Để đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành.
Một phiên toà xét xử vụ án hình sự tại Toà án nhân dân huyện Phú Bình có sử dụng hồ sơ vụ án được số hóa. |
VKSND huyện Phú Lương vừa phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm đối với vụ án Nghiêm Đức H. phạm tội “trộm cắp tài sản”. Trước khi diễn ra phiên toà, kiểm sát viên Nguyễn Thị Hương Giang được phân công đã nghiên cứu tài liệu, thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ và chuẩn bị kỹ các điều kiện phục vụ trình chiếu.
Việc ứng dụng CNTT giúp kiểm sát viên chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử; các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh được số hóa như hiện trường, lời khai của bị hại, những người làm chứng vắng mặt… được trình chiếu rõ ràng, khoa học đã làm rõ nội dung, tình tiết khách quan, bảo đảm tính thuyết phục trong việc giải quyết vụ án.
Thực tế, việc số hoá hồ sơ các vụ án hình sự là một trong những nội dung được ngành Kiểm sát Thái Nguyên quan tâm thực hiện nhằm cụ thể hoá nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh.
Tính từ đầu năm tới nay, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức gần 100 phiên toà số hoá tài liệu. Ngành cũng tăng cường sử dụng các phầm mềm do VKSND tối cao, UBND tỉnh cung cấp để sơ đồ hóa trong báo cáo án hình sự, dân sự; quản lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Điều này giúp lãnh đạo đơn vị kiểm soát số lượng vụ án của từng kiểm sát viên đang thụ lý ở giai đoạn nào; nắm bắt được hồ sơ sắp hết hạn để đôn đốc; số án tạm đình chỉ, đình chỉ, trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giảm tải khâu thống kê, tổng hợp, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành.
Trong hoạt động chỉ đạo và điều hành, VKSND tỉnh đã khai thác tốt hệ thống truyền hình trực tuyến để phục vụ công tác giao ban, tổ chức các hội nghị tập huấn, phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến để nhiều người được tham gia, giúp tiết kiệm kinh phí và thời gian đi lại.
Hiên nay, hầu hết hội nghị sơ kết, tổng kết do VKSND tỉnh tổ chức đều trình chiếu các video, hình ảnh, clip về kết quả, phương hướng nhiệm vụ, các hoạt động khám nghiệm hiện trường, thực hành quyền công tố tại phiên tòa… giúp giảm đáng kể lượng báo cáo, vừa tăng tính trực quan và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thu Dung, Phó Chánh Văn phòng VKSND tỉnh thông tin: Thời gian qua, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp hạ tầng CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên thông; xây dựng Cổng thông tin điện tử của Ngành đáp ứng yêu cầu tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT cho cán bộ, kiểm sát viên.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên đều thành thạo soạn thảo văn bản, sử dụng Internet để tra cứu, khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn. Hầu hết các văn bản (trừ văn bản mật) được cán bộ, công chức soạn thảo, trình duyệt, trao đổi qua phần mềm quản lý văn bản; VKSND tỉnh và 9 VKSND cấp huyện đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản để quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Nhờ những giải pháp thiết thực đã triển khai, VKSND tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm có điểm cao về chỉ số ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Định hướng thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử; hướng tới việc số hóa tài liệu và sao lưu tài liệu định kỳ phục vụ cho việc tra cứu tài liệu của cán bộ, kiểm sát viên… Đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến, tăng cường phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin