Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp Thái Nguyên đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. Kết quả bước đầu cho thấy, các phiên tòa đều diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành Tòa án tỉnh đang gặp một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức phiên tòa trực tuyến. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh, về nội dung này.
Một phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND TP. Thái Nguyên. |
P.V: Thưa ông, sau một thời gian Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh tổ chức một số phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021 của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về hình thức xét xử trên?
Ông Nguyễn Ích Yên: Tính đến nay, TAND hai cấp của tỉnh đã tổ chức xét xử được 83 vụ án theo hình thức trực tuyến. Trong đó có 81 vụ án hình sự, 01 vụ án hành chính và 01 vụ án hôn nhân gia đình. Phiên tòa trực tuyến đã tạo được hiệu ứng dư luận xã hội tốt trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp.
Có thể nói, phiên tòa trực tuyến được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại tình dục, kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn; hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.
P.V: Để thực hiện phiên tòa xét xử trực tuyến, ngành TAND của tỉnh và mỗi đơn vị phải chuẩn bị những gì và hiện nay, TAND hai cấp của tỉnh gặp những khó khăn, thuận lợi gì trong tổ chức phiên tòa trực tuyến?
Ông Nguyễn Ích Yên: Để tổ chức, thực hiện tốt phiên tòa trực tuyến, Tòa án đã lựa chọn những vụ án đảm bảo đủ điều kiện; phối hợp tốt với Viện Kiểm sát, Trại tạm giam và các cơ quan liên quan; chuẩn bị tốt các trang thiết bị điện tử đảm bảo phục vụ tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần. Hầu hết các vụ án đều diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng về kỹ thuật đường truyền, đảm bảo đúng các quy định về trình tự thủ tục như phiên tòa xét xử trực tiếp.
Tính đến thời điểm này, không có vụ án nào đưa ra xét xử trực tuyến phải hoãn phiên tòa. Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm…
Tuy nhiên, trên thực tế việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đường truyền giữa các điểm cầu chưa đảm bảo sự ổn định, chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là xét xử các vụ án hình sự phải kết nối với cơ sở giam giữ còn gặp khó khăn. Do đó, để triển khai rộng rãi cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kĩ thuật.
Hiện tại, ngoài TAND tỉnh và TAND TP. Thái Nguyên có phòng xét xử trực tuyến, còn các TAND cấp huyện còn lại cơ bản chưa có phòng xét xử trực tuyến, phải sử dụng thiết bị họp giao ban trực tuyến để phục vụ công tác xét xử tại điểm cầu trung tâm.
Thiết bị xét xử trực tuyến tại điểm cầu thành phần phải thuê, mượn; quá trình tháo dỡ, lắp đặt, vận chuyển thiết bị và vận hành hệ thống cần nhiều thời gian, chi phí và nhân lực.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đường truyền trong quá trình xét xử, TAND cấp huyện phải ký hợp đồng lắp đặt mới đường truyền Internet với đơn vị viễn thông, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí…
P.V: Trước những khó khăn mà ngành Tòa án tỉnh đang gặp phải, ông có kiến nghị, đề xuất gì với tỉnh, với Trung ương để việc triển khai các phiên tòa trực tuyến diễn ra thuận lợi, hiệu quả trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Ích Yên: Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế trên, chúng tôi đề nghị TAND tối cao sớm bổ sung các thiết bị, máy móc chuyên dụng và đồng bộ để tạo thuận lợi, nâng cao chất lượng đường truyền kết nối các điểm cầu. Đồng thời tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến cho các thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân; bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin của TAND các cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến.
Chúng tôi cũng đề nghị các ngành Tư pháp, Kiểm sát, Công an sớm lắp đặt trang thiết bị phục vụ, nhất là tại các cơ sở giam giữ để đảm bảo việc phối hợp với tòa án nâng cao chất lượng kết nối các điểm cầu xét xử.
Ngoài ra, ngành Tòa án cũng đề nghị tỉnh và các ngành liên quan hỗ trợ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại điểm cầu trung tâm TADN tỉnh và 09 huyện, thành phố; tại Trại tạm giam Công an tỉnh, 09 nhà tạm giữ công an cấp huyện và tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp).
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin