Liên quan vụ án tham ô xảy ra tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng (trực thuộc Đại học Đà Nẵng), đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đã phong tỏa, kê biên số tài sản trị giá hơn 25 tỷ đồng từ bà trùm Phạm Thị Huỳnh Như và nhiều bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm, tiền trong tài khoản ngân hàng trị giá hàng chục tỷ đồng từ các bị can khác.
Tài sản của các đối tượng liên quan trong vụ án tham ô tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng bị phong tỏa. |
Ngày 3-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Mở rộng điều tra vụ án tham ô xảy ra tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Huỳnh Như (sinh năm 1987, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn tháng đối với Phạm Thị Huỳnh Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phạm Thị Huỳnh Như chính là người phụ nữ đã cùng Hùng gặp gỡ Tâm, sau đó dựng màn kịch “hùn vốn” để chiếm đoạt của nữ thủ quỹ Lâm Thị Hồng Tâm hàng chục tỷ đồng tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, Lâm Thị Hồng Tâm đã chuyển hơn 65 tỷ đồng trong số tiền tham ô từ tài khoản của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đến hai tài khoản mang tên N.K.D tại ngân hàng Agribank, Techcombank và một số tài khoản khác. Số tiền này tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản trung gian và cuối cùng được chuyển về tài khoản của đối tượng Phạm Thị Huỳnh Như.
Theo Cơ quan điều tra, Phạm Thị Huỳnh Như trước đây từng làm dịch vụ môi giới bất động sản và nhân viên spa. Như khai nhận tại Cơ quan điều tra, sau buổi gặp mặt đầu năm 2021, biết Lâm Thị Hồng Tâm là thủ quỹ của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và nắm giữ số tiền lớn, nên Như đã nảy sinh ý định lừa đảo. Để thực hiện toan tính này, Như mua sim rác, lập tài khoản Zalo lấy tên và hình đại diện là L.T.Hùng và một số tài khoản Zalo khác.
Tiếp đó, Như mạo danh Hùng thăm hỏi, rủ rê Tâm góp vốn làm ăn. Như cố ý chỉ nhắn tin trao đổi công việc qua Zalo chứ không gọi điện, không gặp nhau trực tiếp. Tuy vậy, với “mồi nhử” là lợi nhuận 100 triệu đồng từ việc góp vốn mua bán lô gỗ đầu tiên, Như đã khiến Tâm “sập bẫy”. Sau đó, Như tiếp tục sử dụng các chiêu thức lừa đảo khác để tiếp tục rút tiền của Lâm Thị Hồng Tâm. Số tiền chiếm đoạt từ Lâm Thị Hồng Tâm được Phạm Thị Huỳnh Như sử dụng để mua nhiều lô đất, mua ô-tô Mercedes và chi tiêu cá nhân.
Theo điều tra, đầu năm 2021, Huy và Tâm thực hiện hành vi ký khống séc (séc không ghi đầy đủ số tiền và các nội dung theo quy định), sau đó điền thông tin số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, để thực hiện việc rút tiền, Lâm Thị Hồng Tâm sử dụng quyển séc ngân hàng được giao quản lý, không điền đầy đủ thông tin vào mà đưa cho Huy ký xác nhận mục “kế toán trưởng”, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh (lúc đó là Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa) ký duyệt. Huy đồng ý và ký duyệt trước trên các tờ séc không có nội dung để bà Tâm trình ông Vinh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng cho biết số tiền bị bòn rút và chiếm đoạt tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng được xác định lên đến 136 tỷ đồng, vượt xa số tiền 86 tỷ đồng vào thời điểm khởi phát vụ việc. Trong số tiền này có tiền lương của giảng viên, tiền học phí, học bổng của sinh viên... |
Khi ông Vinh hỏi về số tiền sao không được ghi rõ, Tâm trình bày đã bàn với Huy và đợi Huy cân đối số tiền còn trong tài khoản rồi ghi vào cho phù hợp. Ông Vinh đã nhiều lần ký vào các tờ séc khống theo đề nghị của bà Tâm. Có được chữ ký của chủ tài khoản ngân hàng, bà Tâm đã rút hơn 86 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ án tham nhũng rúng động này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng cho biết số tiền bị bòn rút và chiếm đoạt tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng được xác định lên đến 136 tỷ đồng, vượt xa số tiền 86 tỷ đồng vào thời điểm khởi phát vụ việc. Trong số tiền này có tiền lương của giảng viên, tiền học phí, học bổng của sinh viên...
Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng cho biết, cùng với quá trình điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế tập trung xác minh, thu hồi tài sản, ngăn chặn đối tượng tẩu tán.
Đến nay, cơ quan chức năng đã phong tỏa giao dịch, kê biên số tài sản trị giá hơn 25 tỷ đồng từ Phạm Thị Huỳnh Như và nhiều bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm, tiền trong tài khoản ngân hàng trị giá hàng chục tỷ đồng từ các bị can khác. Tổng số tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ khoảng 100 tỷ đồng. Đối với các vụ án kinh tế, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Trong vụ án này, với sự vào cuộc khẩn trương, thực hiện các bước đi quyết liệt, đồng bộ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã phong tỏa được số tài sản có giá trị lớn, không để đối tượng phạm tội kịp tẩu tán, qua đó xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, đồng thời góp phần khắc phục hậu quả vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Ngay sau khi Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng giải quyết trả lương dứt điểm cho cán bộ, viên chức bị nợ lương; giải quyết xong toàn bộ học bổng cho sinh viên cùng các chế độ liên quan khác cho cán bộ, viên chức và sinh viên kịp thời. |
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Kim Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng cho biết, ngoài số tiền bòn rút từ tài khoản của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, với chiêu thức đưa séc ngân hàng để cựu Hiệu trưởng trường là ông Đoàn Quang Vinh ký khống, Tâm còn trực tiếp thu tiền học phí của sinh viên nhưng không nộp vào quỹ tiền mặt của trường, hoặc đề nghị sinh viên chuyển tiền học phí vào tài khoản ngân hàng của Tâm để chiếm dụng...
Nhiều cán bộ, giảng viên bị nợ lương. Nhiều sinh viên ra trường gần một năm vẫn chưa nhận được học bổng. Ngay sau khi Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng giải quyết trả lương dứt điểm cho cán bộ, viên chức bị nợ lương; giải quyết xong toàn bộ học bổng cho sinh viên cùng các chế độ liên quan khác cho cán bộ, viên chức và sinh viên kịp thời.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giữ Hoàng Quang Huy (sinh năm 1989), Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của Trường đại học Bách khoa và Lâm Thị Hồng Tâm (sinh năm 1973), thủ quỹ trường này về tội “tham ô tài sản”; bắt ông Đoàn Quang Vinh (sinh năm 1962; nguyên Hiệu trưởng Nhà trường), về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hiện Cơ quan Công an đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân liên quan đến vụ án này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin