Địa danh Đèo De - Núi Hồng từ thời kháng Pháp đã đi vào thơ ca: Vui từ Đồng Tháp, An Khê/Vui lên Việt Bắc Đèo De, Núi Hồng. Bởi vì địa danh ấy gắn với hình ảnh Bác Hồ, gắn với bộ chỉ huy cuộc kháng chiến thần thánh. Nhưng thực sự là hồn thiêng sông núi phải bắt đầu từ việc đỉnh đèo De là nơi xây dựng Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm của cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào Tuyên Quang và ATK Định Hóa, Thái Nguyên.
Điện ảnh kháng chiến đã ghi lại được những hình ảnh vô cùng quý giá về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa. Hình ảnh nhiều nhưng ấn tượng đặc biệt là những hình ảnh: Bác cưỡi ngựa đi công tác cạnh một bìa rừng, Bác và Bộ Chính trị họp tại Lán Tỉn Keo quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Bác vác sào nứa có treo áo vừa đi vừa phơi cho khô áo cạnh dòng suối Khuôn Tát; Bác đánh bóng chuyền dưới gốc đa bản người Dao...
Với ATK Việt Bắc nói chung và Định Hóa (Thái Nguyên) nói riêng thì đến đầu thế kỷ XXI, việc xác định lập bia, nhà lưu niệm các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến đã cơ bản hoàn thành. Định Hóa có tới 118 di tích, trong đó khu vực Đèo De, Khuôn Tát, Pụ Đồn, Núi Hồng, Nà Lọm (Xã Phú Đình nơi Bác ở những năm 1947, 1948, 1953 và đầu năm 1954), đậm đặc hoạt động của Bác Hồ và những quyết định lịch sử. Những di tích đó là địa chỉ đỏ để các thế hệ về nguồn.
Những năm đầu thế kỷ XXI, hoạt động về nguồn của các cơ quan Trung ương diễn ra liên tục, trong đó có điểm nhấn là chương trình tuyên truyền “Hà Nội ngày trở về” hết sức có ý nghĩa. Chương trình nhắc nhớ rằng: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954 thì từ tháng 8, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não ở tại Đại Từ chuẩn bị tiếp quản Thủ đô và kiến quốc. Ngày 10/10/1954, từ trụ sở đồi Thanh Trúc xã Bản Ngoại, Bác viết lời kêu gọi cán bộ và nhân dân Thủ đô…
Ngày 12-10, Bác về Thủ đô sau 15 năm gắn bó với núi rừng Việt Bắc. Nơi Bác cùng cơ quan Phủ Chủ tịch sống với bà con dân tộc Tày, Nùng ở đồi Tỉn Keo, xóm Nà Lọm và bà con dân tộc Dao, bản Khuôn Tát… được đồng bào chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối năm xưa được chú ý đặc biệt. Chính vì thế ý tưởng xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Định Hóa được thực hiện. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó chỉ đạo việc đầu tư; các đồng chí: Nguyễn Quốc Triệu (Chủ tịch UBND TP. Hà Nội), Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội trực tiếp phố hợp với Thái Nguyên xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De (Nhân dân thành kính gọi là Đền thờ Bác Hồ).
Công trình trị giá trên 17 tỷ đồng, khởi công đầu tháng 11/2004 trên diện tích 16.000m2, toạ lạc trên đỉnh núi có thế bát úp, áp lưng vào Núi Hồng hùng vĩ, cách lán Nà Lừa (Tân Trào) 3,5km. Công trình nằm trong quần thể di tích nơi Bác Hồ từng ở, làm việc tại Khuôn Tát với Nhà trưng bày bảo tàng ATK. Sau 6 tháng thi công, đúng kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/2005), Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong niềm xúc động, thành kính và tự hào.
Nhà tưởng niệm Bác Hồ xây dựng trên ngọn đồi đỉnh Đèo De, thế tựa sơn bởi 3 ngọn núi mới tôn tạo, sau là dãy Núi Hồng hùng vĩ. Từ cổng Đền nơi chân núi, bước 115 bậc (ngụ ý ghi dấu kỷ niệm 115 sinh nhật Bác) tới nhà Tam quan. Leo tiếp 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa Xuân dương gian của Bác) rồi mới đến Nhà tưởng niệm với diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo phong cách đền chùa truyền thống, mái lợp ngói đỏ. Chính điện, trên ban là Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng nặng 4,2 tấn mạ vàng.
Nơi cao nhất chính điện treo bức hoành phi "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", đối diện là bức đại tự "Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi". Bệ thờ được làm bằng gỗ gụ dài 5,09m, rộng 4,07m, cao 0,89m. Phía trên là hình búa liềm và ngôi sao vàng 5 cánh đắp nổi cạnh câu đối do nhà văn hóa, Giáo sư Vũ Khiêu soạn: Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/Xây cao văn hiến nước non này và câu nói nổi tiếng của Bác: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kế/Thành công, thành công, đại thành công.
Hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Những bờ hoa râm bụt lấy giống từ bờ hoa râm bụt Bác trồng trên đồi Tỉn Keo vào nặm 1948. Tháp chuông, tháp khánh 2 bên, mỗi khi khách đến, lầu chuông, lầu khánh vang rền, âm thanh vọng lại từ vách núi, trầm mặc, thiêng liêng…
Từ 17 tỷ đầu tư xây dựng ban đầu, 20 năm qua, nơi này trải qua 4 lần mở rộng, tôn tạo, lần đầu tư gần đây nhất với kinh phí 30 tỷ đồng, nâng cấp to đẹp, khang trang hơn. Nguồn đầu tư đáng kể bằng xã hội hóa. Biết ơn Bác Hồ, nhiều người dân cung tiến xây dựng công trình. Điển hình như doanh nhân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, cung tiến hơn 10 tỷ đồng… Bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây bốn mùa tươi tốt do các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, vùng, miền về chiến khu xưa, tới dâng hương và trồng cây lưu niệm.
Tôi về đèo De trong những ngày nơi đây đang triển khai các hoạt động hướng về 135 năm sinh nhật Bác; 20 năm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc đi vào hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa: Cùng với việc chỉnh trang các di tích, đặc biệt là Đền thờ Bác, Khu di tích cũng đang khẩn trương tổng hợp, đánh giá việc phục vụ khách dâng hương, tham quan, trải nghiệm suốt 2 thập kỷ qua.
Con số hơn 4 triệu khách đã về đây tri ân công lao trời biển của Bác 20 năm qua mà ít có phàn nàn, chê trách là niềm tự hào lớn nhất với chúng tôi. Trước mắt, chúng tôi chuẩn bị thật chu đáo việc đón khách nhân 135 năm sinh nhật Người vào tháng 5 tới. Thật là: Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình! - Đồng chí Nguyễn Mạnh Thường
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin