Đó là ngôi điếm Hồ của xóm Hồ (Đông Hồ) thôn Lạc Yên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Chẳng ai còn nhớ rõ ngôi điếm có từ bao giờ, nhưng nhân dân địa phương cho biết, từ khi có làng, có xóm, thì ngôi điếm cũng được xây dựng.
Chính diện Điếm xóm Hồ (Bắc Giang). |
Đôi nét về điếm Hồ
Làng Lạc Yên xưa có tên nôm là làng Khớm, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà. Dưới thời nhà Nguyễn, niên hiệu Thành Thái 11 (năm 1902), làng Lạc Yên được nâng lên thành một xã độc lập. Xã gồm có 4 thôn: Đông Hồ, Tây Đoài, Hương Trung, Đông Trì. Số dân 587 người (năm 1927); số đinh 147 người (năm 1930); điền thổ 263 mẫu (năm 1930).
Do quá trình phát triển, dân số đông lên, làng Lạc Yên được chia thành 4 xóm: Lạc Yên 1 (Đông Thịnh, Thổ Kỳ, xóm Đoài, xóm Hồ); Lạc Yên 2 (Đồng Hương); Lạc Yên 3 (Minh Tân). Đặc điểm ở đây là mỗi xóm đều có một ngôi điếm. Đây là một công trình văn hóa phổ biến ở vùng trung du Bắc Bộ. Đặc biệt, như ở các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, ngôi điếm vẫn còn duy trì cho đến ngày nay.
Tìm hiểu bước đầu cho thấy, ngôi điếm ra đời do nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư. Có thể ban đầu, điếm được sử dụng làm nơi trú chân của người canh gác, bảo vệ an ninh cho xóm làng, có lúc là nơi ban bố những công việc của nhà nước tới nhân dân sở tại. Trong ngôi điếm, nhân dân đã lập bàn thờ thành hoàng, Bản Thổ - những vị thần bảo trợ tinh thần, đem lại mọi may mắn, hạnh phúc cho xóm cho làng.
Ngôi điếm Hồ được xây dựng toàn bộ bằng gỗ lim do sự đóng góp của nhân dân. Điếm gồm có 3 gian, chiều dài 7,9m, lòng nhà rộng 4,7m, hai chái, tổng diện tích khoảng 40m2. Điếm được xây dựng theo kiểu khung nhà bằng gỗ lim kiến trúc “kẻ truyền, con chồng”, có 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, 4 bộ vì kèo được liên kết với nhau bằng các câu đầu, kẻ truyền, các cột cái, cột quân, cột hiên liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc. Chân cột được kê bằng đá tảng. Cây nóc được bào trơn, đóng bén không chạm trổ hoa văn. Hai bộ vì kèo gian giữa, con chồng, câu đầu được soi gờ chỉ, chạm trổ hoa văn lá lật, chữ Thọ. Theo các thông tin được ghi trên kiến trúc nói trên thì đây có lẽ là năm nhân dân địa phương tu sửa lớn ngôi điếm ở đầu thế kỷ XX.
Kiến trúc trong điếm Hồ. |
Nơi thờ Cao Sơn Dương Tự Minh
Qua nghiên cứu phong cách kiến trúc của ngôi điếm và các dòng chữ Hán, điếm xóm Hồ được nhân dân xây dựng lên để thờ các vị thần: Cao Sơn, Bản Thổ. Vị thần Cao Sơn được nhân dân thờ ở đây chính là vị thần Cao Sơn tên húy là Dương Tự Minh và vị thần Bản Thổ là vị thần cai quản đất đai bảo vệ xóm làng.
Vị thần Cao Sơn cũng được thờ ở Đình Cả (đình Chợ Vân) và đình Diệc (đình Bé - làng Lạc Yên). Sự tích về công lao, đức độ của Thần được người xưa ghi lại bằng văn bản đó là Thần tích - thần sắc của ba xã Ân Cập, Hoàng Liên và Lạc Yên, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, được các chức sắc ở địa phương kê khai năm 1938.
Danh tướng Dương Tự Minh người làng Quan Triều, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tương truyền ông được tiên ở cầu Thấp Tân cho áo tàng hình đi vào trại giặc bắt sống được tướng giặc nhà Tống là Đàm Hữu Lượng. Được vua Lý Anh Tông gả con gái là Công chúa Diên Bình và Công chúa Thiều Dung, làm Phò mã lang cai quản Phủ Phú Lương lúc bấy giờ.
Khi ông mất, nhân dân có sớ tấu vào triều, nhà Vua thương tiếc cho dân lập đền thờ. Kiêng húy: Cao, Sơn, Minh. Hiện nay, địa phương vẫn còn lưu giữ được Sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn phong cho làng thờ ông, trong đó làng Lạc Yên có 1 sắc phong có niên đại Duy Tân thứ 3 (năm 1909).
Hằng năm, nhân dân duy trì lệ tứ quý để sắp lễ cúng ở điếm. Trong đó có ngày 10-4 có lễ cúng cháo thí cho những linh hồn phiêu bạt không nơi nương tựa. Đồng thời, có lễ mặn tưởng nhớ vị thần Dương Tự Minh thời nhà Lý đã có công dẹp giặc bảo vệ bờ cõi biên giới nước ta ở thế kỷ XII, thần Bản Thổ bảo vệ xóm làng. Cạnh điếm Hồ có con đường dân sinh qua 3 cái Ao Hồ (có lẽ có tên là xóm Hồ xưa) có cổng Hồ cạnh điếm Hồ.
Cần giữ gìn, bảo vệ
Điếm Hồ là một trong những ngôi điếm cổ còn sót lại ở vùng nông thôn trung du Bắc Bộ. Ngôi điếm đã đi vào tâm thức của bao người dân sinh sống ở địa phương, công trình văn hóa thờ danh nhân lịch sử Dương Tự Minh người Thái Nguyên đã có công lao to lớn giúp nhà Lý quản lý, gìn giữ, bảo vệ một vùng đất rộng lớn vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt ở thế kỷ XII.
Nhân dân huyện Hiệp Hoà giáp với tỉnh Thái Nguyên cũng có phong tục tốt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, có sự tương đồng văn hoá với nhân dân Thái Nguyên cùng một dải đất liền sông Cầu lịch sử, từ xưa tới nay đều truyền miệng: “Thượng tự Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu”, ý chỉ ghi nhớ công đức của vị thần Dương Tự Minh” (trên từ vùng Đu Đuổm, đến vùng dưới là Lục Đầu giang thờ Dương Tự Minh), vị danh tướng, vị Phò mã, vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương đáng kính đã được các vua nhà Lý 2 lần gả công chúa.
Sau khi mất, ông được nhân dân từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang lập đền thờ phụng, ghi nhớ công lao, đức độ. Danh tướng Dương Tự đã được các triều đại phong kiến ban sắc phong cho các làng xã thờ cúng. Ngôi điếm Hồ ở Bắc Giang là một trong những dấu tích cổ, gần gũi với đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương, cần được bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin