Lần nữa mãi rồi chúng tôi cũng lên được Lai Châu, lại vào đúng dịp đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần. Với chúng tôi, quê hương ở ngoài này việc lên Lai Châu đã khó, với anh Mai Đức Lộc từ Đà Nẵng ra Hà Nội giữ chức Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam dễ đến năm, sáu năm, lên miền biên viễn xa ngái này lấy một lần càng là mơ ước…
Anh Lộc bảo: Nghe mấy câu thơ của Trần Mạnh Hảo:
“ Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu…” là thấy bồn chồn, bứt dứt, muốn đi luôn…
Các nhà báo Lai Châu đón chào chúng tôi nồng hậu, chân thành. Tíu tít kể về Tây Bắc, về Lai Châu, về Tết đến, Xuân về. Tổng biên tập Báo Lai Châu Nguyễn Viết Mạnh trở lại nghề sau nhiều năm luân chuyển hồ hởi giới thiệu về đứa con tinh thần - Quyển báo Lại Châu Tết Nhâm Dần vừa in xong còn thơm mùi mực với niềm tự hào thật rõ trên gương mặt… Giám đốc Đài PTTH Lai Châu Phan Quyết, trong câu chuyện luôn bùng cháy lửa nghề… Một lời giới thiệu cho tác nghiệp cúa đoàn chúng tôi của đồng nghiệp Lai Châu không thể tuyệt hơn: Thăm bản Mông Sin Suối Hồ cheo leo nơi đỉnh núi Sơn Bạc Mây chiêm nghiệm về cách làm du lịch thôn bản thật hấp dẫn… Chẳng hạn như thông tin sau: Nằm dưới chân núi Sơn Bạc Mây, huyện Phong Thổ, Lai Châu có một bản người Mông không uống rượu, không khói thuốc, không cờ bạc… Đó là bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, nằm cheo leo trên đỉnh núi Sơn Bạc Mây cao ngót 2000m.
Người Mông ở chợ San Thàng.
Từng biết đến một Phong Thổ với chiến thắng hào hùng chống lại bè lũ xâm lược năm 1979, hay truyền thống xây dựng và bảo vệ biên ải tổ quốc của cha ông; nay Phong Thổ được nhắc đến với những đổi thay kỳ diệu trong xây dựng quê hương nên chúng tôi hăm hở lên đường ngay từ sáng sớm. Là đặc sắc của vùng nên trên đường lên Sin Suối Hồ đoàn chúng tôi được Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Báo Lai Châu mời ghé chợ của đồng bào Mông ở San Thàng. Thật thú vị với cảnh chợ và người cũng như sản vật núi rừng nơi này. Những cây sâm rừng quý hiếm như ngọc linh, bố chính …giá cả phải chăng và bát phở người Mông bán trong chợ San Thàng thơm ngon, đậm đà đến kỳ lạ là những kỷ niệm nhớ đời…
Cùng đọc Báo Lai Châu số Tết Nhâm Dần.
Đường lên bản Mông Sin Suối Hồ mùa này thơ mộng với những thửa ruộng bậc thang vừa qua mùa gặt, dân bản đốt rơm rạ tạo nên những cột khói uốn lượn đẹp mắt; bạt ngàn sắc hoa địa lan, đỏ rực sắc đào xuân . Ai đã đến đây đều thích thú với khí hậu trong lành, mát mẻ và sự cởi mở của dân bản. Cùng dự bữa cơm trưa bên bếp lửa hồng với đoàn chúng tôi có Phó Chủ tịch xã Sin Suối Hồ Vàng A Vư, anh giới thiệu:
-Dân bản Sin Suối Hồ bây giờ đều biết làm du lịch. Mà đã làm du lịch thì thói xấu, tập quán lạc hậu phải bỏ. Bỏ cũ, học mới thì phải tự giác thôi. Chúng mình bây giờ không hút thuốc, không uống rượu đâu. Thấy người khác hút thuốc thì mình không thích đâu, thấy người khác uống rượu là mình không ưng cái bụng. Bản Sin Suối Hồ có 125 hộ dân, trước kia có nhiều người lớn trong bản nghiện thuốc phiện, bây giờ không còn. Dân bản theo học tiếng Anh, học lái ô tô, học trồng hoa đông đúc. Nhiều nhà trong bản làm du lịch theo mô hình tại nhà. Có đợt xã còn tổ chức sát hạch lái xe riêng cho người trong xã …
Hảng Thị Qua là một hướng dẫn viên du lịch cho bản vừa xinh đẹp, vừa chuyên nghiệp, giỏi giang thì kể:
- Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, nhiều lần thuyết phục bà con dân bản cùng làm mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều người do dự, có người quả quyết sẽ không bao giờ làm được. Băn khoăn ấy cũng có lý do. Số là lúc ấy ở bản thường xảy ra trộm cắp và tệ nạn xã hội mà chủ yếu là nghiện thuốc phiện, có thời kỳ tưởng chừng bản Mông này sẽ bị tuyệt chủng, người nghiện không bao giờ cai được, bản không còn tương lai nữa. Trưởng bản Chỉnh tiên phong trong công cuộc chiến đấu với cái xấu .B ắt đầu từ năm 1995-2005, anh là người tiên phong vận động người dân cai nghiện. Đến năm 2014, bản Sin Suối Hồ thành công, không còn ai ở bản nghiện hút…Vàng A Vư thêm vào câu chuyện:
-Cai nghiện được rồi, làm thế nào để dân mình thoát khỏi cái nghèo đói? Không tìm cách thoát được nghèo thì tệ nạn sẽ lại trở lại mất thôi! Bà con ở bản Sin Suối Hồ với 100% đồng bào dân tộc Mông xưa nay chỉ quanh quẩn bên nương ngô, ruộng lúa. Trưởng bản Chỉnh bắt tay vào tu sửa nếp nhà mình cho sạch sẽ, tươm tất rồi anh thông báo cho tất cả anh em bản làng cùng chung tay sửa sang nhà, sửa hết từ cổng chào cho đến đường bản. Rồi tiếp tục vận động nhà ai có điều kiện thì làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà không có điều kiện thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau cung cấp thực phẩm, trồng hoa,trồng rừng.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm với Hướng dẫn viên Hảng Thị Qua.
Bản làng cứ thế đẹp dần lên, du khách tìm đến bản Sin Suối Hồ không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp, hòa mình vào thiên nhiên mà nghe trưởng bản Vàng A Chỉnh kể chuyện người Mông quyết tâm thay đổi thói quen lạc hậu,mở homestay và trồng địa lan… Hôm chúng tôi lên,trời bừng nắng xuân, khắp nơi trong bản làng Sin Suối Hồ, từ trong nhà, ngoài đường cho tới chợ đều sạch sẽ, ngăn lắp và bài trí rất đẹp . Phó chủ tịch xã Vàng A Vư cho biết thời điểm khách du lịch đến bản đông nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhờ mở cửa đón du khách và phát triển giống địa lan địa phương, mỗi hộ dân ở đây đều có thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm. Có hộ vừa làm homestay vừa trồng địa lan thu về 200-300 triệu đồng/năm. Những con số trên với miền xuôi là bình thường, còn đây, bản đồng bào Mông cheo leo, quanh năm mây phủ thì ý nghĩa vô cùng…
Biên tập viên Báo Lai Châu Phạm Thị Oanh, người đã nhiều năm theo dõi phong trào Sin Suối Hồ chia sẻ: Cấp uỷ, chính quyền Lai Châu coi Sin Suối Hồ là điểm sáng cần đầu tư và nhân rộng. Tỉnh cho nâng cấp con đường lên đây để thuận lợi cho phát triển du lịch cũng như bảo vệ an ninh biên giới. Phạm Thị Oanh kể tiếp:
-Khi vận động bà con làm con đường, một số hộ dân cũng phản đối, họ nói: "Người Mông đi đường đất mấy đời quen rồi, làm đường xi măng để làm gì? Hay chuyện nhốt lợn vào chuồng, không thả rông nữa, mọi người cũng nói: "Người Mông trên núi cao nuôi lợn trong rừng thả rông, bây giờ chính quyền xã, bản bắt chúng tôi nhốt lợn, không được đâu”. Muốn làm được việc thì trưởng bản là người có uy tín phải làm trước Vàng A Chỉnh đã làm và dân bản nghe theo. Một trong những khó khăn lớn là địa hình vùng núi ở đây xa xôi, hiểm trở, chỉ tính riêng tiền nguyên vật liệu chở lên đến bản cũng có giá tăng gấp 3-4 lần, nếu 1m3 cát ở dưới xuôi có giá 100 nghìn đồng thì lên đến bản Sin Suối Hồ bán với giá 400 nghìn đồng…
Những khó khăn dần qua nhờ quyết tâm của bản…Hướng dẫn viên Hảng Thị Qua và cả phó chủ tịch xã Vàng A Vư vừa dẫn thăm, vừa giới thiệu những vườn địa lan, rừng hoa đào tuyệt đep; luồn rừng cả cây số thăm thác Tình Yêu…Hảng Thị Qua kể:
-Đi rừng kiếm củi, trưởng bản Chỉnh tình cờ thấy địa lan rừng đẹp quá nên mang về trồng chơi. Anh tách thành nhánh và chăm sóc, nhân rộng ra thành vườn, không ngờ khách đi phượt thấy hoa lan đẹp nên mua. Ban đầu chỉ vài chục ngàn đồng/nhánh, về sau bán vài trăm ngàn đồng rồi cả triệu đồng/chậu lan rừng do người bản địa thuần dưỡng… Người xuôi mang ô tô tải lên mua lan chậu, đào cành về bán Tết Nhâm Dần này. Người Mông Sin Suối Hồ chỉ bán những chậu lan đủ tuổi, hoa lan đủ sắc và mỗi cây đào mỗi tết chỉ bán một cành. Cái lý người Mông thật giản dị: “Không lấy hết của cây; không ăn vay cả đời”…
Chúng tôi chia tay đồng nghiệp làm báo Lai Châu vượt đèo Ô Quy Hồ khi màn sương sớm còn giăng mắc. Những cô,những chị người Mông suống chợ San Thàng phiên chủ nhật cuối cùng của năm. Phiên này không mua, không bán, trai gái Mông xuống chợ tìm tình yêu, mùa Xuân đến gần lắm rồi. Nhớ lắm em gái Mông Hảng Thị Qua hôm rồi hát cùng chúng tôi trong rừng đào phai Sin Suối Hồ “ Ơ Ờ Ơ gặp nhau giữa rừng này, cầm cổ tay nhớ thương đây! Mong mãi tới phiên chợ này…” Cầu mong và chúc phúc cho chàng trai bản nào Xuân Nhâm Dần này cầm được tay Nọong Hảng Thị Qua mà hát./.