Kiểm sát chặt chẽ việc thi hành án hình sự

Nhị Hà 08:01, 31/07/2023

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự, qua đó góp phần đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án được chấp hành nghiêm túc; thực hiện đẩy đủ các chế độ, quyền lợi theo quy định của pháp luật.

VKSND huyện Đại Từ kiểm sát thi hành án hình sự tại xã Bản Ngoại.
VKSND huyện Đại Từ kiểm sát thi hành án hình sự tại xã Bản Ngoại.

Chủ động thực hiện chức năng kiểm sát thi hành án hình sự, ngay từ những tháng đầu năm 2023, VKSND TP. Sông Công đã phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự của thành phố trực tiếp kiểm sát công tác giám sát, quản lý người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại 10/10 xã, phường.

Báo cáo của chủ tịch UBND cấp xã và hồ sơ, sổ sách liên quan cho thấy, các địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trong quá trình được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành cải tạo không giam giữ theo quy định.

Cụ thể, công an xã, phường đã tham mưu cho UBND thực hiện các biện pháp tạo điều kiện, giúp đỡ cho các bị án thực hiện tốt quá trình thi hành án, hồ sơ được lập đúng theo quy trình, thủ tục, riêng biệt cho từng đối tượng; mỗi tháng một lần, các bị án có bản tự nhận xét quá trình chấp hành án và đều có nhận xét của người phân công giám sát, giáo dục; sổ theo dõi ghi chép đầy đủ, đúng theo biểu mẫu quy định…

Tương tự, VKSND TP. Phổ Yên cũng đã phối hợp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại 15/18 xã, phường trên địa bàn. Bên cạnh nhưng ưu điểm là chủ yếu, còn một số tồn tại, hạn chế được chỉ ra như: UBND xã Phúc Thuận không làm các thủ tục để bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự đối với 1 trường hợp đang chấp hành án treo bị chết; UBND xã Thành Công không thông báo đề nghị phối hợp quản lý, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng; UBND phường Thuận Thành không nhận xét, đánh giá tình hình chấp hành án treo của bị án tại địa phương.

Kết thúc đợt kiểm sát, VKSND Phổ Yên đã ban hành 15 kết luận và 3 kiến nghị yêu cầu UBND các xã khắc phục tồn tại và đều được tiếp thu, sửa chữa.

Theo đánh giá, để làm tốt chức năng kiểm sát thi hành án hình sự, cơ quan kiểm sát đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, quản lý, theo dõi lý lịch các bị án cũ hoặc phát sinh nhằm bảo đảm chính xác và giảm tải khối lượng công việc cho kiểm sát viên; tăng cường kiểm sát đột xuất những trường hợp bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành, trốn thi hành án; kiểm sát trách nhiệm của tòa án, công an.

Cách thức kiểm sát cũng được đổi mới. Kiểm sát viên không chỉ làm việc với UBND, công an cấp xã, người quản lý, giáo dục đối tượng được hưởng án treo mà còn gặp gỡ trực tiếp bị án để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thời gian thử thách. Lồng ghép trong các buổi kiểm sát trực tiếp để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên bị án khắc phục khó khăn, không phạm tội mới để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Từ đầu năm tới nay, VKSND hai cấp của tỉnh đã kiểm sát 100% quyết định thi hành án của tòa án và các quyết định miễn, hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn. Đồng thời tiến hành kiểm sát trực tiếp 1 cuộc tại Trại giam Phú Sơn 4 và 5 cuộc tại cơ quan thi hành án cùng cấp; 115 cuộc/178 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, chiếm 64,6% (vượt 34,6% so với chỉ tiêu cả năm).

Trên sơ sở công tác kiểm sát, VKSND hai cấp đã kịp thời phát hiện các vi phạm trong quản lý thi hành án hình sự, ban hành 34 kiến nghị khắc phục, trong đó 33/34 kiến nghị được chấp thuận.

Ngoài ra, viện kiểm sát còn ký quy chế phối hợp với tòa án cùng cấp về việc kiểm sát tòa án giao, gửi bản án, quyết định, ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án, gửi quyết định thi hành án hình sự.

VKSND tỉnh ký quy chế với Trại giam Phú Sơn 4 về quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân và công tác kiểm sát thi hành án phạt tù, từ đó giúp các bản án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật.