Thẻ văn hóa, hay giấy thông hành văn hóa KulturPass, là sáng kiến của người Đức với mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ về văn hóa địa phương cũng như hỗ trợ phát triển các ngành văn hóa.
KulturPass ra đời với mục tiêu khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. |
Giấy thông hành văn hóa
KulturPass là một sáng kiến của Quốc hội Liên bang Đức cùng với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
KulturPass là ưu đãi từ Chính phủ liên bang dành cho bất kỳ ai sống trên nước Đức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 vào năm 2023. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, con số này ước khoảng 750.000 người. Khi công bố kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức Claudia Roth cho biết, tấm thẻ này “tương đương với một món quà sinh nhật”. Việc đăng ký thẻ KulturPass được xác minh bằng thủ tục nhận dạng trực tuyến qua ứng dụng. Người dùng đủ điều kiện sẽ được nhận một tấm thẻ KulturPass có sẵn tài khoản 200 Euro - có thể sử dụng để mua vé xem hòa nhạc, các chương trình biểu diễn, xem phim, đến bảo tàng, mua sách, CD hay các loại nhạc cụ... Thời hạn sử dụng tài khoản này là 2 năm. Trong thời hạn này, họ có thể dùng thẻ để đổi các dịch vụ được cung cấp bởi các đối tác của chương trình trên nền tảng kỹ thuật số.
“Chúng tôi muốn mở đường cho văn hóa” - bà Claudia Roth nhấn mạnh. Bà cho biết, việc phát hành “thẻ văn hóa” là một phần trong công cuộc nhằm khuyến khích những người trẻ ra khỏi nhà để tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: “Hy vọng của tôi là KulturPass sẽ khiến những người trẻ tuổi ra ngoài và trải nghiệm văn hóa, xem nó đa dạng và truyền cảm hứng như thế nào. Họ có thể xem một buổi hòa nhạc, đến viện bảo tàng hoặc xem một vở kịch”.
Bộ trưởng Claudia Roth cũng đánh giá rằng, thẻ thông hành của Đức sẽ mở ra nhiều cơ hội văn hóa cho những người trẻ tuổi, có thể so sánh với Interrail Pass, một loại vé tàu đã cho phép nhiều thế hệ người châu Âu có cơ hội đi du lịch vòng quanh lục địa với giá rẻ. Olaf Zimmermann, Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Đức, một tổ chức bảo trợ đại diện cho hơn 200 hiệp hội văn hóa, cho biết: Thẻ văn hóa này “để hỗ trợ cả giới trẻ và thế giới văn hóa, những người đặc biệt phải chịu đựng đại dịch”. KulturPass dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 6-2023; cổng thông tin sẽ được mở cho các nhà cung cấp văn hóa vào giữa tháng 5 này. Hiện Chính phủ Liên bang Đức đang chi 100 triệu Euro cho dự án thí điểm. Nếu thành công, chương trình có thể được mở rộng cho những đối tượng khác nữa, tiếp theo có thể là những người từ 16 - 17 tuổi.
Hỗ trợ công nghiệp văn hóa
Bên cạnh việc mang đến cơ hội thưởng thức văn hóa, nghệ thuật miễn phí hoặc giá rẻ cho giới trẻ, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đức, thẻ KulturPass cũng nhằm hỗ trợ ngành văn hóa địa phương. Việc phát hành “thẻ văn hóa” được kỳ vọng sẽ vực dậy những trung tâm nghệ thuật hoặc các sân khấu biểu diễn vốn lao đao sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19. Hơn 2 năm, những người trẻ tuổi không thể trải nghiệm văn hóa trực tiếp do dịch Covid-19. Ngành văn hóa cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và hiện tại vẫn đang phải vật lộn vì lượng khán giả sụt giảm trầm trọng.
Các nhà cung cấp dịch vụ văn hóa, nghệ thuật liên quan có thể đăng ký trên nền tảng này và cung cấp vé các buổi hòa nhạc, biểu diễn sân khấu và điện ảnh ở đó. Tuy nhiên, việc chi toàn bộ 200 Euro cho một hay vài tấm vé biểu diễn đắt tiền là không được phép, và các thương hiệu lớn như Amazon và Spotify cũng bị loại trừ. Thay vào đó, ứng dụng hướng người dùng đến các rạp chiếu phim độc lập, hiệu sách nhỏ, các viện bảo tàng... Điều này được cho là để khuyến khích các nhà cung cấp văn hóa địa phương, tạo động lực kích thích nền nghệ thuật Đức.
Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tháng 6-2020, Chính phủ Đức đã phân bổ 1 tỷ Euro để mở gói viện trợ khẩn cấp cho các cơ sở nghệ thuật và văn hóa buộc phải đóng cửa vì đại dịch. Sau đó, vào tháng 2-2021, Chính phủ tiếp tục bổ sung thêm 1 tỷ Euro.
Đức không phải là nước đầu tiên khuyến khích thanh, thiếu niên quan tâm đến các hoạt động văn hóa thông qua mô hình “thẻ văn hóa”. Theo Euronews, năm 2021, Chính phủ Tây Ban Nha đã trao phiếu mua các sản phẩm văn hóa trị giá 400 Euro cho những công dân đủ 18 tuổi. Tại Pháp, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp cũng công bố một loại “thẻ văn hóa” trị giá 300 Euro dành cho những thanh niên đủ 18 tuổi. Trước đó, vào năm 2016, Chính phủ Ý từng cho ra mắt chương trình “lợi tức văn hóa” với 500 Euro dành cho mọi công dân đủ 18 tuổi.
Theo mạng lưới văn hóa Culture Action Europe, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đóng góp 509 tỷ Euro, tương đương 5,3% vào tổng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của toàn khu vực châu Âu. Chính điều đó khiến các nước châu Âu tăng cường chính sách thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của châu lục.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin