Hòa giải, đối thoại giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp dân sự, không phải mở phiên toà xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức. Hoạt động này còn giúp hàn gắn những rạn nứt, hạn chế kháng cáo, kháng nghị của đương sự, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân… Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh luôn chú trọng, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Chánh án TAND TP. Thái Nguyên Vương Hồng Giang (ngoài cùng bên trái) trao đổi công việc với các hòa giải viên. |
Những năm gần đây, số lượng và tính chất phức tạp vụ việc thụ lý của tòa án ngày càng tăng, năm sau luôn có chiều hướng cao hơn năm trước. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện qua hòa giải, đối thoại là một giải pháp căn cơ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 21 hòa giải viên được Chánh án TAND tỉnh bổ nhiệm, làm việc tại TAND hai cấp. Tính từ ngày Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực (1/1/2021) đến hết tháng 6-2023, các hòa giải viên đã tiến hành hòa giải, đối thoại trên 3.400 đơn khởi kiện. Kết quả, đã hòa giải thành gần 1.700 vụ việc, hầu hết là ở TAND cấp huyện.
Là đô thị loại I, trung tâm hành chính của tỉnh, TP. Thái Nguyên có đông dân cư, số lượng vụ việc tranh chấp dân sự cũng dẫn đầu tỉnh. Bên cạnh đó, những tranh chấp, mâu thuẫn cũng có tính chất phức tạp hơn, khó hòa giải bởi giá trị tài sản, lợi ích… của các đương sự lớn. Vậy nên, để hòa giải thành được 1 vụ việc là cả sự nỗ lực, trách trách nhiệm lớn của hòa giải viên.
Chỉ tính từ 1/10/2022 đến hết tháng 7/2023, TAND thành phố đã tiếp nhận 1.397 đơn (chiếm khoảng 35% số lượng toàn tỉnh). Trong đó, số lượng đơn lựa chọn hòa giải, đối thoại tại tòa án là 110 đơn. Qua quá trình giải quyết bằng hòa giải, đối thoại, đến nay đã có 22 đương sự rút đơn khởi kiện và 37 vụ việc được hòa giải thành.
Ông Vương Hồng Giang, Chánh án TAND TP. Thái Nguyên, thông tin: Khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực (1/1/2021), đơn vị đã hướng dẫn, triển khai đến toàn thể đội ngũ thẩm phán, thư ký, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật. Hiện nay, TAND TP. Thái Nguyên có 3 hòa giải viên. Đơn vị cũng bố trí 2 phòng hòa giải, đối thoại được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như bàn, ghế, máy tính, máy in, máy điều hòa không khí. Các hòa giải viên đều là những người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu pháp luật và khả năng giao tiếp, phân tích tốt. Việc hòa giải, đối thoại không chỉ giúp giảm áp lực xét xử cho thẩm phán mà còn giúp các đương sự thấu hiểu, thông cảm cho nhau và xóa đi mâu thuẫn, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, hạn chế kháng cáo, kháng nghị…
Hòa giải viên Phùng Văn Thành, nguyên Chánh Tòa hành chính TAND tỉnh, chia sẻ: Để đạt hiệu quả, trước khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, xác định rõ vấn đề cần hòa giải, thậm chí đến tận nơi gặp gỡ đương sự cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phân tích tâm lý của các bên. Cùng với việc vận dụng các quy định của pháp luật liên quan, người “cầm cân” cần cho các bên thấy rõ được những lợi ích của việc hòa giải so với “cái mất” khi phải xét xử, từ đó các bên thống nhất hòa giải. Khi hòa giải thành công, thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thỏa thuận dân sự giữa các bên. Quyết định này có giá trị pháp lý như một bản án mà không phải tiến hành các bước tố tụng.
Còn tại Định Hóa, tuy là huyện miền núi nhưng cũng có số lượng đơn khiếu kiện khá lớn với 373 đơn (tính từ 1/10/2022 đến hết tháng 6/2023). Vậy nhưng, qua phân loại, lựa chọn, tuyên truyền, vận động, đã có 368 đơn được đương sự đồng ý lựa chọn hòa giải, đối thoại. Trong số này, qua hòa giải đối thoại đã có 44 người rút đơn khởi kiện và 66 đơn được giải quyết êm thấm mà không cần mở phiên tòa xét xử.
Tương tự, trong khoảng thời gian trên, TAND huyện Đồng Hỷ đã hòa giải thành 71 vụ việc, 4 người rút đơn khởi kiện trong tổng số 107 đơn đương sự đồng ý lựa chọn hòa giải, đối thoại…
Bản chất của hòa giải, đối thoại là dành quyền tự quyết, tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện cho các đương sự. Hòa giải viên chỉ đóng vai trò trợ giúp cho các bên như phân tích lợi - hại của từng phương án giải quyết vụ việc, hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.
Đây không chỉ là biện pháp giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, giảm tải công việc cho tòa án mà còn góp phần hóa giải mâu thuẫn giữa các đương sự, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần giữ ổn định trật tự xã hội. Hoạt động này cũng đồng thời đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của Ngành về cải cách hành chính tư pháp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin