Trước tình hình tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi với thủ đoạn liên tục thay đổi, lực lượng Công an của tỉnh đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn; đồng thời phối hợp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Đối tượng Phàn Văn Thóc có hành vi sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn quảng cáo đánh bạc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Đầu năm 2023, Công an huyện Đại Từ nhận được phản ánh của Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) bị một nhóm chiếm đoạt tài sản thông qua việc tạo hồ sơ mua hàng trả góp tại các cửa hàng Điện máy xanh trên địa bàn.
Qua xác minh, các điều tra viên xác định 2 nhóm đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử thực hiện hành phạm tội. Nhóm thứ nhất móc nối với nhân viên được ủy thác của Công ty Home Credit tại cửa hàng Điện máy xanh, Thế giới di động… đưa các đối tượng nghiện ma túy đến làm thủ tục mua hàng và vay tiền trả góp để thanh toán. Sau khi được giải ngân, đối tượng bán sản phẩm đã mua và không hoàn trả nợ cho công ty.
Nhóm thứ hai đăng bài quảng cáo hỗ trợ vay vốn các công ty tài chính trên mạng xã hội. Sau đó sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng như: Căn cước công dân, số điện thoại… tạo tài khoản ngân hàng, tài khoản vay online để chiếm quyền sử dụng, vay với mức tối đa. Khi được giải ngân, đối tượng chuyển cho khách hàng số tiền theo nhu cầu vay (thấp hơn mức tối đa) và chiếm đoạt phần chênh lệch. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả tài liệu để mở thẻ tín dụng rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền trong thẻ.
Sau nhiều ngày thu thập thông tin và xác minh ở địa bàn trong, ngoài tỉnh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy (Công an huyện Đại Từ) xác định 3 đối tượng cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội gồm: Đăng Công Quang Linh, sinh năm 2000, trú tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh); Triệu Văn Hải và vợ là Cao Thị Huyền Trang, cùng sinh năm 2002, trú tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Đồng thời làm rõ 40 đối tượng gây ra hơn 40 vụ tại nhiều địa bàn khác nhau, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đại Từ đã khởi tố bị can đối với 10 đối tượng.
Trong tháng 4 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ thông tin và Truyền thông kiểm tra ô tô biển kiểm soát 98A-446.01 di chuyển trên đường Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên). Qua kiểm tra phát hiện đối tượng là Phàn Văn Thóc, sinh năm 1998 (ở Vị Xuyên, Hà Giang), có hành vi sử dụng phần mềm trên máy tính, thiết bị công nghệ cao để vận hành máy nghi là trạm phát sóng BTS giả nhằm phát tán tin nhắn quảng cáo hoạt động đánh bạc, khiêu dâm và lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các thuê bao trong phạm vi phủ sóng.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bắt giữ thêm đối tượng Lò Văn Phúc về hành vi cất giữ, cung cấp trái phép thiết bị điện tử cho Thóc để phạm tội. Quá trình điều tra xác định: Khoảng tháng 1-2023, Phàn Văn Thóc được một đối tượng thuê quảng cáo hoạt động đánh bạc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc gửi tin nhắn rác đến số điện thoại, đồng thời giao máy móc, thiết bị công nghệ cao và hướng dẫn sử dụng.
Từ tháng 1 đến 4-2023, Thóc và đồng bọn đã sử dụng thiết bị phát tán số lượng lớn tin nhắn rác đến các số điện thoại hoạt động tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội và Thái Nguyên.
Phòng PA05 đã củng cố hồ sơ điều tra ban đầu, làm rõ hành vi của các đối tượng và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật…
Trên đây là 2 vụ việc điển hình về tội phạm công nghệ cao được công an các cấp trong tỉnh điều tra, khám phá. Trước diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm này, lực lượng Công an tiếp tục phát đi cảnh báo về những thủ đoạn mới, nhất là sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực; mạo danh nhà mạng viễn thông yêu cầu cung cấp tên tuổi, hình ảnh và căn cước công dân để chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại.
Một số cách thức đã xuất hiện từ lâu nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều người vẫn “mắc bẫy” là lôi kéo tham gia các nhiệm vụ trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên online, đầu tư chứng khoán…
Dù là thủ đoạn mới hay cũ, muốn chiếm đoạt tài sản của bị hại thì đều phải dựa vào việc chuyển tiền qua các ngân hàng, hay những phương thức thanh toán trực tuyến khác. Chính vì vậy, điều quan trọng là mỗi người cần nâng cao ý thức, trang bị kiến thức để tự phòng ngừa, “miễn dịch” với tội phạm công nghệ cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin