Triển khai đồng bộ các giải pháp thi hành án dân sự

Hoàng Hải 08:35, 30/05/2024

Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thi hành án được quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt; việc xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường… là những điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Thái Nguyên. Nhờ vậy, dù lượng việc và tiền phải thi hành lớn, có nhiều vụ việc phức tạp, khó giải quyết, nhưng đơn vị vẫn luôn đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.

Lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên trao đổi giải pháp thi hành án.
Lãnh đạo và chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên trao đổi giải pháp thi hành án.

Với đặc thù là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, dân cư đông nên hằng năm, số vụ việc mà Chi cục THADS thành phố thụ lý giải quyết lớn, chiếm khoảng 30-40% số việc - tiền của toàn tỉnh. Đơn cử, năm 2023, tổng số vụ việc mà Chi cục phải thi hành là gần 3.000 việc (toàn tỉnh là hơn 10.000 việc), số thụ lý mới trên 2.260 việc, tăng 548 việc so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2024, số việc mà đơn vị phải thi hành là hơn 2.300 việc (toàn tỉnh trên 7.600 việc).

Tương tự, về tiền, năm 2023, đơn vị phải thi hành tổng số trên 636,3 tỷ đồng (toàn tỉnh hơn 1.800 tỷ đồng); 6 tháng đầu năm trên 683 tỷ đồng (toàn tỉnh là hơn 1.858 tỷ đồng).

Không chỉ số lượng vụ việc, tiền thụ lý năm sau luôn tăng cao hơn năm trước mà TP. Thái Nguyên còn có nhiều vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, khó giải quyết. Sự phức tạp, kéo dài trong THADS rất đa dạng như: việc bán đấu giá tài sản qua nhiều lần giảm giá, thông báo bán đấu giá vẫn chưa có người đăng ký mua; án thi hành cho ngân sách nhà nước chiếm số lượng lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập, đang chấp hành án phạt tù hoặc khi mãn hạn tù không về địa phương nên khó thi hành án. Nhiều án tín dụng ngân hàng vướng mắc về tài sản thế chấp, tài sản liên quan đến người thứ ba hoặc tài sản chung của gia đình.

Chưa kể, không ít trường hợp, cơ quan chức năng còn gặp phải sự phản ứng, chống đối quyết liệt của đương sự. Cũng có trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành. Họ luôn tìm mọi cách để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc khiếu nại, không hợp tác làm kéo dài thời gian thi hành. Ngoài ra, án tín dụng, ngân hàng ngày một nhiều, tính chất các vụ việc cũng phức tạp hơn, số tiền phải giải quyết cũng lớn hơn…

Lượng việc lớn, phức tạp là vậy, trong khi đó nhân lực của Chi cục THADS lại mỏng, với 22 cán bộ, công chức; trong đó có 12 chấp hành viên. Bởi vậy, để giải quyết lượng việc khổng lồ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tập thể và từng cá nhân trong đơn vị.

Theo đó, ngay từ đầu năm công tác, Chi cục trưởng đã ban hành Quyết định tạm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho công chức, người lao động trong đơn vị. Đồng thời xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp thực hiện cụ thể áp dụng từ lãnh đạo Chi cục đến chấp hành viên.

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên tổ chức cưỡng chế thi hành án, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được thi hành án.
Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Thái Nguyên tổ chức cưỡng chế thi hành án, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người được thi hành án.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Chi cục trưởng THADS TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Một trong những tiêu chí quan trọng là đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, nhất là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; đảm bảo mọi hoạt động phải được công khai, minh bạch, được bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và trong cơ quan. Bên cạnh đó, lãnh đạo phải bám sát kế hoạch công tác, sự chỉ đạo của cấp trên. Trong công tác thi hành án, việc kiểm soát chặt chẽ, nắm chắc các số liệu đầu vào như thụ lý mới, số việc, tiền phải thi hành, phân loại án chính xác, khoa học là rất quan trọng, từ đó dự báo tình hình, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chấp hành viên, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tiến độ giải quyết.

Đối với những vụ việc lớn phức tạp, Chi cục luôn chú trọng phát huy trí tuệ tập thể, vai trò của Hội đồng Chấp hành viên, tập thể lãnh đạo đơn vị, đồng thời tranh thủ xin ý kiến của Ban Chỉ đạo THADS thành phố cũng như lãnh đạo cấp trên, từ đó có hướng giải quyết hiệu quả.

Điều quan trọng liên quan đến hiệu quả THA là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo quy trình tổ chức giải quyết vụ việc nhanh chóng.

Thi hành án là công việc nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích trực tiếp của các đương sự. Bởi vậy, Chi cục luôn chú trọng công tác vận động, giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự thỏa thuận, giải quyết đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình chống đối, không thi hành thì chấp hành viên cũng kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, không để vụ việc kéo dài, phức tạp… Ông Hiếu thông tin thêm.

Mặc dù lượng việc và tiền phải thi hành lớn, nhân lực mỏng nhưng nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ công tác chỉ đạo, điều hành đến trách nhiệm của từng cán bộ, chấp hành viên mà hằng năm, Chi cục THADS TP. Thái Nguyên đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Chẳng hạn, năm 2023, Chi cục đã giải quyết xong 2.118 việc, tương ứng với số tiền 74,7 tỷ đồng, đạt 86,63% về việc và 55,96% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành (vượt 4,13 về việc; 10,46% về tiền so với Chỉ tiêu của Tổng cục giao).

Trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thi hành xong gần 1.000/1.560 việc, với trên 26,6/184 tỷ đồng, trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành. Mặc dù kết quả này chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023, song sẽ là bước tạo đà quan trọng để đơn vị tăng tốc về đích, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cấp trên giao vào cuối năm.