Suốt gần 1 tháng nay, nắng trải vàng trên khắp các cung đường. Tại huyện vùng cao Võ Nhai, từ lúc bình minh đến khi nắng chiều rót mật vàng trên những ruộng lúa trải dài, tiếng người, tiếng máy rộn ràng khắp các cánh đồng. Cảnh lao động nhộn nhịp cùng niềm vui ngời lên trong ánh mắt của những người nông dân báo hiệu một “mùa vàng” đang đến.
Bà con xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai) thu hoạch lúa mùa. |
Những ngày đi mở đất
Đã qua tuổi thất thập nhưng ông Nguyễn Văn Bích, ở xóm Đồng Chuối, xã Dân Tiến vẫn không quên những ngày theo cha mẹ đến khai phá vùng kinh tế mới ở huyện Võ Nhai.
Ông Bích nhớ lại: Hồi ấy, lũ trẻ chúng tôi còn chưa hiểu chuyện, chỉ lon ton theo chân người lớn. Cùng với nhà tôi khi đó còn hơn 20 hộ khác, cả đoàn đi bộ từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, mất gần 10 ngày, đêm mới đến nơi. Thuở ấy, vùng đất quanh đây toàn là rừng rậm, phải đi sâu vào chân núi mới gặp vài hộ dân địa phương.
Theo dòng hồi tưởng về những ngày mới đến lập xóm tại Võ Nhai, cụ Trần Văn Sinh, 87 tuổi, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá bảo: Lúc mới đến đây, chúng tôi phải đối mặt với nhiều cái khó, đó là thiếu đất canh tác, chưa quen thời tiết và phương thức sản xuất… Nhưng với tâm thế đi khai phá vùng đất mới, bà con bảo nhau nhanh chóng chặt tre dựng lán, tiến hành khai khẩn đất để trồng cây.
Thời điểm đó chưa có máy móc, lại không có trâu, bò lấy sức kéo nên việc khai hoang hoàn toàn dựa vào sức người. Do làm thủ công nên diện tích đất khai hoang được rất ít, mỗi hộ chỉ có vài ba sào. Nhưng ngay khi có ruộng, bà con đã nhanh chóng dẫn nước từ các khe suối, tiến hành ủ mạ từ thóc giống mang theo, rồi cấy, chăm bón lúa. Thời gian đầu, do lạ đất, lạ nước, cây lúa phát triển không tốt, năng suất kém, hạt lép. Đa phần các hộ không đủ gạo ăn, bà con vào rừng hái măng, đào củ mài để duy trì cuộc sống.
Cụ Sinh kể thêm: Chúng tôi cũng lo chứ, làm chẳng đủ ăn lại mãi chưa có cách khắc phục để cây lúa phát triển. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn động viên nhau cố gắng. Sau 2 mùa vụ ban đầu, được sự động viên của các đồng chí cán bộ, chúng tôi đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng lúa của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và nắm được quy luật thời tiết. Vì vậy, việc canh tác lúa thuận lợi hơn, mỗi năm người dân trồng được một vụ lúa, vụ còn lại trồng ngô do thiếu nước sản xuất.
Đến giai đoạn 1965-1980, hưởng ứng lời kêu gọi đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, hàng nghìn gia đình ở Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định… đã ngược núi lên vùng cao Võ Nhai lập xóm. Không ngại khó khăn, ngay khi vừa đến nơi, nam phụ, lão ấu hăng hái xuống đồng, tay cuốc, tay xẻng dọn từng bụi cây, cuốc từng thửa đất để biến vùng rừng núi hoang vu thành những cánh đồng. Đất không phụ lòng người, các “cánh đồng lớn” dần thành hình ở thị trấn Đình Cả và các xã Dân Tiến, Tràng Xá, Bình Long, Phú Thượng… Theo thời gian, những rừng rậm ngày nào đã trở thành cánh đồng trù phú. Đến nay, diện tích gieo cấy trên địa bàn huyện Võ Nhai đạt trên 5.000ha lúa hai vụ.
Gặt mùa vàng trên non
Mùa này, bên các triền núi đá, những ruộng lúa đều đã chín vàng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ở các xóm bản đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Trên những cánh đồng lúa chín vàng óng, không khí thu hoạch càng trở nên nhộn nhịp, khẩn trương hơn bởi tiếng máy gặt đập liên hoàn, tiếng í ới giục nhau chở thóc về nhà. Vụ mùa năm nay, lúa ít sâu bệnh, chắc hạt, đem lại niềm vui cho bà con sau bao ngày vất vả.
Đứng trên bờ nhìn máy gặt đập liên hoàn chạy xình xịch trên cánh đồng, bà Hoàng Thị Hoa, xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng vui vẻ: Vụ mùa năm nay nhà tôi cấy 6 sào, giống Bao thai đặc sản. Thời tiết thuận lợi nên cây lúa không bị đổ, máy chạy khoảng hơn 1 tiếng là xong. Vụ này tôi thu được 20 bao thóc, đủ gạo ăn quanh năm.
Đứng chờ cạnh đó, bà Triệu Thị Hồng ngắt lấy vài bông lúa trĩu hạt rồi bảo: Ngày trước chúng tôi làm ruộng vất vả lắm, mất nhiều công sức làm đất, cấy lúa, làm cỏ, gặt, đập rồi phơi thóc. Giờ khâu làm đất có máy cày, máy bừa. Đến khi cấy, các hộ đổi công cho nhau, thu hoạch thì thuê máy đến gặt rồi tuốt lúa, đóng bao, chúng tôi chỉ việc chở thóc về phơi. Việc nhà nông cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Đúng như lời bà Hồng, hiện nay, trên 90% diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện Võ Nhai đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch, cấy trồng. Bà con nông dân cũng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống lúa mới như: SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, TEJ… vào sản xuất. Cùng với đó, huyện Võ Nhai cũng đang triển khai Dự án bảo tồn các giống lúa đặc sản kết hợp với sản xuất lúa hữu cơ tại các xã: Phú Thượng, Bình Long, Phương Giao, Dân Tiến, Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên và Cúc Đường, với các giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng và truyền thống canh tác của bà con như: bao thai đặc sản, nếp cái hoa vàng.
Ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao: Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Bà con cũng tích cực đưa các giống lúa mới, cho năng suất cao vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích gieo cấy giống nếp cái hoa vàng đặc sản. Gạo nếp cái hoa vàng cũng là một trong những loại nông sản được xã định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Để có được những mùa vàng bội thu, những năm qua, huyện Võ Nhai đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, phản ảnh về diễn biến thời tiết; phổ biến các chỉ đạo của tỉnh, những biện pháp thâm canh, các loại giống cây trồng mới, thông tin về thị trường, giá cả…
Nhờ đó, sản lượng lúa tăng qua từng năm. Năm 2024 sản lượng thóc dự ước đạt trên 27.000 tấn, năng suất đạt khoảng 5,4 tấn/ha. Đây là những tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới hình thành vùng sản xuất lúa bền vững ngay tại vùng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin