Trở về sau chuyến đi Thái Nguyên thăm đồng đội - những liệt sĩ của Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 915 Anh hùng, cựu TNXP Nguyễn Thị Nhung sống tại tổ 17, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn vẫn chưa nguôi trăn trở bởi còn một nơi bà chưa có dịp ghé thăm. Đó là gia đình bà cùng các đồng đội đã ở nhờ trong thời gian đơn vị đóng tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ).
Bà bảo: Trước ngày nhận nhiệm vụ đi giải tỏa hàng ở Ga Lưu Xá, chúng tôi được chia thành nhiều nhóm ở nhờ nhà của người dân tại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn. Tôi cùng sáu chị em khác ở nhà anh An, chị Phương. Dù ngày đó khó khăn, nhưng anh chị ấy đối với chúng tôi rất tốt. Hôm đồng đội hy sinh, mình tôi sống sót trở về, người bê bết máu với các vết thương ngang dọc, cũng chính gia đình đã giúp tôi lau rửa vết thương trước khi tôi được đưa đi bệnh viện. Gần 50 năm đã qua, trong lòng tôi luôn muốn được nói tiếng cảm ơn với anh chị ấy mà chưa tìm được. Không biết giờ anh chị ấy có còn khỏe không?!
Dừng câu nói, ánh mắt bà nhìn vào khoảng không tĩnh lặng. Dường như bà đang trở về với những ký ức của tuổi 17 bên đồng đội và một gia đình ở xóm nhỏ ven sông Cầu năm xưa nhất mực thương quý TNXP.
Mong mỏi của bà đã thôi thúc tôi tìm lại gia đình “anh An, chị Phương” mà bà nhắc đến. Đó là một ngôi nhà ba gian cũ kỹ nằm trên một sườn đồi thoai thoải. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Mạc An và bà Nguyễn Thị Phương. Khi tôi nhắc đến các TNXP của Đại đội 915 năm xưa, ánh mắt đã đục màu thời gian của ông bà ánh lên nét tươi vui, ấm áp. Không khí ảm đạm của cơn mưa chiều cuối đông nhanh chóng bị xua tan bởi những câu chuyện về những người con gái TNXP một thuở. Hai ông bà thay phiên nhau hỏi thăm về các chị giống như người anh, người chị mong tin của những đứa em xa cách lâu ngày. “Các em ấy còn sống thì tốt quá”, “Giờ các em ấy đang sống ở đâu, có khỏe không”, “Bao năm nay cứ mỗi khi nghĩ đến là chúng tôi thương các em ấy lắm. Hôm đó, các em đi vội vàng, chúng tôi cũng không biết ai còn, ai mất”…
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ở vào tuổi 85, ký ức của ông Mạc An đã phân tán giữa hai miền quên, nhớ. Nhưng sự kiện các cô gái TNXP đến ở cùng gia đình thì ông còn nhớ khá rõ. Năm 1972, vợ chồng ông nhường căn buồng của ngôi nhà trình tường cho các nữ TNXP làm chỗ ở. Ông kể: Lúc đó tôi làm cán bộ đoàn, hàng ngày làm việc ở huyện Phú Bình, chỉ cuối tuần tôi mới về nhà. Vợ chồng tôi nhường cho các em ấy hai cái giường. Một cái trong buồng và một cái ngoài nhà. Vợ tôi và ba đứa con ngủ ở cái giường còn lại. Thấy các em nằm phải xoay ngang giường mới đủ chỗ, vợ tôi bảo lấy cây gỗ mà gia đình định làm cánh cửa nhà xẻ ra ghép thành ván để các em nằm thêm cho rộng.
Bà Phương tiếp lời chồng: Hồi ấy, ở khu này các em TNXP ở nhà tôi, nhà ông Thứ, nhà ông Huấn. Ban đầu có ít người đến ở thôi, sau đến gần ngày các em đi bốc dỡ hàng ở ga Lưu Xá thì có thêm mấy em nữa. Lâu rồi, tôi không nhớ được tên của từng người nữa, chỉ nhớ là ở nhà tôi có hai cô tên là Nguyên. Một cô mập, một cô gầy. Có một cô hay chơi với thằng Khoa nhà tôi lắm (Khoa là con trai thứ ba của ông bà. Năm 1972, anh Khoa được hơn 1 tuổi-PV). Ngày đấy, quanh đây toàn tre thôi, ông nhà tôi đào một cái hầm kèo to lắm. Cứ thấy báo động là cả nhà tôi và các em ấy lại chạy xuống hầm trú ẩn. Lần nào cũng có một em ẵm thằng Khoa giúp tôi. Năm ấy tôi lại đang có thai đứa thứ tư, có hôm bụng to đang ngồi giặt quần áo, một em chạy ra nhất định đòi giặt giúp. Tình cảm lắm. Rồi bà quay sang hỏi ông còn nhớ hai cô Nguyên ấy không?
- Nhớ chứ. Hình như một cô là người Phú Bình, một cô người Bắc Kạn. Có hôm tôi đi làm, thấy cô Nguyên gầy vác cuốc xẻng nặng tôi còn chở cô ấy xuống chỗ đơn vị làm đường ở Gò Trẹo mà (Gò Trẹo thuộc xã Nam Hòa – Đồng Hỷ). Còn cô hay chơi với thằng Khoa hình như nhỏ nhất đội.
Rồi bà Phương kể tiếp: Thường các em ấy đi làm về đều sang nhà ông Huấn ăn cơm, chỉ về nhà tôi ngủ (nhà ông Huấn cách nhà bà Phương chừng 500 m. Đây là gia đình đã cho cán bộ Đại đội 915 ở nhờ. Công tác hậu cần cũng được sắp xếp tại đây - PV). Nhưng có một lần cách hôm các em gặp chuyện không lâu, có nấu một nồi cơm nếp ở gần rặng tre tại nhà tôi. Không hiểu lý do tại sao mà nồi cơm cháy đen hết cả.
Câu chuyện của bà Phương khiến tôi nhớ cựu TNXP Nguyễn Thị Nhung cũng từng kể. Sáng hôm 24-12, đơn vị có lệnh mọi người dậy sớm để ăn cơm trước khi sang Lưu Xá nhưng nồi cơm hôm đó sống. Nhiều người không ăn vì quan niệm ăn cơm sống, cơm cháy là không may mắn.
Tôi báo tin cho cựu TNXP Nguyễn Thị Nhung đã tìm được gia đình “anh chị An, Phương”, "bé Khoa" năm xưa bà hay ẵm hiện đã lập gia đình riêng ở gần bố mẹ… bà mừng lắm nhờ tôi chuyển điện thoại cho bà được chào ông bà An, Phương.
- Chị ơi, em mà. Chị còn nhớ em không? Em là đứa bé nhất đội hay chơi với cháu Khoa đây. Hôm đó em bị trúng bơm, bò được từ Lưu Xá về đến cổng nhà mình em không đi được nữa. Trời còn chưa sáng, em nằm gục ở dưới dốc, chó sửa nhiều, anh An chạy xuống hỏi ai đấy? Em bảo với anh là: Em mà. Em ở nhà anh chị đây mà. Ba bạn đi cùng em chết hết rồi, chỉ còn mình em sống về được đây báo tin cho đơn vị thôi. Anh An vội gọi mấy bạn hôm đó không phải đi ra dìu em lên, rồi lấy nước gột máu ở tóc, ở mặt cho em. Sau đó em được đơn vị đưa đi bệnh viện ngay, em không kịp từ biệt anh chị.
- Còn sống là tốt rồi, phải sống cho khỏe, có thời gian về đây chơi với anh chị….
Câu chuyện của hai người gần 50 năm chưa gặp mặt cứ lúc vui tươi, khi xúc động, nghẹn ngào. Gặp họ, được chứng kiến tình cảm họ dành cho nhau, hậu sinh như tôi hiểu rằng, chiến tranh tàn khốc, nhưng chính sự tàn khốc đó đã dệt nên những tấm chân tình cao đẹp mà thời gian hay khoảng cách địa lý cũng khó có thể làm phai nhạt.
Tôi đi hỏi thăm nhà ông Thứ, ông Huấn mà bà Phương nhắc đến mong có thể ghi chép lại kỷ niệm về các anh, các chị trước khi hy sinh. Nhưng năm tháng trôi qua, các ông, bà giờ đều đã thành người thiên cổ. Xóm Bến Đò, so với năm xưa dù cảnh vật đã đổi thay nhiều, nhưng mảnh đất ấy và những người như ông An, bà Phương sẽ mãi là chứng nhân lưu giữ những giấc mơ, kỷ niệm của các chị, các anh đơn vị anh hùng.