Cán bộ Công an huyện Định Hóa tuyên truyền về phòng chống tội phạm trên không gian mạng. |
"Làm nhiệm vụ" để được trả thù lao
Trong vai người tìm kiếm việc làm online, ngay khi tham vào nhóm “kiếm tiền qua mạng” trên Facebook, lập tức có hàng chục tài khoản gửi yêu cầu kết bạn cho tôi và nhắn tin riêng với nội dung là nhiều cách thức làm giàu nhanh, kiếm tiền thụ động, kiếm tiền nhờ nền tảng Tiktok và đặc biệt là “làm nhiệm vụ kiếm tiền, không phải nạp dưới mọi hình thức”.
Sau khi cung cấp số điện thoại, tôi được thêm vào hội nhóm với gần 200 thành viên. Chủ nhóm tự xưng là nhân viên của “Công ty EB” chuyên tổ chức các chiến dịch quan tâm nhãn hàng trên Zalo để nhận thù lao. Nhiệm vụ đầu tiên là quan tâm một nhãn hàng nổi tiếng về trang sức rồi chụp ảnh lại màn hình gửi lên nhóm cùng số tài khoản ngân hàng để Công ty chi trả tiền thù lao.
Chỉ sau khoảng 2-3 phút thực hiện đúng các nội dung trên, tôi được chuyển vào tài khoản 50 nghìn đồng, cùng với đó là hàng loạt nhiệm vụ mỗi 30 phút để nhận về 20-30 nghìn đồng. Trong thời gian chưa đến một ngày, tôi nhận về trên 200 nghìn đồng mà chỉ cần quan tâm các nhãn hàng hội nhóm yêu cầu.
Khi người tham gia bắt đầu nhận được những khoản tiền “trên trời rơi xuống” thì cũng là lúc sự cảnh giác về lừa đảo đã giảm đi đáng kể. Sang ngày tiếp theo, chúng tôi nhận được yêu cầu chuyển khoản 150 nghìn đồng về tài khoản có tên Vu Hoang Nhat tại Ngân hàng Á Châu (ACB) để nhận lại 300 nghìn đồng thù lao.
Sau khi chuyển khoản, chúng tôi được gửi link và hướng dẫn tải phần mềm EB về điện thoại thông minh (không có trên kho ứng dụng Appstore và CHplay), và nhận lại 300 nghìn đồng như đã được hứa. Từ khi tải phần mềm, mọi thông báo nhiệm vụ và trả thù lao sẽ được nhắn qua phần mềm này.
Nếu chỉ đơn giản là quan tâm các nhãn hàng trên Zalo mà nhận lại khoản thu nhập trên 200 nghìn đồng/ngày thì đây quả thực là "việc nhẹ, lương cao". Tuy nhiên, các chiêu trò mồi chài nạp tiền bắt đầu được thực hiện từ 15h30 phút mỗi ngày.
Theo đó, chúng tôi được thông báo nâng cấp Vip để nhận về tiền thưởng, lợi ích và mức thù lao hấp dẫn tương ứng, tham gia bốc thăm trúng quà đặc biệt (điện thoại Iphone, tivi, máy giặt, đồ gia dụng…).
Đối với Vip 1, mỗi người phải nạp 1 triệu đồng, Công ty sẽ trả về 1,3 triệu đồng cùng tăng mức nhận thù lao mỗi chiến dịch quan tâm nhãn hàng là 30 nghìn đồng. Mức tối đa là Vip10 phải nạp 500 triệu đồng, nhận về 650 triệu đồng cùng thù lao 400 nghìn đồng/chiến dịch. Nếu không nâng cấp Vip sẽ không thể thực hiện và được trả thù lao nữa.
Mức hoàn tiền cao và lợi ích nhận được từ "nâng cấp Vip" đã khiến không ít người mắc bẫy. |
Kiếm khoản nhỏ, mất khoản to
Để tìm hiểu kỹ hơn chiêu trò lừa đảo, tôi đã nạp 1 triệu đồng, ngay lập tức được chuyển trả về 1,3 triệu đồng vào tài khoản cùng thông báo xác nhận lên Vip1 và các ưu đãi. Tiếp tục làm hơn 10 nhiệm vụ, tôi nhận về xấp xỉ 300 nghìn đồng. Đến đây, tôi được thông báo số lượng chiến dịch quan tâm nhãn hàng dành cho Vip1 đã hết, bắt buộc phải nâng cấp. Nhận thấy dấu hiệu mồi chài người tham gia lún sâu vào việc chuyển tiền để nâng cấp Vip nên tôi dừng lại.
Cùng trong nhóm tham gia, có 2 trường hợp đã mất tổng số tiền 60 triệu đồng. Ngay khi nâng cấp Vip lên một mức nhất định, những người này bị chặn toàn bộ tin nhắn trên phần mềm EB nên không thể cảnh báo cho những người tham gia sau.
Chị N.T.T (ở TP. Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Tôi được người lạ gọi điện thoại, giới thiệu về chiến dịch quan tâm nhãn hàng để nhận về thù lao. Mặc dù có chút nghi ngờ nhưng bản thân vẫn tham gia với ý định nếu là lừa đảo sẽ dừng lại vẫn chưa muộn. Đến khi bị lòng tham làm mờ mắt, tôi đã chuyển khoản để nâng cấp Vip và mất gần 20 triệu đồng.
Có thể thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ quan tâm nhãn hàng chỉ là chiêu trò để đánh lạc hướng người tham gia, mục đích cuối cùng của đối tượng lừa đảo là lấy tiền từ tài khoản ngân hàng của những người nhẹ dạ cả tin bằng các chiêu trò nạp Vip, nhận thêm thù lao, hoa hồng…
Một số hình thức lừa đảo phổ biến khác là: giả danh công an đòi chuyển tiền để giải quyết vụ việc, giả danh nhân viên ngân hàng, tuyển cộng tác viên bán hàng, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, nâng cấp sim 4G…
Theo khuyến cáo của lực lượng Công an, người dân cần cảnh giác, tỉnh táo và liên hệ trực tiếp với công an nơi gần nhất để được thông tin chính xác nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo. Thêm một lưu ý đó là lực lượng Công an chỉ giải quyết các vụ việc trực tiếp, không giải quyết qua điện thoại, nhắn tin, mạng xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin