Kỷ vật Đại đội 915

17:32, 07/04/2018

Tôi xin được gọi những kỷ vật của các cựu thanh niên xung phong (TNXP), liệt sĩ Đại đội TNXP 915 (Đội TNXP 91 Bắc Thái) là kỷ vật Đại đội 915 - vì từ lâu, danh tiếng Đại đội TNXP 915 đã trở nên thân thuộc và thiêng liêng trong trái tim người dân đất Việt. Hơn thế, những kỷ vật Đại đội 915 được Bảo tàng tỉnh dày công sưu tầm rất bình dị, gần gũi với cuộc sống hôm nay. Bởi tất cả những gì diễn ra trong đêm Noel máu lửa 24-12-1972 vẫn còn hằn vết sẹo trên cơ thể của các cựu TNXP.

Theo anh Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Đó là những kỷ vật vô giá được các cựu TNXP, hoặc gia đình liệt sĩ TNXP bao năm gìn giữ, coi đó như một vật báu của gia đình, dòng họ. Vì đó là những kỷ vật từng gắn bó với các anh chị Đại đội TNXP 915 ở thời khắc oanh liệt nhất của đời người. Và để phát huy giá trị của những kỷ vật thiêng liêng ấy, đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng Thái Nguyên đã chủ động tìm kiếm, sưu tầm, mang về bảo quản, khôi phục, rồi trưng bày, triển lãm phục vụ nhân dân vào các dịp kỷ niệm, lễ tết, nhất là dịp 30-4, ngày đất nước thống nhất.

Lời anh Toàn dành cho tôi nhẹ như mây sớm, nhưng tôi cảm nhận ở từng câu, từng lời anh kể về các kỷ vật Đại đội 915 có vị mặn mòi nước mắt vì sau mỗi kỷ vật là một câu chuyện đời người, lúc hoan ca, khi bi tráng, bất tử. Đứng trước tấm di ảnh liệt sĩ TNXP Ma Thị Chảy, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn, Bắc Kạn), tôi nghẹn lòng khi biết di ảnh chị được gia đình đặt lên ban thờ, khói hương từ mấy mươi năm nay, thì cũng bấy nhiêu năm người thân khóc ròng thương nhớ chị. Bởi chiến tranh, những TNXP như chị Chảy, tay không tấc sắt mà bước dưới đạn bom thù, hồn nhiên tải lương ra tiền tuyến. Để “Đất đen phủ nặng mình con/Nhưng dòng nước mắt mẹ còn nặng hơn” (Bài thơ “Cho đời tự do” - dân ca Nam Tư, Nhà thơ Tố Hữu dịch lời).

Di ảnh của nữ TNXP Ma Thị Chảy là 1 trong 195 kỷ vật được Bảo tàng tỉnh sưu tầm, bảo quản từ năm 2013 đến hết quý I năm 2018. Nước ảnh đã lạt phai, nhưng trong lòng người luôn đậm sâu nuối nhớ. Thời gian là thế, nghiệt ngã như phép thử những người làm công tác sưu tầm hiện vật. Và các anh chị làm công tác Bảo tàng tỉnh đã kịp đến để động viên, chia sẻ và xin phép được thay gia đình lưu giữ kỷ vật thiêng liêng. Chuyện đi tìm kỷ vật Đại đội 915, Chị Bàn Thị Hà, Trưởng phòng Kiểm kê Bảo quản (Bảo tàng tỉnh) không giấu nổi xúc động. Chị kể: Tháng 3-2018, đơn vị tổ chức lên tỉnh Bắc Kạn làm nhiệm vụ sưu tầm hiện vật. Dù đã có sự trao đổi trước với các gia đình thân nhân liệt sĩ TNXP và cựu TNXP, nhưng khi chúng tôi đến nhà, xin sưu tầm kỷ vật thì ai nấy nghẹn ngào, khóc nấc thành tiếng. Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt khi đưa tay đón nhận kỷ vật đời người. Như chuyện của cựu TNXP Bùi Thị Loan, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn). Mất mấy lần bà Loan vào buồng rồi trở ra cùng nụ cười mếu máo. Giây lát đắn đo, bà nói với tổ công tác: Tôi xin được gửi gắm cho Bảo tàng tỉnh các kỷ vật cá nhân, gồm: vỏ chăn, chậu nhôm, đôi dép cao su và chiếc áo ấm. Tất cả những kỷ vật này tôi sử dụng trong thời gian tham gia Đội TNXP 915.

Bà Loan đã cất giữ số kỷ vật hiếm hoi của thời trẻ trung đầy máu lửa trong chiếc hòm gỗ từ hơn 40 năm nay. Nhất là chiếc áo, kỷ niệm mối tình đầu của bà bị 2 vết thủng trên vai phải. Bà kể: Ngày tham gia Đại đội TNXP 915, tôi gặp anh, bộ đội lái xe chở quân lương qua đơn vị. Chúng tôi gặp nhau, anh trao tôi chiếc áo, dặn: Em mặc áo, như có vòng tay anh bảo vệ, che chắn cho em mảnh bom, hòn đạn. Chị đã mặc áo anh tặng để làm nhiệm vụ tải lương, mở đường. Cả cái đêm Noel chết chóc năm 1972, chiếc áo có phép nhiệm màu của tình yêu đã cứu chị thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Hôm ấy, sau những loạt bom gầm rùng rợn, ga Lưu Xá chỉ còn lại là một đống đổ nát. Mùi khói bom khét lẹt, mùi máu thịt TNXP, tiếng gọi đồng đội, bản thân chị bị vùi trong đống bê tông đổ nát. Lúc đồng đội tìm thấy, chị đang trong trạng thái ngưng thở. Nhưng khi chuẩn bị khâm niệm, trái tim chị đã đập trở lại.

Giây lát lặng đi, và sau cái nhìn như thôi miên vào khoảng hư không trước nhà, bà kể: Người cho áo ấy sau này là chồng tôi. Ông ấy đã mất cách đây ít năm. Trước khi lâm chung, ông dặn: Bà có thể cho, bán tất cả mọi thứ trong nhà, nhưng chiếc áo của thời TNXP thì không thể. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nhưng xin được đặt niềm tin vào đội ngũ những người làm công tác sưu tầm kỷ vật Đại đội 915. Vì đời người sống có giới hạn, còn thời gian thì mãi mãi, mong chiếc áo ấm theo tôi từ cõi chết trở về sẽ là vật chứng tố cáo tội ác chiến tranh.

Cùng chuyến đi sưu tầm kỷ vật Đại đội 915 hồi tháng 3 năm nay còn có chị Nguyễn Thị Hiền, Phó phòng Kiểm kê Bảo quản. Chị Hiền kể: Công việc sưu tầm hiện vật liên quan đến Đại đội TNXP 915 không khó. Vì trước khi đến các địa chỉ để sưu tầm hiện vật, chúng tôi đã “đả thông tư tưởng” với người thờ cúng liệt sĩ. Như việc sưu tầm di ảnh chân dung liệt sĩ Tô Thị Phùng, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn). Rồi cũng ở thôn Bản Cưa, chúng tôi được cựu TNXP Liêu Thị Ly hiến tặng cho Bảo tàng các kỷ vật là tấm chăn và chiếc ba lô. Đó là những vật dụng bà dùng thời tham gia TNXP.

Một trân quý đối với các cựu TNXP và thân nhân gia đình liệt sĩ TNXP là dù cuộc sống còn chưa hết khó khăn, song mỗi người đều hết sức gìn giữ kỷ vật của mình. Nên tuy các kỷ vật đều đã cũ, nhưng phần nhiều còn lành lặn, nguyên vẹn, như bộ quân phục của nữ TNXP Dương Thị Hợp, nguyên đội viên Đại đội TNXP 915; chiếc áo trấn thủ, bi đông đựng nước cựu Đại đội phó TNXP 915 Tống Văn Minh… Chị Phạm Thị Thu Trang, Di sản viên của Bảo tàng tỉnh cho biết: Làm công tác sưu tầm, bảo quản, chúng tôi rất bất ngờ là hàng chục năm sau chiến tranh, các thân nhân liệt sĩ và các cựu TNXP còn gìn giữ được những kỷ vật quan trọng mang dấu ấn lịch sử cách mạng. Vì thế đội ngũ những người làm công tác bảo tàng chúng tôi càng thấy mình có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị của kỷ vật.

Phía sau mỗi kỷ vật là những câu chuyện về cuộc đời người TNXP, và kỷ niệm đẹp của người làm công tác bảo tồn, bảo tàng ở từng chuyến đi “săn tìm báu vật”. Anh Toàn cho biết thêm: Chúng tôi đã đi tìm những kỷ vật của TNXP Đại đội 915 bằng tất cả hối thúc từ trái tim. Và huyền diệu vì như có lời mách bảo của các Anh hùng liệt sĩ, như chuyến về thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn), vào thăm nhà cựu TNXP Hoàng Văn Thắng. Nghe chuyện bi hùng ga Lưu Xá đêm Noel năm 1972; chuyện về những kỷ vật chiến tranh. Rồi niềm vui trong tôi như òa vỡ khi ông Thắng lấy chiếc ca Đại đội TNXP 915 sử dụng uống nước trong khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa ở ga Lưu Xá. Khi trao kỷ vật này cho tổ công tác, ông Thắng nói xúc động. Mỗi ngày dùng ca này uống nước, tôi thấy đồng đội mình vững vàng trong đội hình chiến đấu.

Vậy là có thêm một kỷ vật thiêng liêng - kỷ vật của một Đại đội TNXP Anh hùng. Từng kỷ vật khắc ghi lại câu chuyện của chiến tranh. Tố cáo tội ác chiến tranh, song cũng bao dung, độ lượng, vì tất cả những giây khắc nghiệt ngã của một trận bom thù dội xuống vùng đất có những con người yêu hòa bình đã trở thành câu chuyện của ngày hôm qua.