nước được chảy đến các máng, máng nước này chảy sang máng nước kia, khi đầy đến cốt đặt thăng bằng thì van cơ ở thùng điều tiết đóng lại. Nếu gia súc uống nước, nước trong máng cạn đi thì van điều tiết tự động mở và khi nước đầy lại tự ngắt.
Trước khi cải tạo, để cung cấp nước uống cho toàn bộ số máng của trại (66 máng) phải mất 3.000 lít, dùng trong 1 ngày; trong khi đàn ngựa chỉ sử dụng được khoảng 1/3, còn lại là tháo bỏ đi. Sau khi cải tạo, việc cung cấp nước uống cho toàn bộ số máng trên chỉ cần 1.000 lít/ngày và có thể sử dụng trong 3 ngày. Qua đó giảm tiền điện, công bơm nước uống, mỗi ngày sẽ tiết kiệm được 2.000 lít nước sạch, 1 năm sẽ tiết kiệm được 730.000 lít nước sạch, được 7,3 triệu đồng.
Ngoài ra, khi chưa cải tạo, mỗi ngày phải mất 2 giờ cho việc vệ sinh và lấy nước vào máng cho ngựa, chi phí mất 18,2 triệu đồng/năm tiền nhân công. Sau khi cải tạo, mỗi ngày chỉ mất 0,5 giờ cho việc vệ sinh máng uống cho ngựa, tiết kiệm được 13,8 triệu đồng/năm. Như vậy, tổng hiệu quả thu lợi trong 1 năm của sáng kiến là 21,1 triệu đồng. Hệ thống có thể sử dụng tối thiểu trong 5 năm, hiệu quả thu lợi sẽ là trên 100 triệu đồng.
Nhận xét về anh Đạt, anh Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nói: Anh Đạt là người có trách nhiệm cao trong công việc. Đàn gia súc giao cho anh phụ trách được chăm sóc tốt, chuồng trại luôn sạch sẽ. Khi gia súc sinh sản, kể cả ban đêm anh cũng thức trực theo dõi. Sáng kiến cải tạo hệ thống máng uống thủ công thành máng uống tự động cho chăn nuôi ngựa tập trung của anh Đạt không chỉ được sử dụng hiệu quả trong đơn vị mà còn có thể áp dụng cho tất cả các hộ chăn nuôi gia súc, gia trại và các trang trại trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực trong công tác, 3 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2019-2021), anh Đạt được Viện Chăn nuôi tặng Giấy khen. Năm 2020, anh được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2022, anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.