Dù lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, trấn áp nhưng các hình thức cho vay lãi nặng (hay còn gọi là “tín dụng đen”) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến tướng. Điều này đòi hỏi mỗi người dân cần đề cao cảnh giác để tránh sập bẫy và chịu những hệ lụy.
Lực lượng chức năng lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Ngọc Tân và các đồng phạm về hành vi cho vay nặng lãi, cầm đồ và bốc bát họ (Ảnh: Triệu Huấn). |
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh vừa triệt phá một ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, cầm đồ và bốc bát họ, với số tiền cho vay lên tới hơn 36 tỷ đồng. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Ngọc Tân, trú tại tổ 3, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) và 3 đồng phạm.
Đối tượng Nguyễn Ngọc Tân thực hiện việc theo dõi, quản lý hoạt động cho vay, cầm đồ và quản lý nợ bằng phần mềm trên máy tính; mở quầy mua bán điện thoại để làm địa điểm giao dịch trá hình. Các giấy vay tiền, đối tượng không giao cho người vay mà tự cất giữ.
Tân cùng đồng phạm lợi dụng các mối quan hệ để giới thiệu, quảng cáo dịch vụ. Người vay tiền của nhóm này rất đa dạng, trong đó có cả công chức, viên chức. Khi đến hẹn trả, nhóm đối tượng dùng nhiều hình thức để giục, đòi nợ.
Một trong những cách thức các đối tượng cho vay đi đòi nợ là ném chất bẩn, khủng bố gia đình nạn nhân. Trong tháng 9-2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can gồm: Dương Trường Anh, ở tổ dân phố Thơm, thị trấn Hương Sơn; Nguyễn Minh Tuấn, ở xóm Vo và Nông Văn Giáp, ở xóm Hòa Lâm, cùng thuộc xã Tân Thành, để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo điều tra, tháng 6-2022, Đỗ Văn Q. (sinh năm 2005), trú tại xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình), có vay của Nông Văn Giáp 3 triệu đồng, hẹn sau 1 tháng sẽ trả. Tới ngày hẹn, Q. không trả tiền nên nhóm đối tượng trên đã ném 4 chai mắm tôm và dầu luyn vào nhà Q. để uy hiếp, buộc trả tiền.
Theo rà soát của lực lượng Công an, tính tới tháng 9-2022, trên địa bàn tỉnh có 49 cơ sở cầm đồ, giảm 216 cơ sở; 5 cơ sở kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, giảm 35 cơ sở so với thời điểm tháng 4-2019.
Đây là kết quả của việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ tháng 4-2019 tới 9-2022, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 14 cơ sở, thu nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng; lập biên bản nhắc nhở 11 cơ sở; khởi tố 24 vụ/46 bị can liên quan đến “tín dụng đen”.
Tuy số lượng cơ sở kinh doanh có biểu hiện “tín dụng đen” giảm nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Cụ thể, các đối tượng thường lập hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản hoặc ép người vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý. Thành lập công ty hoặc liên kết, hợp tác với các công ty đòi nợ để gọi điện cho người vay hoặc bạn bè, người thân của người vay để đòi nợ, chửi bới, đe doạ.
Một số đối tượng mở cơ sở kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính một thời gian, khi có “uy tín” và có mối quan hệ rộng thì dừng hoạt động, đóng cửa nhằm tránh sự kiểm tra, quản lý nhưng thực chất vẫn hoạt động.
Trung tá Hồ Quang Trung, Phó Đội trưởng Đội Đấu tranh, phòng ngừa, chống tội phạm theo tuyến địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), phân tích: Có một thực tế là nhiều người vay tiền với số lượng lớn, lãi suất cao… nhưng do tâm lý sợ bị trả thù hoặc e ngại nên thường dàn xếp để trả nợ mà không trình báo cơ quan Công an. Các đối tượng cho vay lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tránh bị phát hiện như: Không ghi mức lãi suất cho vay, biến tướng tiền lãi suất thực tế bằng các loại phí dịch vụ, sử dụng phần mềm trên máy tính có cài mật khẩu và không để tại cơ sở kinh doanh, thông tin về người vay và số tiền vay được quy ước bằng ký hiệu riêng…
Ngoài ra, có không ít trường hợp, nhất là học sinh, sinh viên và người dân có thời gian rảnh rỗi, đăng ký làm “cộng tác viên” cho công ty vay trực tuyến để quảng cáo, tiếp thị hình thức “tín dụng đen”, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trước thực tế trên, bên cạnh việc tăng cường đấu tranh, trấn áp của lực lượng chức năng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi tham gia các hoạt động hụi, họ; hạn chế giao dịch, vay tiền của cá nhân, cơ sở cho vay trực tuyến... Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin