Đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết án hành chính

Nhị Hà 09:24, 26/04/2023

Trong các loại án, án hành chính chiếm số lượng không lớn, thậm chí có thể nói là rất nhỏ so với tổng số án thụ lý. Tuy nhiên, việc giải quyết án này mang tính đặc thù, với nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, ngành Tòa án và Kiểm sát của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Trong các vụ án hành chính, đại diện Viện KSND tỉnh luôn chủ động nghiên cứu nội dung để đánh giá, yêu cầu xác minh, thu thập thêm chứng cứ cần thiết cho quá trình giải quyết.
Trong các vụ án hành chính, đại diện Viện KSND tỉnh luôn chủ động nghiên cứu nội dung để đánh giá, yêu cầu xác minh, thu thập thêm chứng cứ cần thiết cho quá trình giải quyết.

Trong năm 2022, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 66 vụ án hành chính, giải quyết xong 44 vụ (đạt tỷ lệ 67%).

Những tháng đầu năm 2023, số án hành chính có chiều hướng gia tăng. Theo đánh giá, các vụ án chủ yếu liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai (chiếm gần 90%). Đa số là vụ án phức tạp, quan hệ nhiều lĩnh vực khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước, phải tốn nhiều thời gian để thu thập chứng cứ và xét xử. Quá trình thực hiện một số quy định của Luật Tố tụng hành chính còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định như: Nhận thức pháp luật của người dân chưa cao; một số cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp, giao nộp hồ sơ không đầy đủ, chậm muộn...

Để nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính, TAND đã yêu cầu các thẩm phán chủ động thu thập chứng cứ, tiến hành thủ tục tố tụng theo quy định và đưa vụ án ra xét xử đảm bảo thời hạn luật định. Trong quá trình thụ lý cho đến xét xử, thẩm phán phải thực sự công tâm, minh bạch, gần dân, hiểu dân, vì dân, để công dân tin tưởng vào cơ quan công lý. Đồng thời quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thẩm phán thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Trong quá trình giải quyết án, khuyến khích thẩm phán thực hiện tốt khâu tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện để các bên thống nhất cách giải quyết. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan mở các buổi tập huấn về pháp luật tố tụng nhằm nâng cao kiến thức, trách nhiệm cho các cá nhân thực thi nhiệm vụ. 

Định kỳ, TAND thống kê các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, cử người tham gia tố tụng; nêu quan điểm giải quyết vụ việc hoặc không phối hợp trong việc định giá, giám định, từ đó thông báo và yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Ngoài bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử, ngành Tòa án cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Đáng chú ý là tháng 5-2022, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và TAND tỉnh đã ký quy chế phối hợp trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Quy chế nhấn mạnh, các phiên họp, tham gia xem xét, thẩm định, đối thoại về án hành chính sẽ có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát. Điều này giúp kiểm sát viên nắm bắt được tiến độ, thu thập chứng cứ, nội dung khởi kiện và ý kiến của cơ quan nhà nước để kịp thời tham gia ý kiến.

Ngoài ra, với một số vụ phức tạp, Tòa án chủ động chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nghiên cứu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử; kiểm sát viên phối hợp với thẩm phán xem xét tài liệu chứng cứ, trong trường hợp tài liệu chứng cứ chưa đảm bảo thì yêu cầu bổ sung theo quy định.

Ông Đỗ Quang Chung, Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 10), VKSND tỉnh, cho biết: Trong năm 2022, nhờ làm tốt công tác phối hợp nên không phát sinh sai sót trong quá trình giải quyết án hành chính. VKSND không phải ban hành kiến nghị với TAND; 2 ngành của tỉnh cũng không bị cấp trên kiến nghị hoặc thông báo yêu cầu rút kinh nghiệm.

Với những giải pháp đồng bộ, chất lượng giải quyết các vụ án hành chính từng bước được nâng lên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều vụ án phức tạp kéo dài đã được giải quyết dứt điểm hoặc hòa giải thành công. Cơ quan hành chính chủ động khắc phục những sai sót, người khiếu kiện tự nguyện rút đơn, toà án đình chỉ giải quyết vụ án, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.