Đòi nợ kiểu “xã hội đen”: Công tác quản lý và hệ lụy?

P.V 10:11, 18/09/2022

Mặc dù không liên quan đến khoản vay nợ của chồng cũ nhưng liên tục trong 2 ngày vừa qua, chị T - nhân viên Phòng Kế toán ngân quỹ một đơn vị trên địa bàn tỉnh và nhiều cán bộ khác trong đơn vị, cũng như của cơ quan chủ quản bị làm phiền, quấy rầy điện thoại bởi nhiều người, nhiều số gọi đến. Họ cho rằng, chị T. phải trả khoản vay của chồng tại FE CREDIT. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về việc cấp phép cũng như quản lý hoạt động của cơ quan chức năng đối với các tổ chức tài chính hiện nay.

Chỉ với vài thông tin và giấy tờ đơn giản, một số tổ chức tài chính đã sẵn sàng giải ngân cho khách. Nhưng khi họ đòi nợ, những người không liên quan cũng trở thành đối tượng bị liên tục quấy rầy.
Chỉ với vài thông tin và giấy tờ đơn giản, một số tổ chức tài chính đã sẵn sàng giải ngân cho khách. Nhưng khi họ đòi nợ, những người không liên quan cũng trở thành đối tượng bị liên tục quấy rầy.

Những ngày qua, chị T. cùng nhiều nhân viên trong đơn vị bị ảnh hưởng rất nhiều trong công việc do liên tục bị “khủng bố” điện thoại bởi nhiều số điện thoại gọi đến. Ban đầu, một số người gọi điện nói chị T. phải có trách nhiệm trả nợ khoản vay của chồng (vay năm 2016) với số tiền 60 triệu đồng (đã bao gồm lãi suất). Chị T. cho rằng, chị không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này vì chị không biết, cũng như không được ký vào bản hợp đồng vay tiền nào. Hơn nữa, vợ chồng chị đã ly hôn từ nhiều năm nay (năm 2017) và theo Quyết định của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên thì cả 2 bên đều xác nhận không có khoản nợ chung nào.

Những người gọi điện đòi nợ chị T. tự xưng là nhân viên của một công ty mua bán nợ. Chị yêu cầu gửi toàn bộ hồ sơ vay nợ, nếu có chữ ký của chị, thì chị sẽ có trách nhiệm.

Theo hồ sơ vay vốn mà một đối tượng gửi đến cho chị T. thì chồng cũ của chị vay tiền tại FE CREDIT (Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, có điểm giao dịch tại Thái Nguyên). Những người này cho rằng, hồ sơ vay có ghi tên chị T. là vợ nên khi chồng không trả được thì vợ phải trả thay. Nếu chị T. không trả, họ sẽ “lục tung” cơ quan đến khi nào chị T. bị đuổi việc mới thôi.

Từ ngày 12-9, nhiều người bắt đầu tra tấn điện thoại của chị T. và rất nhiều người thân, đồng nghiệp của chị. Biết chị T. là người am hiểu pháp luật và có lập luận chắc chắn, sắc xảo, khó có thể đòi được, họ dần chuyển hướng gọi vào số điện thoại của lãnh đạo Phòng, rồi lãnh đạo cơ quan và mẹ chị T. Tất cả đều với một nội dung nhờ nhắc nhở chị T. phải trả tiền đã vay.

Thấy không có kết quả, hôm sau, những người này gọi điện đến cơ quan cấp trên của đơn vị chị T. nhưng lại để phản ánh về thái độ tiếp xúc, trả lời khách hàng của chị T. Họ nói rằng chị T. đã quát nạt, chửi bậy, xúc phạm khách hàng nên đề nghị đuổi việc chị.

Theo lãnh đạo đơn vị này, trong 1 ngày, họ gọi tới bộ phận chăm sóc khách hàng rất nhiều cuộc. Cứ vài phút, thậm chí vài giây, họ lại gọi. Câu hỏi mà những người gọi đến đặt ra chỉ là đã xử lý nhân viên, “con” T. hay chưa; có lúc thì lại không nói gì rồi cúp máy.

Cứ như vậy, số điện thoại chăm sóc khách hàng của đơn vị này liên tục bị làm phiền. Thấy không có kết quả, những người đòi nợ lại tiếp tục gọi về số chăm sóc khách hàng Tổng Công ty của chị T, cũng để phản ánh thái độ phục vụ của chị T. và một số cán bộ của đơn vị chị T. làm… nhằm ép chị phải thay chồng cũ trả nợ.

Lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý đơn vị chị T. công tác cho biết thêm: Việc một nhân viên liên tục bị đòi nợ trong khi họ không liên quan và phải có nghĩa vụ trả nợ khiến hoạt động của chúng tôi ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế, chị T. và đơn vị đã gửi đơn trình báo đến Công an tỉnh và Công an TP. Thái Nguyên. Đồng thời, đơn vị cũng đã báo cáo vụ việc về Tổng Công ty.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, đó là một dạng khủng bố điện thoại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thời gian và công việc của chị T. cũng như đơn vị. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ và giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Được biết, hiện toàn tỉnh có hơn 50 điểm giao dịch của các công ty tài chính khác nhau. Các công ty này đều được cấp phép hoạt động, xét về một khía cạnh nào đó, đã giúp giải quyết nhanh chóng nhu cầu vốn cho nhiều khách hàng, với thủ tục hết sức đơn giản.

Tuy nhiên, việc cho vay quá đơn giản, không cần tài sản đảm bảo và xác nhận của chính quyền địa phương, cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nợ xấu cao. Có lẽ cũng vì thế mà cách thức đòi nợ của nhiều công ty không khác gì “xã hội đen”, gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.

Thực tế này đang đặt ra vấn đề cần xem xét việc quản lý, cấp phép hoạt động của các tổ chức tài chính, nhất là trong việc đòi nợ. Có thể, các tổ chức này cho rằng đã bán khoản nợ đó cho một công ty mua bán nợ nên họ không có trách nhiệm.

Nhưng rõ ràng, xuất phát từ việc cho vay của các tổ chức này mà nhiều tổ chức, cá nhân không liên quan đã bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là vấn đề đã và đang tồn tại trong một thời gian dài, rất cần câu trả lời từ các cơ quan chức năng để một hoạt động kinh doanh được cấp phép, quản lý bởi nhiều cơ quan không làm ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội…