Xâm hại tình dục trẻ em - tội ác không thể dung thứ, Bài 3: Phần nổi của tảng băng chìm

Nhóm P.V Nội chính 10:17, 14/05/2023

Số lượng vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng qua từng năm. Cơ bản các vụ việc khi phát hiện đã được cơ quan chức năng xét xử nghiêm minh và dư luận đồng tình. Tuy vậy, nhiều vụ việc trẻ bị XHTD nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Đáng buồn là tình trạng nạn nhân thỏa thuận, hòa giải với đối tượng xâm hại vẫn diễn ra như ngầm “tiếp tay” cho tội ác.

Phiên toà giả định do Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Định Hoá tổ chức tại Trường THPT Bình Yên trong buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục (tháng 4-2023).
Phiên toà giả định do Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Định Hoá tổ chức tại Trường THPT Bình Yên trong buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục (tháng 4-2023).

Mới xử lý được phần nổi

Trong giai đoạn 2021-2022, tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 76 vụ/83 bị cáo; xét xử 71 vụ/77 bị cáo liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em. Riêng Tòa án nhân dân tỉnh trong khoảng thời gian này đã thụ lý 19 vụ/26 bị cáo về tội XHTD trẻ em.

Theo đánh giá, các vụ việc XHTD có tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng và chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Điển hình là vụ việc xảy ra vào tháng 1-2023 trên địa bàn huyện Định Hoá. L.V.H, sinh năm 2005, là học sinh một trường THPT đến nhà M.V.T, sinh năm 2007, tại xã Trung Hội (Định Hóa). Tại đây, H. và T. đã bàn bạc với nhau, sau đó thực hiện chuốc rượu để cho hai bạn nữ cùng sinh năm 2007 bị say rồi quan hệ tình dục. Ngày 3/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.H và M.V.T về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Chắc chắn tới đây, các đối tượng sẽ phải nhận những bản án thích đáng cho tội ác mà mình gây ra.

Từ thực tế điều tra, truy tố, xét xử, nhiều cán bộ trong các cơ quan tố tụng của tỉnh chia sẻ: Việc điều tra, xác minh các vụ trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình, họ hàng... thường gặp khó khăn. Nhất là khi các vụ án hình sự về XHTD đối với trẻ em gái thường nhạy cảm, phức tạp; nhiều vụ sau thời gian dài mới được phát hiện nên không thể xác định được chứng cứ sinh học, chỉ có thể căn cứ vào lời khai đơn thuần của bị cáo, nhân chứng. Trong một số trường hợp, người bị hại còn quá nhỏ hoặc người bị hại và đại diện vắng mặt tại phiên tòa, trong khi hồ sơ còn một số điểm mâu thuẫn, vấn đề trách nhiệm dân sự chưa rõ ràng nên hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải quyết vụ việc.

Luật sư Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH PK Việt Nam: Đối với tội phạm XHTD trẻ em, gia đình nạn nhân và cộng đồng xã hội không nên thoả hiệp mà hãy dũng cảm tố cáo, bắt các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đấu tranh kiên quyết với hành vi XHTD trẻ em cũng là hành động bảo vệ quyền lợi và tương lai cho trẻ.
Luật sư Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH PK Việt Nam: Đối với tội phạm XHTD trẻ em, gia đình nạn nhân và cộng đồng xã hội không nên thoả hiệp mà hãy dũng cảm tố cáo, bắt các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đấu tranh kiên quyết với hành vi XHTD trẻ em cũng là hành động bảo vệ quyền lợi và tương lai cho trẻ.

Còn tình trạng thỏa thuận, hòa giải

Như chúng tôi đã phân tích ở bài trước, phần lớn thủ phạm gây ra các vụ XHTD trẻ em là người thân quen, họ hàng, bạn của người thân nạn nhân. Khi xảy ra sự việc, nhiều gia đình có tâm lý sợ mất danh dự hoặc ảnh hưởng đến tương lai con em mình nên không cung cấp thông tin hay tố giác tới các cơ quan chức năng. Không ít gia đình nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa gây hậu quả hoặc có gây ra hậu quả nhưng vẫn không tố cáo vì lo sợ bị dư luận bàn tán và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Có gia đình lẳng lặng “thoả hiệp” với tội phạm bằng việc tổ chức đám cưới cho đôi trẻ vì con mình lỡ có bầu.

Trường hợp N.V.C. và C.T. L., sinh năm 2003, ở xã Thành Công, (TP. Phổ Yên) là một ví dụ như thế. C. và L. quen biết nhau từ năm 2018, nảy sinh tình cảm yêu đương và có quan hệ tình dục dẫn tới mang thai. Sau đó, hai cháu được gia đình tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. L. sinh một bé trai tại Trung tâm Y tế Phổ Yên và thực hiện đăng ký khai sinh cho con nhưng không ghi tên của bố.

Một thời gian sau, khi L. và C. đi đăng ký kết hôn tại UBND xã Thành Công và thay đổi nội dung trong giấy khai sinh cho con thì cơ quan chuyên môn mới phát hiện sự việc; chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phổ Yên giải quyết theo quy định. Điều đáng trách là gia đình, hàng xóm biết hành vi nói trên là vi phạm pháp luật nhưng không ngăn chặn mà vẫn tổ chức đám cưới cho hai cháu.

Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh (bên trái) về vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục.
Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh (bên trái) về vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục.

Hay trường hợp của N.T.L, sinh năm 2005 ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Vì bất hoà với gia đình nên L. đã bỏ nhà xuống Hà Nội khi mới 15 tuổi. Quá trình đi bán hàng quần áo, L. gặp gỡ một thanh niên ở huyện Sóc Sơn, hai người nảy sinh tình cảm, quan hệ tình dục dẫn đến L. mang thai.

Khi phát hiện sự việc, hai gia đình đều cho rằng “việc đã rồi”, nên thống nhất nói chuyện, để “phía nhà trai” đưa L. về ở cùng gia đình và sinh con. Lúc con L. được 2 tháng, em mới đón sinh nhật tuổi 16, việc làm mẹ đầy bỡ ngỡ, vất vả. Đến nay, khi L. vừa tròn 18 tuổi, con gái cũng sắp 2 tuổi, hai gia đình đang bàn bạc kế hoạch để tổ chức lễ cưới hỏi cho các con.

Im lặng là tiếp tay cho tội ác

Thực tế, có không ít trường hợp trẻ em sống trong các gia đình mà bố mẹ đi làm ăn xa, đã trở thành nạn nhân bị XHTD của chính những người thân, hàng xóm, họ hàng thân quen... Và không ít vụ XHTD trẻ em bị bỏ lọt vì gia đình không dám tố cáo hành vi phạm tội của người thân mình. Đồng thời, do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều phụ huynh, nhất là ở vùng dân tộc, miền núi cho rằng việc con mình thuận tình quan hệ với đối tượng do yêu đương là không có tội, chỉ khi bị cưỡng ép mới vi phạm nên đã không tố cáo.

Trung úy Nguyễn Công Minh, cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP. Thái Nguyên): Trong quá trình tuyên truyền cho học sinh chủ động phòng ngừa xâm hại, chúng tôi thường dẫn chứng những vụ việc cụ thể, chỉ rõ hành vi và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh. Ví dụ như nguyên tắc 5 ngón tay để phân biệt người thân, người quen, người lạ trong giao tiếp, giúp trẻ hạn chế khả năng bị XHTD.
Trung úy Nguyễn Công Minh, cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP. Thái Nguyên): Trong quá trình tuyên truyền cho học sinh chủ động phòng ngừa xâm hại, chúng tôi thường dẫn chứng những vụ việc cụ thể, chỉ rõ hành vi và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh. Ví dụ như nguyên tắc 5 ngón tay để phân biệt người thân, người quen, người lạ trong giao tiếp, giúp trẻ hạn chế khả năng bị XHTD.

Ai cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi XHTD, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu con em mình bị XHTD, các gia đình nạn nhân phải xử lý như thế nào? Trao đổi với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chúng tôi thấy, việc người thân của trẻ bị XHTD quyết định không lên tiếng, tố cáo với cơ quan chức năng không chỉ làm mất đi cơ hội tố giác tội phạm, gây thiệt thòi cho nạn nhân, mà còn gián tiếp khiến những vụ việc liên quan đến vấn nạn XHTD tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sự im lặng của người trong cuộc đối với một số vụ việc còn khiến trẻ nhận thức lệch lạc, thậm chí tự buộc tội bản thân khi chuyện xấu xảy ra. Nhiều gia đình chọn im lặng để đổi lại sự bình yên, song không thể nào xoá bỏ sự tổn thương nặng nề đối với nạn nhân.

Chính việc các gia đình không tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng XHTD đã gián tiếp “tiếp tay” cho tội ác và kéo theo nhiều hệ luỵ. Trước hành vi XHTD trẻ em, mỗi gia đình, chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng hãy là chỗ dựa tin cậy để đồng hành với con trẻ trên hành trình đấu tranh giành lẽ phải, lên tiếng tố cáo đối tượng phạm tội.

(Còn nữa)