Nặng nghĩa tình đồng đội

11:29, 11/04/2018

Lần đầu tiên tôi gặp ông Tống Văn Minh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội  915 Anh hùng, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) 91 Bắc Thái trong một buổi họp mặt Ban liên lạc Đại đội tổ chức tại T.P Thái Nguyên cuối năm 2012. Ấn tượng nhất trong buổi trò chuyện hôm đó là biết ông đã tự mình đi xác minh địa chỉ, hoàn cảnh gia đình của hầu hết đồng đội trong đơn vị. Gặp lại lần này, thấy sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều nhưng người Đại đội trưởng năm xưa vẫn miệt mài, giữ nguyên tâm huyết vì nghĩa tình đồng đội.

 Vẫn day dứt về đồng đội hy sinh

Ông Tống Văn Minh năm nay đã 72 tuổi, dáng người nhỏ bé nhưng rất linh hoạt, minh mẫn. Ông kể: Tôi quê gốc ở Trực Ninh, Nam Định và hiện đang sống tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Mẹ mất từ khi tôi mới được 3 tháng tuổi, lên 5 tuổi thì bố cũng qua đời nên tôi phải ở cùng cô ruột. Khi nhỏ cô đi làm vẫn hay gửi sang nhà xóm, cũng chính là nhà vợ sau này. Cả hai gia đình cùng khó khăn, ở gần nên bén duyên sớm, thành vợ chồng khi tôi mới 17 tuổi. Năm 1963, đúng 13 ngày sau khi cưới, tôi viết đơn xung phong lên Thanh Vận, Bạch Thông (Bắc Kạn) để khai hoang. Vợ tôi cũng đồng thuận theo chồng lên vùng kinh tế mới.

Sớm tham gia phong trào thanh niên, ông Minh được tín nhiệm làm Bí thư Đoàn xã Thanh Vận và từng được giao là Chỉ huy phó công trường khi thi công hồ Tân Minh ở địa phương. Ông hồi tưởng: Sau sự kiện hồ bị vỡ, làm chết 13 người cuối năm 1968 Trung ương có quyết định tạm dừng việc xây dựng. Tôi được điều động về làm công tác đo đạc tại Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Bắc Thái. Khi Tỉnh đoàn có đợt phát động, tôi làm đơn tình nguyện tham gia TNXP và được giao về đơn vị của B25 ở bến phà Cò Nòi, huyện Xuân Sơn (Quảng Bình). Làm ở nhiệm vụ ở đây được 9 tháng thì tôi bị sốt rét nên đơn vị điều chuyển về Bắc Thái bổ sung vào Đại đội 913 (thuộc Đội 91) giữ vai trò Đại đội phó. Tháng 6-1972, khi Đại đội 915 thành lập, tôi tiếp tục được điều động về đơn vị mới giữ chức Đại đội phó phụ trách hậu cần và là Bí thư Chi bộ. Đơn vị có hơn 100 đội viên, chỉ 21 là nam, hầu hết tuổi đời chỉ 17-18. Chi bộ gồm 9 người, tôi là người cao tuổi nhất.

Kể về khoảng thời gian làm nhiệm vụ tại Đại đội 915, điều ông Minh day dứt nhất chính là sự kiện ở ga Lưu Xá ngày 24-12-1972 khiến 60 đồng đội của mình hy sinh. Các anh,chị đã ngã xuống khi chưa kịp ăn bữa tối.

Thời điểm đau thương đó giờ ông vẫn nhớ như in: Chiều 23-12-1972, Ủy ban hành chính tỉnh giao cho đơn vị cử ngay cán bộ, đội viên xuống cùng công nhân Khu gang thép Thái Nguyên và các ty lương thực, giao thông làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại Ga Lưu Xá. Sau khi hội ý Chi bộ và triển khai đến toàn bộ đơn vị thì 100% đều xung phong đi. Chúng tôi sau đó phải giao cho từng tiểu đội, lựa chọn những người có sức khỏe nhất. Sáng sớm hôm sau, tôi cũng xuống đó được một lúc thì thủ trưởng Cường bảo: “Mày về đi, nhiệm vụ hậu cần thì phải về lo không anh em chết đói”. Tôi phụ trách gần một nửa đơn vị ở lại, vẫn làm nhiệm vụ lấp hố bom như bình thường. Chiều đó, khi tổ chức nấu cơm cho anh em làm việc ở Lưu Xá thì cả 3 nồi đều bị sống, tôi bảo mọi người phải hớt hết cơm sống phía trên, chỉ lấy phần chín ở dưới và nấu thêm nên muộn hơn chút. Cơm cũng chỉ nắm lại kèm cá mắm khô mang xuống tới nơi thì không ai kịp ăn. Tối muộn, có 4 chị em kiệt sức chạy về báo là đơn vị chết gần hết rồi. Tôi bảo đồng chí Vũ Trung Tấn, Đại đội phó phụ trách đoàn thể có sức khỏe hơn xe đạp vào Tổng đội 91 để báo tin nhưng mọi người cũng đều biết cả rồi.

Đi 7 tỉnh với 21 huyện, thành để tìm đồng đội

Đại đội 915 sau đó được kiện toàn, ông Tống Văn Minh được phân công là Đại đội trưởng từ năm 1973. Đơn vị tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đất nước hoàn toàn thống nhất, đại đội tự giải tán. Hầu hết thành viên chuyển sang làm công nhân kỹ thuật. Ông Minh cũng làm công nhân được 2 năm rồi về địa phương tham gia công tác đoàn thể và sản xuất nông nghiệp. Đời sống khó khăn, nhưng trong tâm niệm của người cựu Đại đội trưởng luôn day dứt, mong muốn liên lạc với các đồng đội năm xưa để có dịp một lần tổ chức gặp mặt toàn đơn vị. Chính vì vậy, cuốn sổ nhỏ ghi danh sách hơn 100 đội viên Đại đội 915 từ năm 1972 luôn được ông cất giữ rất cẩn thận.

Năm 2006, Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên có liên lạc với ông Minh đề nghị phối hợp lập danh sách, địa chỉ liên lạc và tìm hiểu gia cảnh của những thành viên Đại đội 915. “Khi đó, gia đình đã bớt khó khăn, con cái cũng trưởng thành nên tôi quyết tâm thực hiện tâm nguyện bấy lâu của mình. Chỉ với cái ba lô, một vài bộ quần áo là lên đường. Bản thân không biết đi xe máy, nên tôi chủ yếu bắt ô tô, lúc thì đi bộ hoặc nhờ đồng đội đưa đường”. - ông Minh nói.

Tổng kết hành trình đi tìm đồng đội từ năm 2006 tới nay, ông Minh đã qua 7 tỉnh với 21 huyện, thành phố. Nơi xa nhất là T.P Đà Nẵng, khó khăn nhất tận khu vực công trình thủy điện Hòa Bình, thời gian lâu nhất là hơn một tháng liên tục. Toàn bộ kinh phí từ tiền túi của bản thân. Ông kể: Đi tới đâu là tôi lại hỏi dò địa chỉ những thành viên khác, gặp ai và hoàn cảnh gia đình của đồng đội thể nào tôi đều ghi cẩn thận vào một cuốn sổ. Nhớ nhất là lần đến nhà mẹ Thương, mẹ của đội viên Phùng Thị Tấm ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Tôi đi bộ ra đường bắt ô tô khách, lên đến trung tâm huyện thì nhờ anh Vũ Đức Là cùng đơn vị đưa vào. Lúc đến thì đã trưa muộn, mẹ Thương giữ các con ở lại ăn cơm. Anh em định sắn làm cùng nhưng mẹ nhất quyết không cho, mẹ đã gần 80 tuổi nhưng vẫn tự lấy thịt lợn để dành trên gác bếp và ra vườn hái rau. Nhưng khi dọn lên rồi thì mẹ chỉ ngồi khóc, bản thân anh em cũng xúc động mà khóc theo. Mẹ có 3 người con thì 2 người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Một anh đi bộ đội hy sinh ở chiến trường miền Nam, có giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công gửi về nhưng vì điều kiện khó khăn, gia đình chưa sắm được khung để treo lên, thành thử phải cất gọn trong chiếc hòm gỗ cũ.

Chuyến đi xa nhất vào T.P Đà Nẵng cũng là một kỷ niệm khó quên. “Đồng đội là Ma Ngọc Sơn hy sinh tại Ga Lưu Xá năm 1972, do chưa lập gia đình nên cháu là Ma Ngọc Dưỡng nhận thờ phụng đã vào Đà Nẵng làm ăn kinh tế. Tôi chỉ biết địa chỉ ở tổ 46A, Đa Phược 1, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, không hề có số điện thoại nhưng tôi cứ liều đi. Bắt tàu hỏa vào đến Đà Nẵng nhưng không dám hỏi ai vì toàn người lạ. Cuối cùng được một chiến sĩ công an hướng dẫn nên tôi đi bộ tìm tới. Cũng may là gia chủ có nhà, tôi làm lễ thắp hương đồng đội, tìm hiểu gia cảnh và hỏi luôn xem có đồng đội nào trong đó. Đáng tiếc là mọi người đều ở rất xa nên tôi chỉ nghỉ lại một tối rồi trở lại Bắc Kạn luôn” - ông Minh kể.

Nói về đồng đội của mình, ông Minh bùi ngùi: Gần 50 năm rồi, có dịp gặp lại là chỉ biết ôm nhau khóc. Có người may mắn được quây quần bên gia đình, một số không lập gia đình, sống một mình chăn đơn gối chiếc và phần lớn hoàn cảnh đều rất khó khăn. Biết thông tin tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai tôn tạo và mở rộng Khu di tích lịch sử Quốc gia Điạ điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 tại Lưu Xá chúng tôi rất vui mừng. Đây thực sự là một chủ trương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bản thân tôi mong muốn kế hoạch này sẽ sớm hoàn thành, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến những đội viên còn sống, nhất là giải quyết chế độ chính sách cho những người bị thương trong sự kiện ở Ga Lưu Xá ngày 24-12-1972.