Ngày 21-2, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo “Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.
Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). |
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…
Mặc dù đã có một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, nhưng loại hình này còn có hạn chế. Theo bà Đặng Hương Giang, nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.
Cần có tiêu chí cụ thể
Trước những hạn chế của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội, việc cần thiết lúc này là phải có tiêu chí cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, nói đến phát triển du lịch xanh, cần phải lưu ý đến yếu tố sử dụng nguồn tài nguyên, năng lượng xanh - sạch, hạn chế “rác thải nhà kính”.
Còn Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa - Giáo dục, Văn phòng Quốc hội đề cao sự cân bằng giữa lợi ích của người dân địa phương với du khách để có hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp. Bên cạnh đó, chính sách phát triển du lịch và việc xây dựng hoạt động du lịch để du khách trải nghiệm cũng rất quan trọng. “Các địa điểm du lịch cần phải tính đến khả năng cung ứng dịch vụ tương thích với lượng khách, tránh quá tải hoặc không có dịch vụ bảo đảm chất lượng cho du khách”, ông Đoàn Mạnh Cương bày tỏ.
Tiến sĩ Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương nhấn mạnh đến vai trò tham gia của cộng đồng người dân bản địa và các tiêu chí về hạ tầng, như: Giao thông thuận tiện, môi trường bảo đảm, các cơ sở dịch vụ hạ tầng tốt, quản lý rác thải tốt, nguồn nhân lực bảo đảm có đủ năng lực phục vụ khách…
Bổ sung nhóm tiêu chí này, thạc sĩ Vũ Thị Thanh Như, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, khi phát triển loại hình du lịch này cần lưu ý đến tính thời vụ của sản phẩm nông nghiệp, nông thôn để từ đó có chính sách đầu tư phù hợp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải tăng cường giám sát các điểm du lịch để bảo đảm hoat động du lịch diễn ra suôn sẻ, chất lượng. Các địa phương khi phát triển loại hình này cần xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, môi trường bảo đảm cho du khách…
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội rất cần thiết, phù hợp với chủ trương phát triển du lịch của trung ương và thành phố Hà Nội.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau khi xây dựng bộ tiêu chí, Sở sẽ trình thành phố, sau đó triển khai một số mô hình điểm, tiến tới nhân rộng, góp phần phát triển du lịch Thủ đô một cách hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin