Hơn 14.000 lượt người sau cai nghiện trở về với cộng đồng trong thời gian 10 năm gần đây. Theo đó, cứ mỗi một năm, Thái Nguyên có hơn 1.400 người tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng tỷ lệ tái nghiện cao, chỉ ít người trong số họ không lần nữa sa ngã vào ma túy.
Quần lửng, mình trần như để khoe những hình xăm trên khắp cơ thể, với Hoàng Xuân Giang thì đó là thứ tài sản vô giá. Ở góc độ mỹ thuật có thể coi là hình xăm đẹp, nhưng bên ngoài xã hội, anh coi đó như một loại vũ khí áp đảo tinh thần đối phương. Nhiều kẻ nghiện đói thuốc rũ người nhưng sẵn lòng nhường bữa cho anh để đổi lấy yên thân. Anh “tự hào” về điều đó.
10 năm trước, tôi gặp anh ở một cơ sở cai nghiện của tỉnh, hình xăm còn lưa thưa. Lần gặp lại này ở Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh, hình xăm đã kín. Nhận ra người quen, anh cúi đầu nói khẽ: Buồn lắm, tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ của ma túy.
Đợt cai nghiện dài nhất là 2 năm, ngắn nhất là 3 ngày. Tổng cộng hơn 30 lần cai nghiện, tương đương với tuổi đời của anh. Anh day dứt: Nhiều lần tôi tự cai nghiện, nhưng thực chất là cai để bố mẹ cho tiền. Chỉ mấy hôm gà gật cai bố mẹ đã mừng lắm “thưởng nóng tại chỗ”. Có tiền, tôi đi bụi cả tháng. Đương nhiên là đi với bạn nghiện. Bây giờ tuổi đã cứng, mong sau đợt cai tập trung này tôi “né” được ma túy, được làm một con người bình thường.
Tôi đã nhiều lần nghe người nghiện thề đây là lần cuối. Nhưng hôm sau lại vẫn câu nói đó. Tôi nhớ tháng Bảy năm 2021, lên huyện Đại Từ, gặp ông Trần Hữu Đức, hơn 60 tuổi, xã Bản Ngoại, một cựu chiến binh từng một thời sa ngã vào ma túy. Ông kể: Là người trong cuộc, nên tôi thấu tận xương tủy sự tàn phá khốc liệt của ma túy. Nó đã lấy đi của tôi tất cả, danh dự, tiền bạc, tình làng nghĩa xóm. May còn có người vợ hiền thục, chịu nhịn trước bao ánh mắt ghẻ lạnh người đời. Đã có lúc tôi nằm xuống bàn đèn nửa tháng không bước chân ra cửa. Rồi một ngày tôi nhận ra vợ con mình không có gạo ăn, tôi đã quyết tâm từ bỏ ma túy. Mấy thằng bạn nghiện thách: Mày bỏ được ma túy 1 tháng, chúng tao đãi mày hút cả năm.
Ông tự mua sợi dây xích lớn, cột mình vào chân tường, bảo vợ con không được lại gần. Ông kể: Ngày đầu bỏ ma túy người ngợm đau kinh khủng. Ngày thứ hai đã kiệt sức, ngày thứ ba không ngóc được đầu dậy, vợ tưởng chết, bảo: Thì mình cứ hút đi, nghèo khổ tôi chịu được. Tôi cố gượng dậy cương quyết: Phen này chết còn hơn sống nhục. Nửa tháng quằn quại, khắp người như có kim châm, rồi tôi cũng vượt qua, nhúc nhắc cầm cuốc cùng vợ con ra đồng vạc bờ cấy lúa, lên đồi trồng chè, trồng cây ăn quả, nuôi thêm mấy đàn ong mật. Chỉ mấy năm không làm bạn với ma túy, tôi trở thành hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, được chính quyền địa phương tín nhiệm, hội viên tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin xã Bản Ngoại.
Cùng ở huyện Đại Từ, anh Nguyễn Văn Minh, một người cai nghiện thành công ở xã Phú Xuyên chia sẻ: Thời gian nghiện ma túy là quãng đời tệ bạc nhất của đời tôi. Một lần, vào ngày giáp Tết Nguyên đán, đứa con gái níu áo bố hỏi: Bố ơi, sao nhà mình không gói bánh chưng? Giáp Tết Nguyên đán nhiều năm, vợ tôi thường ngồi ở góc sân lột lạt giang bán cho bà con buộc bánh. Tôi tự nhận ra lầm lỗi của mình, chấp hành đi cai nghiện ma túy. Năm 2017, đầy 9 năm đoạn tuyệt ma túy, kinh tế dần ổn định, gia đình được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Tôi được về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo điển hình về cai nghiện ma túy thành công tại một hội nghị lớn.
Hoàn lương, được trở lại làm một con người bình thường, thật chẳng dễ dàng gì với người nghiện ma túy. Anh Nông Văn Cường, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), là một minh chứng. 20 tuổi, Cường theo người anh cả đi làm vàng. Cường được anh giao nhiệm vụ hậu cần như mua lương thực, thực phẩm, phụ trách nhà bếp. Người anh đe: “Mày dây vào ma túy, tao đuổi”. Được gần 5 năm thì Cường bị anh đuổi về vì nghiện nặng. Phẫn chí, Cường càng lún sâu vào ma túy. Số tiền tích cóp được trong thời gian đi làm vàng chẳng mấy chốc hóa thành thứ khói ma mị.
Nhẵn túi, anh bắt đầu xoay sở, tìm đến với bạn nghiện. Bạn nghiện tránh mặt, không cho mua chịu. Anh nhớ lại: Sức khỏe suy kiệt lại đói thuốc, không chịu nổi nên tôi đã bò từ nhà mình ra đến cầu Gia Bẩy để tìm bạn nghiện cầu cứu. Nhưng tận lúc đấy tôi mới nhận ra bạn nghiện chẳng có ai chân tình. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc mình phải cai nghiện, làm lại cuộc đời…
Hôm ấy trên đường về anh nhặt được 1 triệu đồng. Vừa nhặt được tiền thì nghe tin trong khe núi có con trâu bị rơi vực chết tại chỗ. Anh hăm hở mang tiền vào mua lại, xả thịt bán được gần 3 triệu đồng. Có tiền trong tay, việc anh nghĩ đến đầu tiên là ra khu vực đầu cầu Gia Bẩy mua ma túy. Nhưng trên đường về anh bị lực lượng công an phục sẵn bên đường ập lại.
Sau vụ đó anh lĩnh án 3 năm tù. Mãn hạn trở về, anh hoàn toàn thay đổi. Anh bộc bạch: Cái vụ nhặt được tiền, mua trâu ngã núi, đi mua ma túy rồi bị công an bắt đi tù đều do 1 tay anh trai tôi dàn dựng. Ngày ra tù, bạn nghiện đến tận cổng trại giam đón. Về đến nhà là cơm đen, bàn đèn, thuốc thơm bày ra mời chào. Nước miếng tứa đầy miệng, nhưng tôi biết nếu nằm xuống sẽ không bao giờ đứng dậy được. Tôi đuổi chúng ra khỏi nhà, bắt đầu với công việc nương ruộng. Để quên ma túy, cứ mở mắt là tôi cầm dao, cuốc lên đồi phát bãi trồng cây ăn quả, trồng rừng.
Thấy anh quyết tâm đoạn tuyệt ma túy, “bọn nghiện” trong vùng không buông tha, chúng mang thuốc phiện, bàn đèn theo anh lên đồi, trải áo mưa nằm hút. Anh kiên quyết: “Có chết tao cũng không lần nữa làm thằng nghiện”.
Rồi khi biết xóm đang loay hoay tìm đất xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao, anh hiến luôn 500m2. Thấy hoàn cảnh kinh tế của anh còn khó khăn, bà con chòm xóm đóng góp được 70 triệu đồng, mang đến đưa cho anh gọi là hỗ trợ tiền hiến đất của cha ông cho xóm. Anh dứt khoát: Tôi nợ bà con nhiều lắm, chỗ đất tôi hiến cũng chưa trả hết những lầm lỗi thời nghiện tôi gây ra. Nếu nhận số tiền này, có nghĩa tôi chưa phải là tôi hôm nay.
Trở lại với Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh, tôi gặp lại những người quen và lạ. Người quen đều đã ngoài ngũ tuần, khuôn mặt cũ mèm, nhàu nhĩ vì đã bao lần đoạn tuyệt với ma túy không thành.
Học viên được cán bộ y tế thăm khám sức khỏe thường xuyên trong thời gian cai nghiện.
Còn người lạ đều rất trẻ, mới mười tám, đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người để phấn đấu học tập, cống hiến cho xã hội. Tiếc rằng các bạn trẻ ấy lại “hiến dâng” tuổi xuân của mình cho ma túy. Để sau đó hối hận vì đã tự mình đánh mất tương lai.
Tôi mong những người lầm lỡ sớm cảnh tỉnh, quyết tâm từ bỏ ma túy, hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường. Dù phải trải qua nhiều đau đớn thể xác, dằn vặt tâm hồn, nhưng chí ít bản thân không bị mọi người trong cộng đồng xã hội gọi là thằng. Vâng! Thằng nghiện.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)