Có rất nhiều lý do để một ai đó lầm lỡ, sa ngã vào tệ nạn ma túy. Rất nhiều người trong số họ tự nhận ra sai lầm, nhưng tiếp tục trượt dài nhân cách. Họ trở thành học viên của Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên (Cơ sở). Ở đây, họ nhận ra mình được trao cơ hội tốt nhất để vùi chôn lầm lỡ, hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Dương Văn Đương, Giám đốc Cơ sở chia sẻ: Trung tâm đang làm việc “một chốn bốn nơi”. Ngoài trung tâm chính là cơ sở cai nghiện ở huyện Phú Bình; ngoài đảo Long Hội và đảo Kim Bảng ở hồ Núi Cốc. Cơ sở có tổng quy mô điều trị, cai nghiện ma túy 750 người. Bao gồm 500 trường hợp tiếp nhận, quản lý bệnh nhân vào điều trị, cai nghiện nội trú; 250 trường hợp điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone/năm.
Chứng kiến các học viên chân chất, lễ phép, tôi cảm nhận Cơ sở có một “phép nhiệm màu”. Bởi khi ở ngoài đời, rất nhiều người có lối sống buông thả, hành xử hung hãn, bất nhân tính với cả người thân thiết. Nhưng cũng chính họ, khi vào đây lại trở thành một con người hoàn toàn khác. Bản ngã hiền lương được đánh thức, họ muốn từ bỏ đi một thói quen xấu để làm lại cuộc đời.
Bên luống rau xanh, ông Trần Văn Thông đang cặm cụi nhổ từng gốc cỏ. Thấy ông lặng lẽ vẻ cam chịu, tôi hỏi:
- Ông đã bao nhiêu lần đi cai nghiện?
- Chừng bằng tuổi đời của tôi.
Sau câu nói hóm hỉnh ấy, ông lặng đi vẻ như người lỡ lời. Rồi tiếp: - 60 tuổi đời, nhưng ra đường đứa trẻ vẫn gọi tôi là thằng nghiện. Đã nhiều lần đi cai nghiện tập trung và tự cai nghiện ở nhà, nhưng chỉ được ít ngày là bập lại ma túy.
- Sau lần cai nghiện này, ông dự định “sẽ tái nghiện vào khi nào”?
- Tôi thề độc với anh. Có đánh chết tôi cũng không sử dụng ma túy nữa.
Thêm một lần nghe lời thề của người đang chấp hành cai nghiện. Tôi nghĩ: Vẫn phải nghe, phải tin để người nghiện không tự ti, mặc cảm. Ví như trường hợp Nguyễn Trường Hiển đang căm cụi với bó dây cao su ở Đội chổi. 27 tuổi, 9 năm “làm bạn” với ma túy. Hiển không dấu diếm: Cháu nghiện ma túy khi đang theo đại học năm đầu… Hiển tủi thân, cúi xuống để giấu nước mắt.
Cả tuổi xuân lẽ ra để học hành, phấn đấu, nhưng Hiển lại chôn vùi tuổi trẻ trong khói phù du. Để có tiền mua ma túy, Hiển bắt đầu nói dối bố mẹ, dần thành quen. Tiền đóng học chính khóa, ngoại khóa, kỹ năng sống bố mẹ đưa cho đều “hóa thân” vào ma túy. Biết con trai mắc nghiện, bố mẹ giữ thể diện, đóng cửa tự cai nghiện cho con.
Hết lần nữa lại lần nữa, nhưng lần nào cũng chỉ giữ được “dăm bữa nửa tháng”. Để cứu con, bố mẹ đã mang Hiển vào Cơ sở gửi gắm. Hiển tự tin: Lần này được cai nghiện bài bản, chắc chắn cháu sẽ đoạn tuyện được ma túy. Tôi động viên: Cố lên cháu ơi, tương lai đang đợi cháu ở ngoài tường rào cơ sở cai nghiện này.
Cán bộ Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh tư vấn tâm lý cho học viên trước lúc họ tái hòa nhập cộng đồng.
Trở lại với những hoạt động lao động trị liệu của Cơ sở. Qua thăm các đội làm mã, làm mi, làm chổi, làm rau, gia công túi giấy và làm cột điện, tôi được chị Hoàng Hữu Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Cơ sở, cho biết: Để học viên yên tâm điều trị, cai nghiện thành công, chúng tôi luôn tôn trọng nhân phẩm, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp học viên nhận thức rõ tác hại của ma túy. Năm 2021 trong điều kiện dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, Cơ sở linh hoạt tổ chức hoàn thành 2 lớp điện dân dụng với 68 học viên; lớp rau an toàn với 100 học viên. Cơ sở cũng đã phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tổ chức lớp an toàn vệ sinh lao động và cấp chứng nhận cho hơn 300 học viên.
Học viên được Cơ sở giám sát, quản lý chặt chẽ, song các quy định khen thưởng, kỷ luật công tâm, minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa những người đang chấp hành cai nghiện, vì thế hạn chế được việc xô xát với nhau. Đặc biệt là tạo cho học viên tâm lý thoải mái, quyết tâm cai nghiện, không bỏ trốn như ít năm trước.
Anh Đỗ Nhất Long cho biết: Vào Cơ sở chấp hành cai nghiện, sau hơn 10 ngày điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe theo phác đồ an thần kinh, tôi được cán bộ tư vấn tâm lý, cho lựa chọn công việc lao động trị liệu phù hợp với sức khỏe. Tôi đã chọn làm mã.
Còn Lê Tuấn Minh nói: Tôi chọn làm mi, vì đó là một công việc cần sự cẩn thận, khéo léo.
Tham gia lao động trị liệu, học viên được tính công điểm. Một phần để cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày, phần dư dả học viên được Cơ sở thanh toán khi hoàn thành đợt cai nghiện. Nhiều học viên tích cực, năng xuất lao động đạt cao, được thanh toán từ 15 đến 20 triệu đồng. Tiền đó học viên xứng đáng được hưởng…
Ở khu gia công túi giấy, Ma Văn Hùng đang cặm cụi với chiếc máy dập nghim. Không đợi chúng tôi hỏi, Hùng nói vô tư: Ngoài đời cháu chẳng biết làm gì, suốt ngày lang thang, vạ vật. Nhưng vào đây cháu biết làm túi giấy, hộp giấy và cai được ma túy…
Ngồi làm việc cùng với Hùng là Hoàng Văn Dần, 18 tuổi. Dần bị bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy tổng hợp. Dần xụt xịt: Cháu chưa bị nghiện, nhưng cháu phải trả giá vì sự nghịch ngợm, đua đòi. Vào đây cháu được học chữ.
Thấy tôi ngạc nhiên, chị Hà Thu Hương, Trưởng Phòng Phòng tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, cho biết: Hiện lớp học xóa mù chữ của Trung tâm có 12 học viên. Tại Cơ sở này đã có không ít người vào đây, ngoài giã từ được ma túy còn thoát nạn mù chữ, hoàn lương trở về với gia đình, cộng đồng xã hội.
Vừa lúc đó, một thành niên trên người xăm trổ đầy hình con thú nói ấp úng với chị Hương: Thưa cô. Cô giúp em hoàn thành bản viết về kế hoạch tái hội nhập cộng đồng. Ít hôm nữa trở về với cộng đồng, em sẽ tìm một công việc làm phù hợp để không “nhàn cư vi bất thiện”.
(Tên học viên trong bài đã được thay đổi)