Trong túp lều lợp lá cọ lúp xúp dưới vòm tre già rậm rì luôn vang lên tiếng đàn trầm buồn. Ánh sáng yếu ớt không soi rõ gương mặt những đứa trẻ gầy gò. Đó là khung cảnh hơn 50 năm trước ở nhà ông Phong Phú, một “nghệ sĩ” đặc biệt nhất Thái Nguyên. Người nuôi gia đình bằng ca hát, mặc dù… không biết một nốt nhạc nào.
Những năm 1980 trở về trước, người dân ở T.P Thái Nguyên ít ai không biết tên ông Phong Phú. Là vì ông có “shop” dạy đàn, sửa đàn, bán dây đàn sớm và hiếm hoi ở thành phố này. Cũng là vì gia cảnh nhà ông quá đặc biệt với bốn đứa con lít nhít cùng bố mẹ ngày ngày đi hát rong kiếm sống. Riêng tôi không quên khúc cải lương do con gái ông, cô gái da trắng mắt buồn, ôm guitar hát trong một chiều nắng sắp tàn năm 1972. Tiếng guitar “ám” tôi thành kỷ niệm, khiến tôi yêu guitar hơn mọi nhạc cụ mà tôi biết.
Căn nhà 2 tầng (số nhà 332, đường Ga, tổ 14, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) giờ thay thế túp lều năm xưa. Ngoài cửa nhà vẫn treo biển tên hiệu đàn Phong Phú, chủ hiệu là con trai cả của ông: Anh Trịnh Văn Được.
-Chỉ với cây violon, bố tôi đi khắp thế gian.
Anh Được nói về người cha quá cố của mình ngắn gọn như thế.
Năm 1951, ông Trịnh Văn Phong (khi đó 35 tuổi) phiêu bạt từ làng Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội) qua đất Hưng Yên, Quảng Ninh và dừng chân tại Thái Nguyên với gia tài duy nhất là cây đàn violon cũ kĩ ôm khư khư bên người. Trải qua nạn đói lịch sử (năm 1945), nhiều cảnh đời ở nơi khác đổ về thị xã Thái Nguyên.
Thời kỳ đó, Thái Nguyên tiêu điều xơ xác lắm. Kinh tế sau nạn đói chưa thực sự phục hồi; lại thêm thực dân Pháp đưa 3.000 quân tấn công thị xã nhằm kéo quân chủ lực của ta từ biên giới phía Bắc về đỡ đòn cho đồng bọn đang bị đe dọa tiêu diệt, nhân dân Thái Nguyên lại dốc lòng ủng hộ thóc gạo, thực phẩm cho bộ đội đánh bại cuộc tấn công này. Địch họa chưa hết thì thiên tai ập đến, tháng 10-1950, một trận lụt lớn xảy ra khiến gần 20 nghìn mẫu lúa ngập trắng, hàng nghìn nồi thóc bị nước cuốn trôi… Trong hoàn cảnh ấy, nỗi lo lớn nhất của người dân lúc bấy giờ là miếng ăn. Vì thế, các loại hình giải trí tinh thần như âm nhạc, đàn, hát… còn là xa xỉ, ít được quan tâm nhất.
Ở góc chợ Thái khi ấy xuất hiện một người đàn ông bé nhỏ ngồi khoét sáo - thứ nhạc cụ rẻ tiền, dễ làm, dễ bán nhất. Lúc vắng khách ông nâng cây violon lên vai kéo đôi khúc nhạc. Ông chính là Trịnh Văn Phong. Vài năm sau, ông Phong lấy vợ, bà là Lê Thị Thi (khi đó 25 tuổi), phiêu dạt từ Vũ Thư (Thái Bình) lên, gia tài có cây đàn cò (nhị) và giọng hát cải lương trời cho. Nghe nói bà Thi vốn là đào hát nổi tiếng, từng sang Lào, Thái Lan biểu diễn. Kết thành gia đình, ông bà mở hiệu đàn Phong Phú (Phú là tên em trai của ông), chuyên bán dây đàn, sáo, dạy hát, dạy đàn bằng phương pháp… truyền mồm. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời trong 9 năm, cảnh nhà đã túng bấn càng trở nên nheo nhóc.
Người đi tàu hỏa tuyến Thái Nguyên - Hà Nội trước những năm 1975 hẳn còn nhớ một phụ nữ xinh đẹp dắt díu đàn con dại, đứa bé cắp chiếu, đứa lớn cắp đàn. Họ chính là “gánh hát” nhà ông Phong Phú, với những “tài tử nhí” có một không hai ở Thái Nguyên lúc đó.
Chị Trịnh Thị Thư (cô gái mắt buồn đàn cho tôi nghe khúc cải lương năm ấy), nay 62 tuổi, ở số nhà 6, tổ 1, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) nhớ mãi những ngày theo mẹ đi hát kiếm sống: 10 tuổi thì tôi phải đi ở đợ cho người ta ở Phổ Yên. Rồi thấy khổ quá, mẹ gọi về dạy đàn cò để đi hát. “Con nhìn tay mẹ, tay trái bấm chỗ này, tay phải kéo thế này…”, cứ thế mà theo, vừa học vừa hành nghề kiếm ăn. Thứ Bảy, Chủ nhật là cả nhà nhảy tàu về Hà Nội, lên các tuyến tàu điện. Manh chiếu trải ra cho “ban nhạc” diễn. Anh Được tôi chơi guitar, tôi và mẹ vừa kéo đàn cò vừa hát. Em Thanh, em Nhã gõ mõ, giữ nhịp. Có người thương trẻ con vẫy tôi ra cho hẳn tờ 10 đồng… Các loại sẩm, cải lương, người nghe thích bài nào chúng tôi “chiều” bài ấy. Khi thì “Trăng hỡi trăng khuya sao đoạn trường/Lòng ta xin gửi cho trăng mong tìm quên lãng/Cớ sao phụ tình trăng nặng mang/Bóng ai chập chờn như thuyền trôi đau xé tim tôi (bài vọng cổ Trương Chi). Khi thì: Mười ân đã kể rạch ròi/ Âm dương naу cách biệt con thời có haу/ Canh dài gang tấc khôn khuâу/Ϲông cha, nghĩa mẹ biển trời con haу (bài xẩm Thập ân). Chúng tôi cứ lang thang như thế, ngày đi hát, đêm ngủ vạ vật vỉa hè, góc ga tàu. 11 tuổi tôi mới được học lớp 1, thời gian chủ yếu học đàn và đi nhặt hào lẻ của thiên hạ. Cả bốn anh em tôi không ai được học nhiều, cao nhất là cô út học hết cấp 3.
Được di truyền năng khiếu trời cho, dù chẳng được dạy nhạc bài bản, nhưng các con của ông bà Phong Thi chơi đàn rất điệu nghệ. Guitar, nhị, đàn tranh, mangdolin, sáo, violon… nhạc cụ nào vào tay họ cũng tưng bừng cất tiếng.
Rồi ông bà lần lượt qua đời. Các thành viên gánh hát năm xưa lớn lên cũng bươn bả kiếm sống. Anh Được sau khi xuất ngũ mở quán chữa xe đạp, chị Thư buôn chè, buôn quần áo “vắt vai”, có thời đi bãi vàng… nhưng rồi cuối cùng họ lại cầm đàn, cầm nhị trở lại nghề xưa.
Anh Được và chị Thư nay là thành viên ban nhạc hiếu. Họ được đàn anh là các nhạc công chuyên nghiệp chỉ bảo, cũng là lần đầu tiên họ biết đến “đồ rê mi pha son la si”. Nếu trước kia họ nhuần nhuyễn các điệu cải lương như Khúc ca hoa chúc, Kiều nương, Ánh trăng, Bá hoa… thì nay chuyển sang điệu Nam Ai, Nam Bình trầm buồn, tiếc thương, day dứt.
Thấm thoắt, anh Được đã hơn 30 năm, chị Thư hơn 20 năm chơi bộ dây trong ban nhạc hiếu. Anh Được vẫn là “tay” guitar cứng, chị Thư là người cao tuổi nữ duy nhất chơi đàn cò. Chị thổ lộ: Trước làm nhạc hiếu kiếm ăn được, nhưng giờ nhiều người làm nghề này quá, như ở huyện Đại Từ, 26 xã thì có đến 30 đội nhạc hiếu. Họ lập nhóm, kết nối qua mạng, mình thì dùng điện thoại “cục gạch”, không biết “mạng miếc” gì nên không nhiều việc như trước.
Dù chỉ chơi đàn bằng niềm yêu mê được thôi thúc bởi nhu cầu sinh nhai; dù không được học hành bài bản hoặc làm việc ở đoàn nghệ thuật chính thống, nhưng gia đình ông Phong Phú một thời đã làm sinh động đời sống tinh thần của người Thái Nguyên. Anh Trần Yên Bình, nguyên là diễn viên Đoàn Cải lương Bắc Thái mỗi khi nhắc về “Thái Nguyên xưa”, cùng những cái tên ấn tượng khác như ông Xích Khóa (hai tay hai bút vẽ khẩu hiệu), ông Nghĩa (toét) truyền thần ở gốc cây xà cừ; mực bút Tân Kỳ, may Tân Á, uốn sấy Đông Chớp… thì bao giờ anh cũng kể đến gánh hát nhà ông Phong Phú. Họ chính là những “tài tử của nhân dân” - Anh Bình nói như vậy.
Dường như góc sân ga Đồng Quang hôm nay vẫn nhớ một người đàn bà ngồi kéo nhị và hát cải lương rất ngọt; dường như bản hòa âm của các “nghệ sĩ dân gian” với violon, guitar, nhị… vẫn quanh quất trong những con phố, trên chuyến tàu xình xịch vào ga Thái Nguyên mỗi ngày.
Tôi biết, thời chơi nhạc theo năng khiếu và phương pháp truyền tay của gia đình ông Trịnh Văn Phong sắp dừng hẳn, bởi con anh Được, cháu Trịnh Thị Hạnh (sinh 1989) đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia, trở thành giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc ở Thủ đô. Âm nhạc chuyên nghiệp đã chính thức thay thế thứ âm nhạc dân dã thô mộc chảy gần một thế kỷ trong gia đình ông Phong Phú.
Thật thú vị, chiều nay khi nắng sắp tàn, tôi lại được nghe khúc cải lương của 50 năm trước, tại chính ngôi nhà này. Người đàn ông gương mặt nhuốm thời gian ôm cây đàn nhuốm thời gian, chỉ khúc ca vẫn thế, vẫn khiến người nghe buồn mênh mang.