Chúng tôi đã từng làm sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên" , in rồi lại tái bản; làm phim tài liệu về Đại tướng và đã giành giải cao; cùng với đoàn làm phim 4 tập do nhà báo Nông Quang Đông biên kịch có tên "Con đường Nam Tiến"… Địa chỉ xã Tam Kim, rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Nghĩa Tá (Bắc Kạn); Bảo Biên, Bảo Linh, Thanh Định, Phú Đình… Thái Nguyên cũng đến nhiều… Làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Vũng Chùa - Đảo Yến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - quê hương và nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng đều đã đến… Nhưng ở tỉnh Thái Nguyên còn một địa chỉ đỏ nữa lưu giữ nhiều kỷ vật của Đại tướng mà ít người biết!
Tặng sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên cho Nhà lưu niệm. |
Nhà báo Nông Quang Đông với tôi vốn là đồng nghiệp thân thiết. Anh là người cầm máy và làm truyền hình đầu tiên của Đài PT-TH Bắc Thái. Thái Nguyên và Bắc Kạn tái lập tỉnh, anh đi Bắc Kạn làm Phó Giám đốc đài cho đến khi nghỉ hưu. Anh là con trai cả của một trong những đốm lửa đầu tiên - lão thành cách mạng Nông Văn Lạc, người xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo của xã này, Quân đội ta ra đời. Hôm sau, đội quân 34 chiến sỹ do Võ Nguyên Giáp chỉ huy đánh đồn Pháp ở Phay Khắt, Nà Ngần thắng lớn. Khu đất Pháp lấy làm nơi xây đồn Phay Khắt vốn của gia đình ông Nông Văn Lạc, sau hiến luôn cho Bảo tàng lịch sử… Ông Nông Văn Lạc nghỉ hưu khi ở chức vụ Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Khu ủy Việt Bắc…
Anh Nông Quang Đông kể: Cách mạng thành công, rồi hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Mỹ thắng lợi, tình cảm giữa Đại tướng với những “chiến hữu” và đồng bào ở Việt Bắc nồng ấm, thân thiết hơn cả ruột thịt. Các con của Đại tướng như chị Võ Thị Hạnh Phúc, anh Võ Điện Biên, anh Võ Hồng Nam (có người được sinh ra ở Định Hóa) cũng gắn bó vời đất và người dân nơi này nhiều lắm. Sau khi nghỉ hưu, Đại tướng nhiều lần về thăm lại chiến khu xưa. Một lần cách nay chừng 30 năm, Đại tướng ghé thăm gia đình ông Nông Văn Lạc, ở phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên. Vui chuyện, Đại tướng vỗ vai ông Lạc, nói tiếng Tày: Lạc à! Mỳ tỷ tẩu đây, sle câu mừa dú vạ… (Lạc ơi! có chỗ nào tốt, cho mình về ở cùng). Ông Lạc và mọi người bất ngờ vì sau mấy chục năm, Đại tướng nói tiếng đồng bào Tày còn rất chuẩn, bèn nói: Dú khửn Núi Cốc cụng đây (ở trên hồ Núi Cốc thanh bình đấy). Đại tướng bảo: Pì nọng bại dân tộc Thái Nguyên chăn đây. Cẳm slip hốc bươn pét pi sli hả Quân giải phóng phảo quá đông, pỉ nọng bại dân tộc Đại Từ au khẩu, nựa cáy tỏn tàng, tỏn mà bản sle nòn, vằn nỉ slip lẻ xảy tứn khửn sle au mà chính quyền dú Thị xạ nảo liệt lai vạ chăn slim lai (Đồng bào Thái Nguyên tốt lắm. Đêm 16-8 năm bốn nhăm, Quân giải phóng xuyên rừng, đồng bào Đại Từ còn mang cơm gà đón đường, đón về bản ngủ. Ngày 20-8 thì đồng loạt vùng lên giành chính quyền ở thị xã, hăng hái lắm, tình cảm lắm)…
***
Theo hẹn, sáng Chủ nhật 22/6/2024, tôi và quay phim Hoàng Anh chạy xe vào bến Limosin Hoàng Gia đón anh Nguyễn Quý Nghĩa, người nhà Đại tướng hiện được giao giữ chìa khoá khu Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở đảo Kim Bảng trên hồ Núi Cốc. Anh Nghĩa thông tin: Đây là nơi khi nghỉ hưu, Đại tướng thường dừng chân, nghỉ ngơi trong các lần về với đồng bào Việt Bắc. Hiện, địa điểm này chưa mở cửa đón khách tham quan nên ít người biết tới…”
Nhà lưu niệm được xây dựng mang dáng dấp miền núi |
Khởi công cách nay nửa thế kỷ, hồ Núi Cốc chiếm một vị trí đáng kể trong tâm khảm người dân, gần gũi, thân thương lạ thường. Ký ức mách bảo về tỉnh Bắc Thái từ năm 1973, trong nỗ lực giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu và cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 12.000ha đất trồng cấy của tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) và tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên, Bắc Kạn) nên quyết tâm đắp hồ, xây đập. Khối lượng xây đắp lớn, kênh dẫn dài, lao động thủ công là chính nên kéo dài đến năm 1982 mới cơ bản hoàn thành. Hồ Núi Cốc được tạo nên bởi đập tràn chính bằng đất đồng chất, ngăn dòng sông Công. Nơi cao nhất của đập chính là 27m, chiều dài tại đỉnh đập 480m, dung tích nước khoảng 175 triệu m3, độ sâu trung bình 35m, diện tích hồ 25km2. Kỳ diệu thay, khi nước dâng lên, 89 hòn đảo là những đồi núi cao xưa xuất hiện. Cái từ “Hạ Long trên cạn” ra đời… Những cái tên đảo Cái, đảo Cò, đảo Hoa, Kim Bảng… cũng xuất hiện. Có hồ, có vùng tiểu khí hậu, cây cối tốt tươi, cảnh sắc thơ mộng, chè ngon hơn và tiếng tăm xứ Thái vang vọng xa hơn. Người nhà và con cháu đồng đội đề nghị với tỉnh Bắc Thái giao quả đồi Kim Bảng, trồng rừng và xây trên đó một căn nhà lưu niệm để mỗi lần về “Quê hương thứ hai” (Đại tướng và các con thường nói Thái Nguyên là quê hương thứ hai của chúng tôi), Đại tướng nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đồng bào thăm nom gần gũi, dễ dàng...
Từ bờ bên này, xuồng máy chỉ chạy mươi phút, chúng tôi đã đến đảo Kim Bảng. Trên đảo là ngôi nhà chính 2 tầng, kiến trúc đẹp mà giản dị, được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và những rừng cây xanh tốt. Ở sát mép nước nơi bến thuyền là cây đa được Đại tướng cho trồng năm 1998, tỏa bóng mát giữa đảo. Có một mối liên hệ rằng: Trưa 15/5/1945, tại cây đa đình Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, Chỉ huy Võ Nguyên Giáp cho sáp nhập các lực lượng vũ trang để thành lập Việt Nam giải phóng quân. Chiều 16/8/1945, ông đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tại tán cây đa Tân Trào (Sơn Dương). Tối hôm sau, ngày 17-8, Chỉ huy Võ Nguyên Giáp hội quân dưới gốc đa Chùa Đán… Còn hôm nay ở đây, khi bước chân lên đảo nhỏ, cây đa lại gợi nhớ về những năm tháng hào hùng ấy, thật thú vị… Ông Nguyễn Quý Nghĩa, người thân gia đình Đại tướng được giao trông nom Khu lưu niệm này ngót hai chục năm qua, chia sẻ:
- Sau khi Nhà lưu niệm hoàn thành năm 1999, Đại tướng và gia đình đã từng dọn về đây ở một thời gian. Khi Đại tướng mất, năm 2014, gia đình đã di chuyển chân nhang từ Hà Nội về đây để thắp hương Đại tướng, tưởng nhớ Đại tướng tại nơi ông gắn bó và đong đầy kỷ niệm nhiều năm. Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh của Đại tướng, bức tượng Đại tướng bằng đồng cũng được đưa về thờ… Trước hương án và chân dung Đại tướng, chúng tôi dâng cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên, được biên tập công phu, phát hành năm 2011. Chúng tôi biết: Trong lòng nhiều người dân Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng văn võ song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là con người nghĩa tình, thủy chung, giản dị.
Ngay tại Nhà lưu niệm Đại tướng trên đảo Kim Bảng, qua tư liệu và hiện vật cũng phần nào nói lên được điều đó. Theo nguyện vọng của Đại tướng, muốn một nơi yên tĩnh, thoáng mát để ở lúc nghỉ hưu, năm 1996, được sự nhất trí của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Thái, gia đình đã chọn và xây dựng ngôi nhà hai tầng mái ngói làm nơi ở của Đại tướng trên đảo Kim Bảng. Ngôi nhà có lối kiến trúc hiện đại song vẫn mang dáng dấp nhà sàn của đồng bào Tày Việt Bắc. Phòng khách, cũng là nơi trưng bầy nhiều kỷ vật quý, ký ức về những năm tháng chiến đấu, công tác cho đến lúc nghỉ hưu được tái hiện sinh động, in hình bóng của Đại tướng: Bức ảnh Đại tướng với Bác Hồ năm 1950 ở Thái Nguyên trước giờ xuất phát đi Chiến dịch biên giới được treo trang trọng. Trong ảnh, Bác nằm nghỉ trên tấm bạt bên gốc đa chợ Đu (Phú Lương), ngồi bên cạnh là Đại tướng. Phòng khách cũng được treo nhiều bức ảnh do các phóng viên, nhà báo từng được gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng trao tặng cho gia đình. Ngoài các bức ảnh, gia đình còn gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn những kỷ vật đã từng gắn bó với Đại tướng như: Chiếc giường ngủ bằng gỗ đơn sơ; một bộ bàn ghế làm việc bằng gỗ thông; bộ bàn ghế mây ngồi uống nước; bộ bàn ăn trước đây gia đình Đại tướng ngồi quây quần dùng bữa ở Định Hóa… Bức trướng của Chiến sĩ Việt Bắc trân trọng mừng "Anh Văn" thượng thọ tuổi 90 in dòng chữ to: “Nhân nghĩa kiên trung” với biết bao tình cảm và sự trân trọng dành cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên dưới là chiếc lò sưởi, một gợi nhớ mang đậm dấu ấn của người vùng núi Việt Bắc... Bởi thế, trong căn nhà, các kỷ vật này đều được đặt ở vị trí trang trọng của phòng khách,phòng ngủ.
Khách đến đây vô cùng xúc động khi trên bàn bằng mây đặt trang trọng 2 bộ ảnh về ngày về cõi vĩnh hằng của Đại tướng do Thông tấn xã Việt Nam hiến tặng… Mười năm trước, Thái Nguyên thể hiện tri ân bằng việc đặt cho Quảng trường trung tâm tỉnh mang tên Võ Nguyên Giáp; cho tôn tạo những nơi Đại tướng và gia đình từng ở và làm việc trên Định Hóa, tôn tạo nơi đóng quân của Đại tướng ngày 17, 18, 19 tháng 8 năm 1945 ở chùa Đán hết sức ý nghĩa lịch sử. Còn Nhà lưu niệm Đại tướng trên đảo Kim Bảng (đến nay vẫn do gia đình quản lý), lại cho mọi người cảm nhận một góc khác trong con người và nhân cách Đại tướng. Đó là cuộc sống thường nhật, rất đỗi giản dị của người từng làm nên lịch sử, với biết bao kỷ niệm của Đại tướng khi ở đây lúc nghỉ hưu. Cũng trong ngôi nhà ấy, khi tới thăm chúng ta cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc mà Đại tướng dành cho quân dân Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng…
Tặng sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên cho Nhà lưu niệm. |
Phía bên kia hồ, tại xã Tân Thái,một công trình lịch sử do Bảo tàng Báo chí Việt Nam đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện, đó là Khu di tích Quốc gia Trường dậy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Cách nay 75 năm, tháng Tư năm 1949, Trường đã vinh dự đón Đại tướng về giảng chuyên đề “Cách khai thác tư liệu và viết báo ở mặt trận”. Khi tôi thông tin việc đã ra đảo Kim Bảng, phụ trách bảo tàng,nhà thơ Trần Thị Kim Hoa mừng lắm. Chị bảo tháng 8 này tại Hà Nội có hội thảo về Nhà báo xuất chúng Võ Nguyên Giáp. Còn nếu được khâu nối, có sự phối hợp giữa gia đình và chính quyền địa phương, Nhà lưu niệm sẽ là điểm đến không chỉ giới báo chí. Nếu được cơ quan văn hóa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa sẽ là “Địa chỉ đỏ” để gìn giữ, phát huy và giáo dục truyền thống cho muôn đời sau thì ý nghĩa biết nhường nào! Tôi đem tâm sự này nói với anh Nguyễn Quý Nghĩa, đại diện gia đình, anh Nghĩa cũng rất vui, rất ủng hộ…
Núi Cốc mùa này rất đẹp. Mặt hồ lung linh như ai dát vàng. 89 hòn đảo cây rừng xanh ngăn ngắt. Nơi lưu giữ những giá trị chân,thiện, mỹ của vị tướng huyền thoại thì nhiều, nhưng với chúng tôi, nhưng khám phá vừa rồi còn sâu lắng và tinh khôi mãi mãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin