Chuyện cây chè ở xóm núi

09:39, 16/01/2022

Sống kề chân núi Ngà nên hơn 100 hộ dân xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) quen gọi mình là cư dân xóm núi. Trên vùng quê này, cây chè đã bén rễ, xanh đồi từ hàng chục năm nay. Nhưng trải bao phen chìm nổi, chè mới trở thành cây kinh tế chủ lực mang lại nguồn sống chính cho người dân trong vùng.

Vừa làm xong mẻ chè Đông sao suốt, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng xóm pha vội ấm trà mời mọi người có mặt cùng thưởng ẩm. Mấy bác làm đại lý chè ngoài phố tấm tắc: “Chè nhà sắc hương, đượm vị, có bao nhiêu xin mua cả”…

Bà Nguyễn Thị Hiền, một người chuyên đi mua gom chè ở T.P Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi gắn bó với hộ làm chè như máu thịt. Vào đúng ngày bà con thu hái, chế biến là chúng tôi có mặt. Giá mua cao thấp tùy thuộc vào “thời tiết” thị trường.

Việc mua - bán chè giữa 2 bên chóng vánh. Tôi không thấy có mặc cả cao thấp, giữa họ là sự thân thiện. Các giao dịch được đặt cược bằng niềm tin chân thành. Bà con không vì có người khác trả giá cao hơn mà bán; tư thương cũng không vì lúc chè rớt giá mà quay lưng, ngoảnh mặt với nông dân. Từ thu hái, chế biến đến bao tiêu sản phẩm được kết nối bằng một sợi dây vô hình, nhưng bền chặt.

Bên ấm trà, câu chuyện đưa chúng tôi về một miền hoài niệm. Hơn 60 năm trước, những thanh niên từ một số tỉnh miền xuôi đã lên đây khai hoang vỡ hoá, được Nhà nước hỗ trợ lương thực để trồng chè. Dưới bàn tay lao động của con người, một dải đất thâm u xa khuất của tỉnh thức dậy cho hạt giống nảy mầm. Do hợp thổ nhưỡng, hạt chè đặt xuống lòng đất chỉ 3 năm sau đã phát tán, cho thu hái. Nhưng đời sống người trồng chè bên chân núi Ngà vẫn củ sắn “cõng” hạt cơm.

Cụ Đoàn Thị Nhật 84 tuổi kể: Trong nghịch cảnh chè tốt đầy đồi mà bụng dạ thiếu cơm, nên nhiều hộ bỏ bê, tìm vỡ đất trồng sắn lấy lương thực ăn trước mắt. Sự ế ẩm của sản phẩm chè kéo dài đến nhiều năm sau đó. Đỉnh điểm là những năm trước và sau thập niên chín mươi của thế kỉ trước, một số hộ đã tự ý phá bỏ bớt chè để chuyển đổi đất sang trồng cây ăn quả. Bắt đầu là mơ lai, tiếp đến là hồng không hạt rồi vải thiều. Một số hộ còn tìm mua tre bát độ về trồng bên các triền đồi dốc, khe nước lấy măng bán đổi gạo.

Còn ông Lê Đức Dục nói suy tư: Mỗi lần trồng cây mới rồi chặt đi là một lần nông dân chúng tôi mất rất nhiều học phí. Mà bài học nào cũng có cán bộ khuyến nông huyện về hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhưng khi không có đầu ra cho sản phẩm thì không thấy cán bộ nào về chia sẻ.

Thế mới hay ở xóm núi xa xôi này, cây chè cũng như thân phận người nông dân phải bao phen chìm nổi. Trải nhiều mất mát, thua thiệt bà con mới nhận ra đầy đủ lợi ích, giá trị của cây chè. Cái mốc thời gian được bà con nhắc nhiều là năm 2000, tức là sau “phong trào” chặt vải thiều, trả lại đất đứng cho cây chè ở nhiều địa phương của tỉnh. Ở xóm núi, diện tích chè bắt đầu được mở rộng cùng thời gian. Một số chè giống mới như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc… được bà con trồng đại trà trên nhiều diện tích.

Từ 1ha chè, gia đình ông Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1, thu được hàng triệu đồng/năm.

Do có thị trường và giá bán ổn định nên cây chè được bà con quan tâm đầu tư phát triển. Nếu như trước đây bà con phá chè dành đất trồng cây ăn quả, thì từ năm 2010, bà con lại ưu tiên đất cho trồng chè. Coi chè là cây kinh tế chủ lực.

Ông Nguyễn Văn Hà nói mộc mạc: Cây chè nuôi sống dân xóm núi, 100% hộ đều có chè bán. Nhà nhiều có 2,5 tấn chè búp khô/năm; nhà ít có gần 700kg chè búp khô/năm. Gia đình tôi là hộ trung bình, có 2 tấn chè móc câu/năm, với giá bán tại thời điểm này được 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh tâm đắc: Hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại đã làm tư duy sản xuất của bà con thay đổi. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây vườn tạp, đất trồng rừng và đất cấy lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè…

Chuyện chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn của nông dân xóm núi, ông Đinh Quốc Văn, Bí thư Chi bộ cho biết: Hơn 10 năm trước đây hầu hết các hộ trong xóm đều có đất cấy lúa, nhưng do địa hình đất đai phức tạp, các chân ruộng nằm xem ở khe đồi, núi, thời gian cây lúa quang hợp ánh sáng trong ngày ngắn, cho năng suất thấp, nên bà con theo nhau thuê máy về san đồi lấp ruộng, bỏ lúa lấy chè.

Theo tính toán của bà con xóm núi: 1 sào đất bên khe cấy được 1 vụ lúa không ăn chắc, chăm sóc tốt mới đạt năng suất 1,2 tạ/sào, tương đương với số tiền 840.000 đồng/năm. Nhưng 1 sào chè cho thu hoạch bình quân 140kg chè búp khô/năm, tương đương với số tiền 42 triệu đồng, giá trị kinh tế trên cùng diện tích đất cao hơn 40 lần. Trong thời gian 10 năm gần đây đã có hơn 12ha đất lúa 1 vụ trở thành chỗ cho cây chè đứng chân, nâng tổng diện tích chè của xóm từ 23ha lên hơn 35ha hiện nay. Với năng suất đạt 127 tạ/ha, sản lượng đạt gần 465 tấn chè búp tươi/năm. Nhờ sử dụng đất sản xuất hiệu quả, đời sống của bà con xóm núi được nâng lên rõ rệt. Ông Hà cho biết thêm: Hiện xóm có gần 40 hộ đạt thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên/năm. Và từ năm 2019 xóm không còn hộ nghèo.