Khi một bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các phán quyết nêu trong đó cần phải được thực thi. Về phần dân sự, người phải thi hành án (THA) cần tự nguyện thi hành để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không tự nguyện THA mà chây ì, cố chấp, buộc các cơ quan chức năng phải tổ chức cưỡng chế THA. Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ lụy mà "lợi bất cập hại” cho chính đương sự.
Khi tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông Ngô Văn Tân, ở xóm Cạn, xã Ký Phú (Đại Từ), cơ quan chức năng phải huy động lực lượng liên ngành, nhiều nhân công và phương tiện. |
Đầu năm 2024, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đại Từ tổ chức cưỡng chế THA đối với gia đình ông Ngô Văn Tân, bà Lưu Thị Phương, ở xóm Cạn, xã Ký Phú. Tài sản cưỡng chế là quyền sử dụng đất và căn nhà 2 tầng trên đất ở địa chỉ trên để giao cho người được THA là ông Lê Văn Sơn, trú tại huyện Phú Lương. Đây là phán quyết được nêu trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm năm 2018.
Vậy nhưng, để trì hoãn, gây khó khăn, cản trở quá trình THA, ông Tân đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến nhiều cơ quan khiến sự việc trở nên phức tạp, kéo dài. Cuối cùng, cơ quan THADS buộc phải tiến hành cưỡng chế THA để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người được THA.
Chứng kiến buổi cưỡng chế THA, chúng tôi thấy bên cạnh sự có mặt của lực lượng chức năng, đại diện cơ quan, các cấp chính quyền liên quan…, Đoàn cưỡng chế còn phải thuê nhân công, máy móc, phương tiện để tháo dỡ, di dời tài sản của người phải THA...
Theo Chấp hành viên Phan Minh Hải, Phó Trưởng Phòng Tổ chức nghiệp vụ và THA (Cục THADS tỉnh), chi phí cho buổi cưỡng chế này lên tới 150 triệu đồng. Và tất nhiên, khoản tiền này hoàn toàn do người phải THA gánh chịu. Bên cạnh đó, đương sự không chỉ mất đi tính chủ động mà còn mang điều tiếng không hợp tác, chống đối, dư luận bàn tán. Nếu đương sự tự nguyện THA thì những hệ lụy này sẽ không xảy đến.
Đoàn cưỡng chế thi hành án phải thuê thêm nhiều nhân công, phương tiện để di dời, vận chuyển tài sản trong vụ cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông Ngô Văn Tân, ở xóm Cạn, xã Ký Phú (Đại Từ). |
Tương tự, vào cuối tháng 10-2023, Chi cục THADS TP. Sông Công tổ chức cưỡng chế THA đối với ông Phạm Văn Tâm và bà Dương Thị Lan, ở tổ dân phố Làng Mới và các ông Phạm Đình Bắc, Phạm Minh Công ở tổ dân phố Cầu Gáo (cùng phường Bách Quang).
Nguyên nhân của sự việc này là do những người trên xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất của người khác. Theo Bản án số 08/2019/DSST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Sông Công và Bản án số 56/2020/DSPT ngày 31/8/2020 của TAND tỉnh, 4 đương sự trên phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng lấn chiếm trái phép, tài sản trên đất khác trả lại toàn bộ diện tích 128,2m2 đất đã lấn chiếm tại thửa đất số 236, tờ bản đồ 37-II, tại phường Bách Quang, cho Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên.
Bản án có hiệu lực và tiếp nhận yêu cầu của nguyên đơn được THA, Chi cục THADS thành phố Sông Công đã thụ lý, tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, người phải THA không tự nguyện thi hành, chây ỳ, khiến sự việc kéo dài nhiều năm.
Cơ quan THADS cũng đã nhiều lần tổ chức cho hai bên thỏa thuận nhưng không thành, nên đã ra quyết định THA, quyết định cưỡng chế và đã thực hiện thông báo đến từng đương sự nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Đến cuối năm 2023, Cơ quan THADS buộc phải tổ chức cưỡng chế THA đối với các đương sự phải THA để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc mà cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế THA. Theo thống kê, trong năm 2023, các cơ quan THADS hai cấp của tỉnh đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với 306 trường hợp, tăng 45 trường hợp so với năm 2022. Qua vận động, thuyết phục, có 61 trường hợp đương sự tự nguyện THA. Tuy nhiên, các cơ quan thi hành án vẫn phải tổ chức 39 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành.
Ông Bùi Huy Toàn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục THADS tỉnh, cho biết: Đối với các vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA, các chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ quy trình và luôn chú trọng công tác vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện THA. Nếu đương sự cố tình không chấp hành, chây ỳ, chống đối, buộc cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được THA, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Khi phải tổ chức cưỡng chế (nhất là cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành) thì mọi chi phí phát sinh liên quan người phải THA gánh chịu theo quy định của pháp luật. Do vậy, các đương sự phải THA nên tự nguyện THA khi nhận được quyết định của cơ quan THADS để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Theo Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án gồm: - Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án; - Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án; - Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều này; - Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án; - Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ; - Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin